Green Library - Cùng con yêu sách

Carl Edward Sagan (9/11/1934 – 20/12/1996) là nhà thiên văn học, vật lý thiên văn, vũ trụ học, sinh học vũ trụ, tác giả sách, nhà phổ biến khoa học và là nhà phát ngôn khoa học người Mỹ. Đóng góp quan trọng nhất của ông là cho việc khám phá nhiệt độ bề mặt rất cao trên Kim Tinh.

Báo chí nói về Carl Sagan

Sách của Carl Sagan

  • Vũ Trụ
  • Thế Giới Bị Quỷ Ám
  • Contact
  • Billions & Billions: Thoughts on Life and Death at the Brink of the Millennium
  • The Varieties of Scientific Experience
  • Pale blue dot: a vision of the human future in space
  • The dragons of eden

Review “Vũ Trụ”

“Mình không biết ai có thể viết về vũ trụ một cách trữ tình như Carl Sagan nữa. Bản thân vốn yêu thích thiên văn từ bé, bị hấp dẫn bởi bầu trời, hành tinh và các ngôi sao từ khi đọc một quyển sách thường thức về thiên văn đầy ắp tranh ảnh từ hồi tiểu học nên khi lớn, tri thức và trình độ tư duy cao hơn, mình luôn muốn tìm đọc những cuốn sách về thiên văn “dành cho người lớn thực thụ”. Nhưng ngặt nỗi vật lý ghét mình, thế nên hệ quả là vật lý thiên văn cũng ghét mình nốt. Stephen Hawking mặc dù đã rất nỗ lực để viết ra thứ vật lý thiên văn gần gũi nhất có thể với công chúng trong Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ nhưng mỗi lần nhìn vào phương trình, sơ đồ, con số trong sách là não mình tự động shut down, từ chối tiếp nhận thông tin ngay lập tức. Cái này không biết có thể gọi là cơ địa dị ứng với vật lý không haha.

Thế nên mình gần như từ bỏ việc tìm mua sách và chỉ follow vài trang về thiên văn trên facebook để thỉnh thoảng nhặt nhạnh chút thông tin. Mơ mộng về vũ trụ bao la lấp lánh vậy là nằm lại một xó sâu trong mình cho đến khi mình cầm trên tay cuốn sách này. Mình nhớ mình ngày xưa đã từng choáng ngợp thế nào trước hình vẽ 9 hành tinh anh em quay quanh mặt trời, trước các tinh vân – cái từ mà hồi đó đọc lên mình chẳng hiểu nổi nghĩa nhưng vẫn choáng chợp trước bức ảnh tinh vân đầu ngựa được in trong sách. Mình nhớ đã từng xúc động biết bao khi lần đầu biết đến Hoàng tử bé cũng là từ cuốn sách mỏng dính ấy: “Nếu ai đó yêu một đóa hoa mọc lẫn giữa hàng triệu và hàng triệu vì sao, thì chỉ cần ngước nhìn các vì sao cũng đủ để làm người ấy hạnh phúc.” Cái cảm giác xúc động lẫn choáng ngợp ấy đã sống dậy trong lòng mình khi đọc cuốn sách này. Bỏ qua những đoạn diễn giải kiến thức vật lý mà mình đến giờ vẫn không tài nào hiểu nổi, cái mình ấn tượng ở đây là Carl Sagan đã truyền cho người được là mình đây cái cảm giác của một người làm nghề nghiên cứu vũ trụ: niềm thích thú trước những phát hiện mới, khao khát tìm hiểu, mở mang tri thức không ngừng, choáng ngợp trước vũ trụ bao la rộng lớn mà thước đo khoảng cách là năm ánh sáng, xúc động trước vẻ đẹp huy hoàng và hiện đang biến đổi không ngừng của vũ trụ. Còn nhiều lắm mà mình không nhớ nổi hết nhưng ít có cuốn nào, thực sự ít lắm, nhất là sách khoa học lại làm mình rơm rớm hay nổi da gà khi đọc nhiều đoạn như trong cuốn này.

Gió mặt trời thổi thành dòng ra phía rìa hệ Mặt Trời, vượt qua quỹ đạo Sao Thổ khá xa. Khi tàu Voyager tiếp cận Sao Thiên Vương và các quỹ đạo của Sao Hải Vương và Sao Diêm Vương, nếu các dụng cụ đo vẫn còn hoạt động, chúng nhất định sẽ cảm thấy sự có mặt của gió mặt trời, ngọn gió thổi giữa các hành tinh, phần trên cùng của khí quyển Mặt Trời vươn ra xa tới lãnh địa của các ngôi sao. Ở khoảng cách xa gấp hai, ba lần khoảng cách từ Mặt Trời đến Sao Diêm Vương, áp suất của các proton và electron trong không gian giữa các sao trở nên lớn hơn áp suất nhỏ bé của gió mặt trời. Chỗ này được gọi là giới hạn nhật quyển, là một định nghĩa về ranh giới ngoài của Đế chế Mặt Trời. Nhưng tàu Voyager sẽ tiến xa hơn nữa, lọt đến giới hạn nhật quyển vào một thời điểm nào đó ở giữa thế kỷ 21, rong ruổi qua đại dương vũ trụ, không bao giờ đi vào một hệ Mặt Trời nào khác nữa. Sau vài trăm triệu năm nữa, con tàu có số phận lang thang mãi mãi sẽ ở xa hơn bất cứ quần đảo sao nào và hoàn tất vòng bay đầu tiên của nó quanh tâm nặng của Ngân Hà. Chúng ta đã bước vào kỳ nguyên của các chuyến du hành mang tính chất anh hùng ca.

Thực sự, khối lượng tri thức là một trong những điều khiến mình ấn tượng về cuốn sách nhưng cái khiến mình thích thú và khâm phục nhiều hơn là khả năng liên kết thông tin và đặt chúng trong một câu chuyện dễ hiểu và lý thú của tác giả. Không ít chương trong sách, Carl Sagan chọn bắt đầu từ những nguyên tử nhỏ bé nhất trong vũ trụ để dần dần kể lại câu chuyện tiến hóa của loài người cho đến tận ngày nay, hoặc có khi tác giả lại xuất phát từ thế kỷ 15, kể lại chuyến du hành của những tàu buồm Tây Ban Nha và Hà Lan khám phá thế giới để dần dà nói đến câu chuyện của tàu Voyager 1, Voyager 2 dong buồm ra đại dương vũ trụ. Sự liên kết mạch lạc các ý khiến cho cuốn sách dễ hiểu và cuốn hút hơn gấp nhiều lần.

Cuốn sách này là một nỗ lực đáng kinh ngạc của Carl Sagan trong việc “phổ cập” tri thức về lịch sử tự nhiên, lịch sử loài người, lịch sử vũ trụ. Nó xứng đáng được đọc đi đọc lại nhiều lần và cần ghi chép nếu muốn hiểu rõ và nhớ kỹ những tri thức được nhắc đến. Đây mới là lần đọc đầu tiên của mình, sớm thôi, mình sẽ đọc lại Vũ trụ với một quyển sổ và cây bút trên tay.”

Huyen Pham – Goodreads

“Đọc cuốn sách này cứ như là chơi tàu lượn siêu tốc vậy, những chương đầu khi nói về khởi sinh của vũ trụ, trái đất và sự sống trên trái đất làm mình cực kỳ hứng thú đến những chương giữa thì kiểu đọc chữ nào thì nhảy hết ra khỏi đầu chữ nấy vì chẳng hiểu gì cả. Đến những chương gần cuối như “du hành xuyên thời gian” và chương “bên rìa Vĩnh cửu” lại hứng thú trở lại ????. Là một đứa yêu thích thiên văn, vũ trụ này kia nhưng mãi đến giờ mình mới thật sự đọc một cuốn sách khoa học về vũ trụ, đương nhiên là rất khó nhai đối với mình cơ mà cách tác giả giải thích và miêu tả vẫn chút nào có thể làm một đứa dốt khoa học như mình có thể hiểu được. Thứ thú vị nhất mình có được từ cuốn sách này có lẽ là biết thêm được sự tương quan giữa không gian và thời gian, trước đây mình cứ nghĩ đây hẳn là hai đại lượng chẳng liên quan gì nhau nhưng cơ mà đối với sự vô tận của vũ trụ thì chúng lại tương quan với nhau, kiểu như nếu bạn đi thật xa thật xa trong vũ trụ (một vận tốc gần như tốc độ ánh sáng) thì thời gian của bạn sẽ chậm lại ( nếu bạn lên con tàu vũ trụ với vận tốc gần như vận tốc của ánh sáng để đi tới nơi xa nhất từng được nhân loại biết đến thì thời gian của đồng hồ bạn mang bên mình sẽ nhảy đến 50 năm nhưng thời gian hành trình đây ở trái đất sẽ là 1 tỷ năm, khi bạn nhìn lại trái đất thân yêu thì nó chỉ là một hành tinh chết trong một hệ mặt trời đã lụi tàn) hoặc là vị trí của những ngôi sao quan sát từ bầu trời trái đất sẽ cho bạn biết rằng bạn đang ở trái đất trong thời đại nào…

Nhờ tác giả mà người đọc có thể hình dung được hành tinh của chúng ta đã hình thành từ rất lâu rồi bằng hình ảnh của những hạt cát mà vốn dĩ là những hòn đá khổng lồ trước đây, qua sự tác động của mặt trời và mặt trăng đã trở thành li ti như ngày nay, và những hạt cát trên trái đất tưởng chừng như không bao giờ đếm được ấy lại là một con số nhỏ nếu so sánh với cách ngôi sao và hành tinh trong vũ trụ. Vòng đời của trái đất so với tuổi của vũ trụ như là tuổi thọ con người và tuổi thọ của ruồi giấm, từ đó nhắc nhỏ rằng nhân loại dù có tài giỏi, thông minh tới đâu thì cũng chỉ là những vật chất nhỏ nhoi trong sự vô tận của vụ trụ bao La này mà thôi.”

Mai – Goodreads

““Ai lên tiếng cho Trái Đất?!”

Mặc dù mất rất nhiều thời gian và cũng không tự tin chút nào về việc sẽ lĩnh hội được hết mọi thứ sau khi đọc xong quyển sách này,
bản thân mình cực kỳ biết ơn tác giả Carl Sagan cùng những người khác làm nên cuốn sách này đã khiến những kiến thức hàn lâm về vũ trụ trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều.

Điểm đặc biệt là, dù đi xa mấy tỷ năm ánh sáng để khám phá khắp vũ trụ, tác giả vẫn luôn hướng cái nhìn về Trái Đất và các nền văn minh cổ xưa hiện diện trên Trái Đất, để đặt ra 1 dấu hỏi chấm lớn là: Tìm kiếm sự sống ở 1 nơi khác mà không mở rộng hiểu biết về Trái đất cũng như bảo vệ nó, liệu có đáng không?

Chắc chắn sẽ đọc cuốn này theo chu kỳ, và set goal tậu 1 em kính thiên văn để ngắm sao trong tương lai =)))”

Ha Phuong Th – Goodreads

“Cuối cùng sau nhiều tháng cũng đọc xong cuốn “Vũ Trụ”. Không chỉ là vũ trụ mà còn có cả lịch sử phát triển của con người, lịch sử khoa học, thế giới con người,… Qua lăng kính của một nhà khoa học Thiên Văn nhưng lại có con mắt đầy tính nhân sinh của một nhà văn.

Không chỉ là những kiến thức khô khan của khoa học vũ trụ. Vũ Trụ hiện lên muôn hình muôn vẻ với vô vàn thế giới, khiến cho mình và cũng có thể nhiều người không khỏi cảm thấy nhỏ bé trước sự bao la và hùng vĩ của Vũ Trụ. Chúng ta chỉ là những sinh vật nhỏ bé sống ở cái thế giới tẻ nhạt tại một ngôi sao tầm thường (sao lùn vàng). Vậy mà con người cứ suốt ngày đấu đá lẫn nhau chỉ vì những vấn đề đôi khi hết sức ngớ ngẩn. Có lẽ với người ngoài hành tinh họ sẽ cảm thấy loài người thật là một giống loài ngu ngốc khi chỉ biết cắn xé lẫn nhau để giành giật 1 xó xỉnh nào đấy trên cái hành tinh đang dần bị vắt kiệt này.

Đọc để thêm sự đồng cảm và tầm nhìn của con người trong tương lai chắc chắn sẽ phải tiến ra đại dương vũ trụ, giống như những nhà phác kiến địa lý châu Âu cuối thời trung cổ dong buồm ra khơi tìm miền đất mới. Hoặc là chúng ta sẽ tự hủy diệt lẫn nhau vì những cuộc chiến giành giật nguồn tài nguyên đang ngày càng khan hiếm trên hành tinh này!”

Trần Hải Đăng – Goodreads

“Đây là cuốn mình tốn thời gian nhất để đọc hết nhưng cũng là cuốn cho mình cảm giác thỏa mãn nhất sau khi kết thúc.

Không chỉ thỏa mãn bởi ngốn được hết 1 cuốn sách dày với một lượng kiến thức không nhỏ, mà là cảm giác đến đích của cuộc hành trình cùng bác Carl chu du khắp vũ trụ, từ ngôi nhà Trái Đất gần gũi đến những nơi xa xôi nhất mà con người có thể tưởng tượng được, xuyên suốt quãng thời gian phát triển từ điểm khởi đầu của vũ trụ cho đến hiện tại và đến tận những viễn cảnh trong tương lai. Vũ trụ đã cung cấp cho mình một lượng tri thức khá lớn, nhưng lại vô cùng dễ hiểu bởi cách viết gần gũi và dí dỏm của bác Carl Sagan.

Đây là cuốn sách cần phải có cho bất cứ ai có đam mê về thiên văn, vũ trụ, từng có mơ ước được đặt chân lên mặt trăng, các hành tinh, được bay giữa các vì sao và khám phá những nơi xa xôi ngoài Trái Đất.”

Quang Hiệp – Goodreads

“Bản chất của con người là không ngừng tò mò và không ngừng tưởng tưởng. Từ vài ngàn năm trước cũng đã có rất nhiều người nhìn lên bầu trời và tự hỏi có gì trên đó. Họ tưởng tượng ra rất nhiều thứ, họ tạo ra những truyền thuyết những vị thần như để thay cho những gì họ chưa biết.

Carl Sagan với kiến thức đồ sộ của mình đã dẫn người đọc đi từ trái đất đến hệ mặt trời, các ngôi sao trong hệ mặt trời rồi xa hơn nữa là những thiên hà và toàn bộ vụ trụ(Cosmos). Sự rộng lớn của Vũ Trụ đã làm choáng ngợp tác giả cũng như bất kì ai tìm hiểu về nó. Trái đất không phải là Trung tâm của vũ trụ, Trái Đất chỉ là một hành tinh bình thường trong một hệ sao bình thường nằm ở rìa của một thiên hà cũng bình thường trong hàng 1000 tỉ thiên hà trong vũ trụ. Không chỉ là những cuộc hành trình xuyên không gian mà tác giả còn dẫn người đọc đến hành trình xuyên thời gian về quá khứ của vũ trụ, mặt trời, của trái đất và của con người chúng ta. Lịch sử của con người quá ngắn ngủi so với trái đất, chúng ta chỉ là một giống loài trẻ được sự may mắn của xác suất tạo nên. Nhưng chúng ta là một giống biết suy nghĩ biết cảm xúc nhờ 100 ngàn tỷ nơ ron trong bộ não của mình. Vì vậy chúng ta phải biết quý trọng và tận dụng sự may mắn đó để : “Sống không chỉ vì bản thân mình mà còn vì Vũ Trụ cổ kính và bao la nơi chúng ta thoát thai”

Cuốn sách này được viết gần 40 năm về trước và khoa học đã có rất nhiều bước tiển vô cùng lớn. Nhưng kiến thức của cuốn sách vẫn còn rất nhiều giá trị. Cuốn sách được viết không phải theo lối diễn dải khô khan mà qua những câu chuyện vô cùng lý thú được dẫn dắt hợp lý qua từng chương. Là một cuốn sách không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu về Vũ Trụ bao la rộng lớn của chúng ta.”

Tranhieu0410 – Goodreads

“”Vũ trụ” là một khối kiến thức khủng về lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, toán học, chiêm tinh học… và tất cả những môn học này đều bổ trợ cho nhau. Mình thật sự khâm phục lượng kiến thức khổng lồ của tác giả. Từ những điều hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày, hay trong những kiến thức phổ thông mình đã được học, tác giả phân tích sâu hơn để chúng ta hiểu cặn kẽ hơn những gì đã và đang xảy ra trên hành tinh nhỏ bé của chúng ta cũng như của cả vũ trụ bao la từ xa xưa đến nay.

Trên Trái Đất xinh đẹp này, chúng ta luôn sống phụ thuộc vào nhau, hỗ trợ nhau theo một vòng tuần hoàn: “Thực vật và động vật anh này hít lấy cái anh kia nhả ra, một kiểu làm hồi sức tương hỗ với nhau.” Và cũng rất giống nhau: “Con người chúng ta khác một cái cây rất nhiều. Nhưng ở sâu tận cấp độ phân tử trong lòng sự sống, thì cây cối và con người giống nhau về cốt lõi: cùng sử dụng axit nucleic để đảm bảo sự di truyền, cùng sử dụng protein làm enzym điều khiển quá trình hoá học của tế bào, cùng sử dụng một “cuốn sổ” mã giống hệt nhau để truyền thông tin của axit nucleic thành thông tin của protein.”

Con người chúng ta luôn tò mò: “Thám hiểm là bản tính của chúng ta. Khởi đầu chúng ta là những kẻ phiêu bạt, và giờ đây chúng ta vẫn là những kẻ phiêu bạt. Chúng ta đã ở lì quá lâu trên bờ của đại dương vũ trụ. Rốt cuộc chúng ta đã sẵn sàng dong buồm tiến tới các vì sao.” Và chính vì những tò mò đó mà chúng ta luôn muốn tìm đáp án cho những câu hỏi trong đầu, rồi tạo ra những kiến thức truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và lại tiếp tục tiếp nối, cải thiện kiến thức sao cho hợp lý nhất. Để lưu lại kiến thức, chữ viết được ra đời, khắc trên phiến đá, giấy cói… “Chữ viết có lẽ là phát minh vĩ đại nhất trong những phát minh của con người. Nó nối kết con người với nhau, những người ở các thời đại cách xa nhau và chưa bao giờ quen biết nhau. Sách vở đã chặt đứt xiềng xích của thời gian, nó chứng tỏ rằng con người có thể làm nên những điều thần diệu.” Rồi từ đó, con người chúng ta tạo ra sách. “Sách giống như hạt giống. Chúng nằm yên hàng thế kỷ rồi nở hoa trên những mảnh đất ít triển vọng nhất”.

Thiên nhiên luôn nhắc nhở chúng ta về thời gian và không gian: “Bãi biển nhắc chúng ta về không gian. Những hạt cát mịn màng, khá đồng nhất về kích thước, đã sinh ra từ những khối đá to bao thế kỷ xô đẩy và cọ xát với nhau, bị bào mòn và đập vỡ, bị Mặt Trăng và Mặt Trời ở xa tít tác động thông qua sóng gió và thời tiết. Bãi biển nhắc chúng ta về thời gian. Thế giới này lâu đời hơn nhiều so với loài người. Chỉ một nhúm cát cũng chứa khoảng một vạn hạt cát, nhiều hơn cả số sao mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong những đêm trời quang. Nhưng số sao mà chúng ta có thể nhìn thấy chỉ là phần tí tẹo của số sao đang hiện hữu. Những ngôi sao chúng ta nhìn thấy ban đêm chỉ là một mớ lộn xộn của những ngôi sao gần nhất. Trong khi đó vũ trụ này có số sao nhiều vượt mọi sự tưởng tượng: tổng số sao trong vũ trụ nhiều hơn cả tổng số hạt cát có ở tất cả các bãi biển trên hành tinh Trái Đất.” Càng đọc, càng cảm thấy con người của chúng ta nhỏ bé giữa vũ trụ bao la: “So với một ngôi sao, chúng ta chỉ là những con phù du, những sinh vật đoản mệnh sống toàn bộ cuộc đời trong chỉ một ngày. Từ góc nhìn của một ngôi sao, thì một con người chỉ là một ánh sáng lóe nhỏ nhoi, một trong hàng tỷ cuộc đời ngắn ngủi lập lòe yếu ớt trên bề mặt một quả cầu xa xôi kỳ cục bằng silicat và sắt, lạnh lạ lùng và rắn lạ thường.” Vậy tại sao chúng ta lại cứ đấu tranh, thù ghét lẫn nhau khi chúng ta – mọi dân tộc trên trái đất này đều cùng chung một loài: loài người?

Không biết những tác phẩm văn học hay phim ảnh có dựa vào kiến thức đúc kết trong quyển sách này hay không. Vì mình nhớ có những tác phẩm nói về vấn đề thời gian: “một ngày ở trái đất bằng một năm ở trên trời”, hoặc “khi bạn đi du hành trong vũ trụ và chục năm và quay về thì liệu có ai trong đám bạn bè còn sống để đón chúng ta”, hoặc “có thể có hai lịch sử khác nhau, hai thực tại có giá trị ngang nhau và có thể cùng tồn tại song song với nhau – một thực tại bạn biết và một thực tại trong đó bạn chưa bao giờ sinh ra”. Điều này làm mình nhớ ngay đến Vũ trụ đa chiều trong bộ phim Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Các ứng dụng trong những thử nghiệm về gia tốc và trọng lực cũng được nói đến trong truyện “Alice ở xứ sở thần tiên”. Và ngay cả con mèo Cheshire được ban quyền miễn trừ đặc biệt thì khi lực hấp dẫn lên gần đến 1 triệu g, chùm ánh sáng mà từ trước đến giờ vẫn rọi lên trời theo đường thẳng bắt đầu cong đi và con mèo Cheshire cũng sẽ biến mất, chỉ cái cười trọng trường của nó còn lại.

Ngoài những kiến thức trên, tác giả cũng nói về tình yêu thương. “Nơi nào cử chỉ âu yếm được khuyến khích, thì thói trộm cắp, tôn giáo có tổ chức và sự khoe của hợm hĩnh không nổi lên thái quá; còn nơi nào trẻ em hay bị hình phạt về thể xác, thì nơi đó thường có tình trạng nô lệ, giết chóc thường xuyên, tra tấn và xẻo tay chân kẻ thù, phụ nữ bị coi là hạ đẳng và người ta hay tin vào một vài đấng siêu nhiên can thiệp vào đời sống hằng ngày.” Vậy nên, khi chúng ta âu yếm con trẻ nhiều hơn, thì có lẽ tương lai của thế giới sẽ tốt đẹp hơn, không còn bạo lực, không còn chiến tranh.

Một số bạn review đây là quyển sách khá dễ đọc. Quyển sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1980, tính đến thời điểm hiện tại đã là 42 năm, tuy nhiên, đối với mình, để tiếp thu toàn bộ kiến thức trong quyển sách này không phải là điều dễ dàng. Có lẽ do bị hổng kiến thức trung học khá lớn nên mất gần 6 tháng mình mới có thể đọc xong, nhưng mình vẫn chưa hiểu hết được những điều mà tác giả đã viết. Nếu biết quyển sách này sớm hơn, có lẽ trong quãng thời gian còn là học sinh, mình sẽ ham học hơn vì quyển sách giải thích cặn kẽ hơn và tác giả cũng kích thích được sự tò mò nhiều hơn sự khô khan trong sách giáo khoa ????”

Tynny – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Thế Giới Bị Quỷ Ám”

“Mình khá thích cuốn này. Cuốn sách cho thấy một thực trạng chung về những sai lầm, ngộ nhận trong nhận thức của chung ta về khoa học. Điều này một phần mang tính lịch sử, khi tôn giáo ra đời trước khi những nền móng của khoa học được xây dựng vững chắc. Khía cạnh về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo được khai thác khá nhiều.

Chương mình thích nhất là chương 12: nghệ thuật nhận diện những điều vô lý. Chương này chỉ ra rõ một số sai lầm căn bản trong lý luận. Nói chung, tư duy cởi mở, kèm theo thái độ hoài nghi, cùng với một nền tảng lý luận đúng đắn, là chìa khóa dẫn đến cánh cửa tri thức.

Những lý luận của tác giả khá sắc sảo. Tuy nhiên có một số phần (ví dụ 3 chương cuối) không nêu rõ được ý nghĩa như những chương khác. Tác giả sử dụng nhiều ví dụ liên quan đến bối cảnh nước Mỹ (chẳng hạn hệ thống Luật pháp Mỹ) nên có phần khó khăn cho các độc giả nước ngoài trong việc nắm bắt và “cộng hưởng”.

Một điểm mình rất thích ở cuốn sách này là những câu trích dẫn, những câu chuyện dẫn nhập ngắn ở đầu mỗi chương. Khá thú vị và giúp người đọc hình dung được ý tổng quan của cả chương.”

Thuyet Trinh – Goodreads

“Đọc cuốn sách khoa học thường thức thôi mà lăn lê bò trườn mấy tháng lận…Nhưng mà xứng đáng! Mặc dù điều khổ sở là bản dịch và biên tập quá tệ hại nhưng nội dung và tư tưởng thực sự tuyệt vời, 5 sao là không phải lăn tăn.

Mình từng nói chưa nhỉ? Mình từng là người rất duy tâm và tin vào…tất cả những gì tác giả đề cập đến trong sách (đọc để biết nhé!). Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, mình nhận ra những điều đó không giúp được gì cho bản thân và cuộc sống của mình hết. Sau khi đọc xong cuốn sách này mình lại càng khẳng định:

Không có cách nào giải quyết những vấn đề của đời sống tốt hơn KIẾN THỨC.

Đây là quan điểm riêng của mình, không có nghĩa là mình phủ nhận sức mạnh của tinh thần và ý chí; trái lại, càng bồi đắp kiến thức, tinh thần và ý chí của chúng ta sẽ càng minh mẫn, kiên định và thông suốt hơn.

Điểm trừ của cuốn sách là đôi chỗ bị lê thê rườm rà, nếu Carl Sagan có kỳ vọng công chúng đông đảo có thể tiếp nhận được những tư tưởng rất tiến bộ và nhân văn của ông ở tác phẩm cuối đời này, thì mình e là khó. Ngoài việc có chút lê thê, giọng văn CỰC KỲ “ĐANH ĐÁ”, THÂM THUÝ của tác giả cũng có thể là tác nhân khiến một bộ phận công chúng nhạy cảm không nuốt trôi, dẫu vậy, văn phong đành hanh đầy sự giễu nhại này lại là điểm khiến mình cực kỳ tâm đắc đấy.

Một số chương rất hay: Từ chương 1 đến chương 12, chương 18-19.”

Ngoc Nguyen – Goodreads

“Con người ta thường sợ những gì mà mình không biết. Từ thuở ban đầu của lịch sử loài người, những hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm chớp đều được quy cho các vị thần. Cùng với sự tiến bộ của khoa học, các hiện tượng tự nhiên dần dần được giải thích và có khả năng được dự đoán với độ chính xác tương đối. Nhưng những hiện tượng kỳ bí không hoàn toàn biến mất, trái lại nó phát triển dưới nhiều hình thức, trạng thái khác, điển hình là những câu chuyện như “quý ngài Buckley” có óc tò mò đã nêu cho Sagan.
Dưới con mắt phân tích, tư duy logic của một nhà khoa học, Sagan gọi đó là giả khoa học. Nó dựa trên niềm tin, một phần giống với tôn giáo, với bằng chứng hay luận cứ để chứng minh thường rất thiếu và không xác thực. Một ví dụ được nhiều người biết đến là lời đồn đoán về lục địa Atlantis bí ẩn, được cho là nơi có một nền văn minh phát triển rực rỡ, đã bị nhấn chìm sau một trận đại hồng thủy hay động đất, nằm đâu đó ngoài Đại Tây dương. Nguồn gốc của câu chuyện này xuất phát từ một tài liệu của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato. Nhưng như tác giả nêu, không có một bằng chứng nào về địa chất học có thể chỉ ra hoặc là dấu hiệu nghi ngờ cho thấy từng có một lục địa nằm giữa Châu Âu và Châu Mỹ. Tuy thế, rất nhiều người vẫn tin rằng nó tồn tại thật.
Từ việc xem xét các hiện tượng khác như chiêm tinh, gọi hồn, đĩa bay, người ngoài hành tinh, các vòng tròn bí ẩn trên các cánh đồng, chữa bệnh bằng từ tính..dưới ánh sáng thành tựu và phương pháp của khoa học hiện đại, ông diễn giải những nguyên do đưa con người đến với những câu chuyện này, cơ sở của mỗi hiện tượng và luận điểm để phản bác.
Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng khoa học còn lâu và cũng không thể có câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Tuy nhiên, nếu một vấn đề phát sinh và người ta muốn gọi nó là khoa học, thì Sagan chỉ cho ta vài phương pháp để xem xét, đánh giá. “Con rồng trong nhà để xe” là một ví dụ thú vị. Khoa học hoàn toàn có thể sai, nhưng bản thân nó có một cơ chế sửa sai rất hữu hiệu, đó là luôn phải chịu sự đánh giá khắt khe bằng kết quả thực nghiệm và không có ý tưởng hay lý thuyết nào ngoại lệ, dù được phát biểu bởi bất kỳ ai.
Các motif văn hóa, hệ thống giáo dục lỗi thời và bộ máy truyền thông đã làm con người lạc lối. Chỉ có con đường học tập không ngừng nghỉ, cùng với các công cụ và tư duy khoa học mới dẫn con người tới tự do và hiểu biết đích thực. Carl Sagan đã giúp người đọc thắp sáng một ngọn nến trên con đường đó.

(Một vài nội dung ở các chương cuối liên hệ cách vận hành của khoa học với nền dân chủ và một số vấn đề chính trị Mỹ, tính liên kết với chủ đề chung có vẻ yếu hơn các phần đầu, theo quan điểm cá nhân)”

Reading – Goodreads

“Tựa tiếng Việt của sách là “Thế giới bị quỷ ám: Khoa học như ngọn nến trong đêm”, Nhà xuất bản Thế giới, 2014.

“Thế giới bị quỷ ám” sẽ cho bạn thấy sự vĩ đại của Khoa học mà thông thường bạn không hình dung ra, không được giảng dạy bài bản ở trường học, hay như việc nghe quá nhiều về Khoa học đến nỗi nhàm chán trên các phương tiện truyền thông ngày nay. Quyển sách này sẽ cho bạn thấy điều ngược lại, tính vĩ mô và vĩ đại của Khoa học. Hơn nữa, sách còn cho bạn một bức tranh tổng quan phân biệt giữa Khoa học (thực sự), Giả Khoa học, Khoa học sai lạc.

Sở dĩ sách mang tên “Thế giới bị quỷ ám” là bởi vì thế giới chúng ta đang sống đang bị quá nhiều những giáo điều, những lời giải thích vô căn cứ, những thuyết giáo vô lí, mê tín dị đoan, cuồng nộ,… gieo rắc vào tâm trí. Đó chính là quỷ dữ khiến thế giới chúng ta lầm lạc, sa đọa, tình trạng bạo lực, sư mê muội trong nhận thức và hàng tá những hậu quả tai hại khác không ngờ tới được của việc không hiểu biết Khoa học.

Sách lí giải hiện tượng UFO/Alien gây sốt toàn cầu thập niên 80-90 qua những phân tích qua các trường hợp tương tự đã từng xảy ra: quan niệm về phù thủy, quỷ ám, mê tín giáo điều,… chứ không đưa ra bằng chứng Khoa học xác đáng để bác bỏ. Vì vậy có thể bạn đọc còn chưa được thuyết phục, nhưng nếu bạn hiểu được tinh thần Khoa học mà tác giả cố gắng truyền tải thì những giả thiết, những âm mưu về UFO thực sự chỉ là tưởng tượng.

Ngoài UFO, sách còn đề cập đến rất nhiều vấn đề liên quan, chẳng hạn như Những Vòng Tròn trên Cánh Đồng, mặc dù về mặt phân tích có vẻ như tác giả cố tình cho qua.

Một quyển sách nói chung cũng đáng để đọc, để hiểu được tâm lí, nhận thức của con người qua các hiện tượng chưa có lời giải đáp.

Đánh giá: 3.5/5″

Đỗ Minh Triết – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách Tiki

Kiều Cưng

 

341001094_241499201737222_6975183209450634611_n

Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN

“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…

121995237_10222652364914530_3728241313764895972_n

Review David và cây vĩ cầm biết nói

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách đẹp tới tột cùng, một vẻ đẹp hồn hậu, trong veo và thanh khiết nhất. Chắc chắn David…

129862145_2714551872207772_678045430805396291_n

Review JOE SỐ DÁCH

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách để truyền cảm hứng sống: chân thành, chăm chỉ, tự do…mình tin chắc JOE SỐ DÁCH sẽ phù…