Green Library - Cùng con yêu sách

Jerome David Salinger (01/01/1919 – 27/01/2010) là một tác giả người Mỹ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết The Catcher in the Rye (Bắt Trẻ Đồng Xanh) xuất bản năm 1951. Salinger bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1940, trước khi phục vụ trong Thế chiến thứ hai, bằng cách xuất bản một số truyện ngắn trên tạp chí Story.

Báo chí nói về J. D. Salinger

Sách của J. D. Salinger

  • Bắt Trẻ Đồng Xanh
  • Nine Stories
  • “A Perfect Day for Bananafish”
  • Franny and Zooey
  • Raise High the Roof Beam, Carpenters and Seymour: An Introduction
  • Three Early Stories

Review “Bắt Trẻ Đồng Xanh”

“Holden Caufield, 17 tuổi, bắt đầu kể lảm nhảm với tôi bằng cái giọng rề rà và sặc mùi chán đời không hề che giấu. Đây là lần thứ tư cậu ta bị đuổi khỏi trường với lí do không có gì mới hơn chuyện trượt môn hay bị kêu ca là lười học. Suốt hơn 300 trang sách giở đi cậu ta chỉ nói về mấy ngày sau đó, chẳng có lấy một đồng kịch tính, vậy mà vẫn khiến tôi mê như điếu đổ.
*
Nhiều khi tôi thấy rầu đời bỏ mẹ. Bạn cũng sẽ rầu thôi nếu tự dưng có một thằng chết dẫm vác cái giàn khoan mắc dịch nào sang nhà bạn mà cứ gân cổ lên rằng là bạn cướp nhà nó; hay lúc gặp chuyện dở mà cứ phải nhe răng ra cười niềm nở; hay cả vạn năm mới tóm được một cuốn sách khiến bạn khoái điên lên nhưng đến lúc khởi sự viết về nó thì lại chả nghĩ ra cái thổ tả gì sất! Ối giời, tôi đến chết được! Chắc tôi hơi bị thằng cha Holden Caufield ám ảnh chút đỉnh. Ý không phải là tôi đổ chả các thứ, mà là chả cứ làm tôi nhớ đến mấy lời dịch hạch của chả suốt và không làm sao mà suy nghĩ cho ra hồn.
*
Tôi vừa thử bắt chước cái giọng tỉnh rụi của Holden, nó làm tôi chết mệt. Holden có cái vẻ ngổ ngáo không mấy xa lạ của đám thiếu niên mới lớn. Cậu ta hút thuốc như cái ống khói. Cậu nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ phớt đời và tục tĩu – nếu là người không chịu được nói bậy thì bạn đến xé toạc quyển sách ra quăng xó trước khi đọc xong mất, bằng không thì bạn có lẽ sẽ kiếm được một câu nói mà cậu ta không dùng từ tục trong chừng một vạn câu nói cả thảy của cậu. Tôi chút nữa thì rơi vào trường hợp đầu, nhưng hình như tôi hơi tào lao rồi thì phải. Dù sao thì, bọn thiếu niên mới lớn đều có cái kiểu ngáo thế, nhưng ở cậu có sự khác biệt. Sâu bên dưới lớp vỏ bọc như loại “mất dạy” kia là một trái tim lương thiện và đa cảm.
*
Ở cái tuổi 17 vừa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, đáng ra phải phơi phới yêu đời và tràn đầy sức sống thì cậu ta đã nhìn mọi thứ bằng con mắt hết sức tiêu cực. Cậu chừng như ghét tất thảy: mấy thằng bạn hôi hám hoặc chỉ trực khoe mẽ ở trường, những đứa con gái luôn làm bộ duyên dáng tiểu thư, những môn học chán ốm, những bộ phim nhét đầy sự kệch cỡm giả dối, cái xã hội xám xịt bốc mùi và rặt những thứ bộ tịch phát tởm… Với cái đầu chứa đầy sự thù ghét mà hẳn rằng đã hình thành từ rất lâu đó, tôi ngạc nhiên thấy cậu có thể chịu đựng được suốt bao năm qua.
*
Suốt 325 trang sách kể lại 4 ngày lang thang sau khi bị đuổi học, bằng những con chữ như được phù phép, J. D. Salinger trong vai cậu trẻ Holden đã khiến tôi phải cùng khóc, cùng cười. Tôi cứ tủm tỉm suốt vì cậu không ngừng thắc mắc xem những con vịt đi đâu vào mùa đông khi cái hồ bị đóng băng, y hệt một đứa trẻ. Có một cuộc đối thoại rất buồn cười giữa cậu và gã tài xế, tôi phải nói vậy.
*
“Anh biết những con vịt lội quanh quẩn trong ao ấy chứ? Về mùa xuân các thứ? Anh có chẳng may biết về đông chúng đi đâu không?”
“Về mùa đông ai đi đâu?”
“Những con vịt, anh biết không? Nghĩa là tôi muốn hỏi, có ai đem xe hay gì ấy đến chở chúng đi, hay chúng tự bay đi, một mình – bay về Nam hay một nơi nào chẳng hạn?”
[…]
“Biết quái thế nào được? Mà biết làm cái quỷ gì ấy?”
Và:
“Được rồi, thế thì bọn cá các thứ, chúng làm gì khi cả cái hồ là một khối đông cứng và người ta trượt băng trên ấy các thứ?”
[…]
“Chúng cứ sống trong khối nước đá ấy. Trời sinh chúng như vậy, quỷ thần ạ. Chúng đông nguyên chỗ suốt mùa đông.[…] Cơ thể chúng tự ngấm chất nuôi sống các thứ, ngay qua những rong rêu các thứ ở trong nước đá. Lỗ chân lông chúng mở ra suốt mùa.”

*
Haha, chúng đông nguyên một chỗ suốt mùa đông với lại lỗ chân lông chúng mở ra suốt mùa, tôi cười đến chảy nước mắt mất.
*
Thế rồi tôi lại chảy nước mắt thật. Khi cậu muốn tâm sự với ả gái giang hồ thay vì chơi ả và đến cuối cùng lại bị ả với lão già giữ thang máy giở trò lưu manh trấn lột của cậu mấy đồng tiền, tôi cứ lẩm nhẩm với cậu, “đừng khóc, mạnh mẽ lên nào ông mãnh,” nhưng cố nhiên là cậu ta cứ khóc như thường và khiến tôi không khỏi bắt chước theo một tẹo. Tôi lại chảy thêm một giọt nước mắt khác khi nghĩ về ông thầy dạy sử Spencer với bộ ngực già nua hom hem và mùi thuốc nghe muốn bệnh trong phòng ổng, nhưng ổng đã rất thật lòng và tốt bụng với Holden. Thêm một giọt nữa khi nghĩ đến cảnh thằng bé James Castle tự tử vì không thể chịu thêm cảnh bị tra tấn tinh thần bởi những thằng bạn mất dạy xung quanh, mà tất cả những gì lũ lĩ bẩn thỉu ấy phải chịu chỉ là bị đuổi cổ khỏi trường học. Và thêm một giọt nữa khi tưởng tượng ra cảnh Holden hung hăng chạy ra đường dùng tay không để đập nát hết mấy cái cửa kính của bất cứ cái xe nào cậu gặp, trong cái đêm bé Allie – em trai cậu – mất vì ung thư máu. Mà cũng có khi là có một giọt cuối cùng xen lẫn với một cái bật cười khi nghĩ đến cảnh cậu ngồi cặm cụi lau những chữ “Đù má” bẩn thỉu trên tường có thể ảnh hưởng xấu đến bọn trẻ và chửi thằng phải gió nào đã làm ra chúng trong khi bình thường cậu chửi tục nhiều bỏ mẹ ra. Ối giời, tôi đến chết được! Làm như tôi dễ khóc lắm ấy.
*
Nhưng khoan đã, sẽ thật thiếu sót nếu tôi bận khóc lóc và làm bộ làm tịch các thứ mà quên nhắc đến thiên thần Phoebe, em gái Holden. Cậu ta cứ luôn miệng rằng cô bé rất đáng yêu và thông minh, bạn phải gặp em mới được… Giời ạ, tôi khá là không cần: tôi có thể tự cảm nhận được mà. Cô bé cứ nói luôn rằng “Bố sẽ giết anh!” khi biết Holden bị đuổi học, cô bé vừa giận dỗi phút trước và rồi phút sau lại đã sẵn sàng cho anh mượn tất cả số tiền tích cóp được, cô bé hồn nhiên xách va li đòi đi theo anh khi cậu ta cho rằng mình sẽ đi xa để bắt đầu một cuộc đời mới và rồi cô bé bằng chính cách đó để giữ chân Holden… “Anh không đi đâu nữa.” Xong, tôi đã thở phào một cái nhẹ nhõm, bạn biết đấy, khi ông mãnh chịu phun câu nói ấy ra.
*
Nói thật sự thì những đoạn cuốn sách khiến tôi khóc lóc các thứ không nhiều. Nó khiến tôi thấy hoang mang, ngơ ngác nhiều hơn. Tôi tuyệt đối không nhìn đời xám xịt như Holden, phòng khi bạn lo sợ thì có thể yên tâm. Nhưng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác mình đồng cảm với cậu. Tôi cũng không dưới vài lần trong đời thấy chán ngán cái thế giới náo loạn này, cũng mất đi những giá trị và niềm tin, băn khoăn về các hướng đi, về con đường mình chọn, muốn gào thét muốn nổi loạn, hay hối hận hay khao khát muốn thoát khỏi sự bế tắc cùng cực. Để cuối cùng thấy rằng ồ, hóa ra mình vẫn đang sống đây, vẫn còn trẻ chán. Tôi tìm thấy một chút tôi ở Holden, rất thật và sống động. Bởi thế lần này khi thử đặt mình vào để nhìn bằng con mắt của cậu ấy và sống bằng trái tim của cậu ấy, tôi thấy cuốn sách mang một dáng vẻ hoàn toàn mới so với lần đọc đầu tiên năm 18 tuổi – cảm động, chân thực và lấp lánh.
*
Tôi muốn nói về những cái hiếm hoi mà Holden cảm thấy thích trong đời trước khi kết thúc cái mớ cảm xúc lộn xộn tùm lum này. Ấy là cậu thích Allie, cậu em trai bé nhỏ đã mất. Ấy là cậu thích những lúc cà riềng cà tỏi với Phoebe, nói những chuyện tào lao từ chấy chí mén. Ấy là một ý thích rất dị thường và cũng rất đẹp đẽ khác: Holden ước được làm người “bắt trẻ đồng xanh”, đứng ở một mỏm đá chỗ vực thẳm cheo leo ngoài rìa cánh đồng mạch xanh thẫm và hơi u tối, nơi lũ trẻ cả nghìn đứa miệt mài chơi đuổi bắt chẳng màng gì đến xung quanh và có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào mà ở đó chẳng có ai là người lớn ngoài cậu. Cậu sẽ cứ đứng ở đấy, làm một kẻ bảo hộ kì quặc cần mẫn, dang tay ra che chở. Và gió thì cứ thổi mãi trên đồng mạch xanh rì vang vang tiếng hát ca.
*
Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger là cái tên quen thuộc có mặt trong danh sách các tác phẩm gây tranh cãi của thế kỉ XX. Vì sao ư? Vì sự tồn tại của không gian tù túng, u tối, bất cần bao trùm suy nghĩ của một cậu bé 17 tuổi suốt mạch truyện; những từ lóng, từ bậy, từ tục tràn lan. Suốt nhiều năm tác phẩm bị cấm vì lo sợ ảnh hưởng xấu nó có thể gây ra cho giới trẻ. Nhưng đến cuối cùng, chúng ta vẫn thấy cuốn sách này trong một bộ dạng tinh tươm và tính giáo dục được người ta ca ngợi. Để tôi nói rằng đừng đánh giá điều gì chỉ qua vẻ bề ngoài. Bên dưới dáng vẻ xù xì kia, bên dưới những ngôn từ toát lên toàn một vẻ giang hồ khó nghe kia là một vốc đầy những khát khao của một tâm hồn cao đẹp. Tuy nông nổi nhưng cao đẹp.
*
Tôi không nghĩ Bắt trẻ đồng xanh thuộc dạng dễ đọc – kiểu như nếu tôi thích cao trào kịch tính hoặc mọi chuyện cứ phải phơi rành rành các thứ ra thì rõ là cuốn sách không phải cái dành cho tôi. Nhưng tôi nghĩ Bắt trẻ đồng xanh là cuốn sách nên đọc! Bạn có thể thấy là tôi không tha lôi ra bất cứ một bài học nào được rút ra sau khi đọc xong cuốn sách. Thực tình tôi cũng có nhưng nó chỉ mang tính chất cá nhân thôi, và nữa tôi không muốn trở nên bộ tịch quá, kiểu kiểu thế. Nhưng nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc đến trang sách cuối, hi vọng bạn có thể thấy được điều tốt đẹp nào ẩn đằng sau những con chữ như trêu ngươi đó.
*
Đôi lúc tôi nghĩ tôi cũng muốn làm một kẻ bắt trẻ đồng xanh, mặc xác các thứ linh tinh khác!

Mèn ơi, cái thời tui viết được thiệt là dài ~~”

Haiiro – Goodreads

““Chẳng nghiêm túc khi anh mười bảy tuổi
Đêm tuyệt vời, bỏ chanh đá, la-de
Bỏ quán đông vui, đèn chùm sáng chói
Nhớ cây xanh, thơ thẩn dạo trên hè”
(Thơ Rimbaud- Trần Mai Châu dịch)

“Bạn đừng có kể cho ai nghe bất cứ cái gì. Nếu bạn kể, bạn tự dưng khởi sự nhớ tất cả mọi người” (Bắt trẻ đồng xanh- Phùng Khánh dịch)

Tôi không định kể lại cho bạn nghe câu chuyện thế nào đâu, vì sự duyên dáng của người viết (J.D. Salinger) và người dịch (Phùng Khánh) đã là rất hay cho một câu chuyện, một quyển sách rồi. Tôi chỉ muốn nói nhăng nói cuội rằng tôi thích ơi thích hình ảnh người bắt trẻ đồng xanh mà tác giả phác họa. Đại loại là… ở một cánh đồng lúa mạch xanh rì nào đó trên mặt đất này, bên một mỏm đá gần bờ vực nào đó, có một người lớn (lớn hơn đám trẻ nhỏ đang chơi trò rượt bắt kia). Người lớn sẽ đứng ở đó, cứ như thế, nhìn đám trẻ con nô giỡn. Và nếu đứa trẻ nào băng qua cánh đồng, đến gần mỏm đá, nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, người lớn sẽ nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng, để chúng không ngã xuống. Đó là người bắt trẻ, người bắt trẻ đồng xanh…

Holden Caulfield đã nghĩ tới việc làm người lớn đó. Cái thằng 17 tuổi bỏ học, chẳng mơ bác sĩ, chẳng mơ kỹ sư, chẳng mơ gì sất, chỉ khoái tợn cái ý tưởng làm một người bắt trẻ như thế kia. Cái ý tưởng đúng là dễ thương theo một cách rất riêng. Thằng Holden ấy cứ chán, rồi ôm ghì lấy nỗi chán đời khỉ gió của nó mà bỏ đi, nó muốn về nơi xa lắc xa lơ nào đó, ruỗi ngựa trên đồng. Nghĩa là nó phải bỏ đi. Và đúng, nó bỏ đi thật. Nhưng cuộc đời có những cuộc đổi bắt không ngờ. Có một người đuổi theo nó, cũng không hẳn là đuổi theo, mà là níu chân nó lại: em Phoebe. Em bé tí teo, em trong sáng, và thánh thiện, em cũng hay dỗi nữa. Holden đủ lớn để hiểu và yêu sự giận dỗi khởi phát từ tình thương ngây thơ của em. Holden rất mực thương em. Khi một người anh muốn bỏ đi mà còn nấn ná chưa đi ngay, thì một người em gái nhỏ nì nằn đòi đi theo, rồi giận, rồi hết giận, rồi ôm anh lại, hôn anh… là điều hoàn toàn có thể khiến kẻ làm anh kia chùn bước. Khi một người rất đỗi yêu thương cuộc sống này, vì quá đỗi yêu thương mà đâm chán ngán sự kệch cỡm, nhố nhăng nhặng xị thì cái duy nhất, cái còn lại có thể khiến người đó thấy yêu cuộc đời là nhận được một tình yêu, rất ngây ngô, rất đơn thuần, một tình yêu thôi. Những gì tương ứng mơ hồ giữ lại nhau. Đại loại là vậy.

Tôi không định kể lại cho bạn nghe câu chuyện thế nào đâu, vì có lẽ tôi sẽ phải đọc lại một lần nữa, rồi thêm một lần nữa.

Một lí do khác khiến tôi không kể, bạn có biết vì sao không?

Vì khi tôi khởi sự kể cho bạn nghe về cuốn sách này, tôi bỗng thấy nhớ ơi nhớ cái thằng Holden Caulfield mắc dịch đó, nhớ cả em Phoebe đáng yêu, nhớ điệu nhạc “Oh! Marrie”, nhớ cơn mưa bất chợt đổ xuống buổi chiều, rũ sạch sự chán ngán ủ ê nào đang giăng mắc trong đầu của cái thằng khỉ gió Holden, để nó không bỏ đi nữa, để nó đứng đó nhìn em Phoebe, nhìn vòng ngựa quay trong điệu nhạc. Quay đều, quay đều. Nó cứ đứng đó hoài, mặc cơn mưa rơi, rơi, ướt sũng.

Nó không đi.

Nó không bỏ đi nữa.

“Bạn đừng có kể cho ai nghe bất cứ cái gì. Nếu bạn kể, bạn tự dưng khởi sự nhớ tất cả mọi người””

Viên Khánh – Goodreads

“”LÀM SAO BẠN CÓ THỂ BIẾT BẠN SẼ LÀM GÌ CHO ĐẾN KHI BẠN LÀM THẬT?
CÂU TRẢ LỜI LÀ, BẠN KHÔNG THỂ BIẾT.”

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy chán bỏ mẹ đám người bộ tịch xung quanh mình, hãy đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh. Thật đấy!
Truyện xoay quanh một cậu bé chưa tròn hai mươi tuổi trong hoàn cảnh bị đuổi học vì thi rớt, đang chán mớ đời và chán luôn thế giới của gã. Gã ấy, tên là Holden, là một gã nhát gan nhưng luôn suy nghĩ bạo gan và lúc nào cũng muốn đốt sạch, phá bỏ mọi thứ quanh mình. Gã khá hài hước, đọc sách khá nhiều và giỏi môn Anh văn, nhất là viết những bài luận. Hơn nữa, gã hay tỏ vẻ hiểu biết chuyện gái gú dữ lắm nhưng thật ra vẫn còn là trai tân. Đặc biệt, gã rất mê cô bạn tên Jane, nhớ da diết em Allie, thích ông anh trai D.B và rất khoái “cà riềng cà tỏi” với cô em út Phoebe…
Tả sơ qua một chút về gã để nắm bắt được tính cách và hành động của gã xuyên suốt câu chuyện; từng tình huống, từng câu thoại hài kinh khủng, chốc chốc mình cố nén cười khùng khục và suýt bật khóc ở đoạn gần cuối lúc gã nức nở khóc và ôm chặt em Phoebe. Thật ra, gã chỉ là cậu nhóc chưa đầy hai mươi tuổi. Và khi chưa đầy hai mươi, bạn có thể làm sai trong tất cả mọi chuyện. Và chỉ sau khi sai, bạn mới học được cách làm thế nào cho đúng.
Sau rốt, ‘Dấu hiệu của người chưa trưởng thành là, họ muốn chết một cách cao thượng vì một sự nghiệp, trong khi dấu hiệu của người trưởng thành là họ muốn sống một cách khiêm nhường vì một sự nghiệp.’”

Trinh – Goodreads

“Bắt trẻ đồng xanh ( The Catcher in the Rye) J. D. Salinger.

Có những cuốn sách phải được cảnh báo trước khi đọc, kiểu như cuốn này: theo trang Wikipedia : Khi bị bắt ngay sau vụ ám sát John Lennon, Mark David Chapman đang mang theo người một cuốn Bắt trẻ đồng xanh và hắn cũng nhắc tới tác phẩm này trong quá trình hỏi cung của cảnh sát. John Hinckley, Jr., người ám sát bất thành tổng thống Ronald Reagan năm 1981, cũng được ghi nhận là bị ám ảnh bởi Bắt trẻ đồng xanh

Cuốn sách này lúc đầu còn bị phản đối và không cho trẻ em vị thành niên đọc vì quá nhiều từ tục tĩu và đầy những tâm lý chán chường của giới trẻ. Nhưng sau đó, nó lại được đưa vào trong chương trình giảng dạy của nhiều nước nói tiếng Anh. ( sang bản tiếng việt thì ít từ tục tĩu hơn, có lẽ do người dịch)

Cậu bé 17 tuổiHolden Caulfield bị đuổi học, nhưng thực ra Holden cũng đã chủ động đón nhận điều đó , cậu quyết rời bỏ thế giới ngột ngạt của trường học, nơi đầy rẫy những thói đạo đức giả, thói háo danh rởm đời, thói thực dụng độc ác, đủ các thứ, các thứ tương tự như thế
Bỏ đi bụi, cậu quyết định thử tất cả mọi thứ, gái gú, rượu chè, hút sách. Nhưng càng lao vào, cậu càng thấy chán chường, vì nó cũng kinh tởm chẳng kém gì thế giới trên kia. Nó nhớp nhúa, nhầy nhụa, độc ác, và cũng giả dối, rởm đời không kém các thứ, các thứ trên kia.

Cậu đã như một người mắc kẹt giữa 2 thế giới, phát ngấy thế giới thượng lưu rởm đời, phát tởm với thế giới ác độc của hạ lưu., nên dường như không khí bao trùm truyện là một nỗi bế tắc, chán chường đến phẫn uất.
Tình yêu đáng ra là một thứ cứu cánh cho Holden giống như các chàng lãng tử bi quan trong các câu chuyện lãng mạn, nhưng thực tế là: các cô gái 17,18 tuổi vốn đang nông nổi, thực dụng, thích được chiều chuộng lại càng đẩy Holden đến hố sâu của sự chán nản hơn

Thứ cứu cánh duy nhất cho Holden trong truyện lại là bé Phoebe, em gái cậu, một cô bé trong trẻo, đặc biệt lạc quan, khỏe khoắn và đầy tin tưởng anh. ( khi biết Holden bỏ nhà đi, em đã một mực xếp hành lí để bỏ nhà đi theo anh một cách đầy hăm hở và tin tưởng). Bé đã làm Holden nhớ tới một kỷ niệm trong cậu; ở một cánh đồng rất đẹp nào đó, bên cạnh một bờ vực, bọn trẻ con thường ra đấy chơi đùa và thỉnh thoảng vẫn có đứa quá đà rơi xuống vực….
Ước mơ cuối truyện của Holden chính là; Trở thành người đứng canh giữ cho lũ trẻ chơi đùa để chúng không rơi xuống vực., đó chính là người ” bắt trẻ đồng xanh” ” The Catcher in the Rye”
Người bắt trẻ đồng xanh trở thành một biểu tượng có tính đa nghĩa, nhưng với tôi đó là biểu tượng cho ước mơ của Holden, một ước mơ rất giản dị, được đàng hoàng sống là người tốt, một người tốt đơn thuần, một người tốt thất học, không chức danh, không tiền tài, không của cải, không tình yêu, nhưng vẫn là được là một người tốt.
Và cái người tốt ấy, sẽ làm một việc cực kỳ bé nhỏ là : đứng canh giữ để không đứa trẻ nào bị rơi xuống vực nữa. Điều bé nhỏ ấy, với tôi vĩ đại hơn gấp trăm ngàn lần những thứ mà những con người có học, giàu sang, có địa vị vẫn đang làm “để xoay chuyển thế giới””

Thanh – Goodreads

“Với một thằng nhóc bỏ học thô lỗ vô tích sự có lẽ chả ai có đủ kiên nhẫn để nghe nó ngồi lải nhải đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, ai thèm quan tâm chứ! Đã thế, trong khi lan man kể cho bạn nghe nó còn liên tục văng tục vào mặt như phun sương, thế mà nó lại khiến cho cả nước Mĩ và những kẻ có học phải ngồi lại cãi nhau vì nó. Đây có phải là cái trò của ông Salinger để nói với thế giới rằng đừng có khinh thường những đứa bỏ học như ông chẳng hạn. Ngồi kể lể về những ý tưởng và suy nghĩ điên rồ của mình chắc chả ai nghe nên ông viết cho một cuốn sách cho mà đọc.

Khổ nỗi, cái thằng nhóc ông nói đến hắn lại được cái mồm có khả năng kích động những kẻ liều mạng còn hắn thì quả là một tên nhát gan quả thể, chả dám động tay động chân gì. Nhát cáy đến độ dám bỏ học nhưng lại sợ đối diện với bố mẹ nó, sợ đối diện với mọi người nên nó tìm cách bỏ trốn. Thế cho nên, khổ nỗi cho ông tác giả là sách của ông vẫn bị cấm đoán và kiểm dịch nghiêm ngặt này nọ.

Càng chán đời thì hắn càng lảm nhảm tợn, kiểu giống mình càng sầu đời thì đọc sách càng vô tợn nói nhảm một mình cũng ghê tợn. Mình cứ thấy thằng nhóc này là một đứa cực thông minh và đa cảm các thứ nhưng mà ngồi kể ra đây để chứng minh thì lê thê dài dòng quá thể, vậy nên thôi để vô blog viết cho sướng.

Nếu cuộc sống là một trò chơi, thì sống là đang dấn mình vào trò đời bộ tịch. Trẻ con thì thích bắt chước giả vờ sống cứ như một người lớn làm cô dâu chú dể thầy rồi cô giáo này nọ và người lớn càng lớn thì cố giả vờ sống như một đứa trẻ càng đơn giản càng tốt. Chỉ có mấy đứa ở lưng chừng giữa khoảng giao một chân thì đã bước qua còn một chân đang muốn níu trở lại là chả biết phải làm màu thế nào. Thế đấy nên nó buồn chán sầu đời dã man.”

Nina – Goodreads

“Một câu chuyện với những con chữ chán đời của 1 cậu nhóc cũng chán đời không kém.
Chỉ là những thứ bình thường, ngày ngày vẫn diễn ra mà thu hút mình 1 cách kỳ lạ từ đầu đến cuối.
Chẳng có bi kịch, chẳng có đỉnh điểm, chẳng có cao trào, chỉ như 1 bộ phim tường thuật về cuộc đời, thế thôi.
Holden Caufiled, chán ngán với những thứ bộ tịch và những kẻ thối hoắc ở bên cậu, những thằng trai chỉ biết nói 1 giọng đến chết về đàn bà, tình dục và khoe mẽ 1 chiếc xe hơi, những cô ả tối ngày ra vẻ điệu đàng, 1 xã hội luôn bắt con người ta đặt khuôn khổ về đạo đức và răm rắp tuân theo nó mà chẳng biết làm sao. Thế nhưng cậu vẫn luôn phải chưng ra bộ mặt tươi cười với chúng. Chẳng thoát ra được. Cho đến lúc bỏ học. Mình tự hỏi cậu đã phải chịu đựng đến thế nào, chống chọi ra sao mà không chết quách đi cho rồi, chắc hẳn cậu đã phải khổ sở lắm.

Caufield nhìn có vẻ chán đời thật, ừ mà thật ra cậu chán mà, tối ngày cậu chửi thề, nhưng mình chẳng thế nó khó nghe tí nào, lại còn cảm thấy dễ lọt tai hơn những lời a dua sáo rỗng, nói cho bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Cậu nhóc nhìn tưởng chừng bặm đời ấy, lại ẩn bên trong là 1 tâm hồn đầy tình cảm và khao khát yêu thương biết chừng nào. Cậu cứ nghĩ về những con vịt sẽ đi đâu trong mùa đông, khi mà mặt hồ đã đóng băng lạnh cứng, làm mình cũng thật sự muốn biết được liệu mấy con vịt sẽ ở đâu, về những con cá sẽ ăn gì, về em Aliie, Aliee đã mất rồi, nhưng mà cậu vẫn sợ mưa sẽ làm em ấy lạnh, cả về em Phoebe, cậu cứ nhắc đi nhắc lại hoài. Mình biết là chúng dễ thương, và mang cho cậu sự ấm áp. Và làm mình cũng thấy ấm áp theo. Cậu cứ sợ mẹ cậu sẽ bệnh khi biết tin cậu bị đuổi. Đấy, Holden dễ thương quá chừng. Vậy mà những đứa xấu xa cứ làm cậu chán ngán.

Mình vẫn nhớ rõ ràng cái chi tiết cậu muốn được “đứng trên 1 mõm đá, thình lình nhảy ra bắt tất cả các đứa trẻ không biết mình đang không biết chúng lại gần mõm đá”. Mình chẳng biết nữa, nhưng mình rõ ràng rất rất thích chi tiết đó. Dù nghĩ hoài vẫn chẳng hiểu gì cả. Bắt chúng lại, để làm gì nhỉ, lúc đọc mình chẳng nghĩ. Bây giờ bỗng nhiên lóe qua trong đầu, để cứu vớt cuộc đời chúng chăng. Hàng ngàn đứa trẻ cứ bắt nhau trên cánh đồng xanh ấy. Cậu thì là người lớn, đứng trên tảng đá, chờ đứa nào lại gần thì nhảy ra bắt lại.

Tảng đá là nơi mà những đứa trẻ bước qua để trở thành người lớn, trở thành cậu, cái mà cậu chán ngán. Làm trẻ con không giả tạo, không mưu mô thật tốt biết bao. Cứ chạy bắt nhau trên cánh đồng rộng lớn ấy. Mãi mãi bắt trẻ đồng xanh. Lúc đọc đoạn này mặc dù chẳng hiểu lắm mà mình chực khóc.

Cậu ấy bỏ học, cậu ấy muốn tự do cuộc đời mình. Bây giờ, khi viết những dòng review này. Mình cảm thấy khâm phục cậu, vô cùng khâm phục. Ít ra, cậu đã đối xử thành thật với chính bản thân mình, không mệt mỏi chống chọi, không làm theo xã hội. Mà mình bây giờ, chẳng thể làm được. Mà đến sau này, đôi khi mình cũng chẳng thể làm được.

Mình cũng yêu mến Caufiel nhiều lắm, thật đấy. Như nghe 1 người bạn thân kể chuyện sau bao lâu xa cách. Cảm giác thấu hiểu thân thuộc đến lạ lùng.

Bỗng dưng bây giờ mình chỉ muốn được đuổi bắt trên cánh đồng xanh thôi, chẳng cần lo nghĩ gì hết, chỉ cùng những đứa trẻ khác, vào cái thời chúng ta còn là những đứa trẻ thực thụ, chơi cùng nhau trò đuổi bắt bình thường, thật bình thường.”

Nguyên Nguyên – Goodreads

“THÈM MỘT ÔNG ANH KHÔNG BẠN ƠI?

Mình chết được với cái thằng nhóc này.

Holden là một thằng nhóc hỏng bét với ba lần bị đuổi học chưa kể lần thứ tư đang sắp đến hồi kết thúc trong cuốn “Bắt trẻ đồng xanh”. Thằng nhóc này hỏng tất cả các môn, trừ Anh văn. Thằng nhóc này cũng hỏng tất cả các mối quan hệ, trừ với em Allie và Phoebe. Và thằng nhóc này hỏng mọi lối xưng hô cũng như cung cách nói chuyện, trừ với em Allie và Phoebe.

Nhưng Holden lại hỏng bét một cách đặc biệt trong Văn học bởi thằng nhóc này là hiện thân của lứa thanh thiếu niên Mỹ (thật ra tụi Holden này có mặt ở khắp nơi). Không một lối sống và tư duy hỏng bét nào như của Holden được viết ra và xuất bản và lại còn được giảng dạy trong trường học.

– Nào, bà cô, tôi hỏng bét cái gì nào? Mặc dù tôi biết mình không được như bà cô, nhưng hỏng bét cái gì nào?

Tôi chết được với bà cô.

– Thì cậu bị những bốn trường đuổi học còn gì?

– Thì tôi có nói không phải đâu. Những thằng khác nó không bị đuổi nhiều như thế bởi vì dù một lần là nó bị ba má nó quánh cho nhập viện luôn rồi, còn bò vô được trường nào để bị đuổi lần hai? Bà cô đã hiểu chưa? Còn tôi thì đã bị ông tác giả Salinger tóm gọn luôn trong ba lần, nhưng ai mà biết được có phải ổng nói quá lên không, dù sao cũng không ai xác nhận được. Lần thứ tư này, mà có khi là lần đầu đấy, như tôi nói, ông tác giả có lẽ chỉ thêm ba lần trước đó vào để làm tôi trông có vẻ hỏng bét thôi, mặc dù tôi cũng hỏng thật đó, đến chết được, tôi muốn nói cái lần được nói đến trong cuốn sách bìa xanh lè này thì chưa tới bởi vì tôi đã kịp dừng kể kết thúc của nó.

Tôi chết được. Chưa bao giờ tôi dong dài như thế này.

– Ờ thì cứ cho là cậu chưa bị đuổi lần này nhưng xem đi, cậu gọi tôi là gì? “Bà cô” á hả? Cậu không thấy xưng hô vậy láo xược hả?

– Tôi chết được, bà cô tưởng bọn đàn ông chúng tôi lịch lãm như cái vẻ ngoài bóng nhoáng ấy à. Những thằng khác nó cũng gọi quý cô là bà cô đấy, chẳng qua chúng nó kịp sửa miệng để không bị ăn răng thôi. Còn tôi, tôi chẳng qua là bị ông Salinger bắt nói thật nói thẳng, dù gì tôi cũng không lo bị ăn răng chỉ có ông Salinger sợ sách bị thu hồi. Cái ông đấy thật chẳng có gì để nói ngoài cuốn sách này, nói chung là cũng gần hỏng như tôi, chỉ là nổi tiếng một chút xíu. Ờ, tôi công nhận ổng nổi tiếng nhiều hơn một xíu một chút.

Holden có lối chuyện trò kiểu như thế, cái kiểu nửa thật nửa giả nửa khen nửa chê, cái kiểu làm tui mê cậu chết được vì chưa thấy ai nói chuyện kiểu đó, trong sách. Hẳn các tác giả dịch giả toàn phải trau chuốt câu chữ để nhân vật của họ nói chuyện thật đâu vào đấy, thật hùng hồn và ra lẽ, thật mượt mà và gãy gọn, thật chậm rãi và tử tế. Làm gì có ai nói chuyện như sách được, người ta phải ngắt quãng, phải phủ định cái trước đó để khẳng định một ý chưa từng nói, người ta phải nói được cảm xúc như thể nào mà không cần phải nói “tôi cảm thấy” thì mới gọi là nói chuyện. Trong chữ, người ta không diễn tả được cảm xúc qua câu thoại mà phải qua câu trần thuật, đó chính là lối sửa lời khi nói chuyện. Chính bằng cách đó, Sailing đã viết ra “Bắt trẻ đồng xanh”. Chúng ta sẽ không có cảm giác đang đọc (ngoại trừ việc thấy được mình đang dán mắt vào trang sách) mà giống đang nghe Holden ba láp ba xàm tùm lum tà la chuyện tầm phào qua chính giọng chúng ta thì thầm trong đầu hơn.

Ngay từ sau vài lần thằng nhóc này cứ “tôi chết được” là mình đã muốn khoe cậu ta với người khác.

– Ê, đọc cái này đi, trong này có cái thằng khùng lắm, chắc không ai khùng như nó đâu nhưng mà đọc đi, hay lắm, thiệt đó. Đọc xong mày hết khùng à.

Nó hay kiểu “chậc, cái thằng…” nhưng cứ đọc tiếp rồi lại “cái thằng mắc dịch này…” Holden là nhân vật tiểu thuyết tự cậu hay ho mà không cần một câu chuyện nào xoay quanh. “Bắt trẻ đồng xanh” không có câu chuyện gì ở đây, chỉ toàn “tôi chết được” nhưng chúng ta đều sẽ nhớ cậu như thỉnh thoảng vẫn nhớ về cái thời ngu ngơ ất ơ của mình, cái gì cũng thốt ra khỏi miệng được hoặc suýt ra khỏi miệng nhưng đã ra khỏi đầu. Nếu từng có một thằng bạn như Holden, hay là thôi đi, khi đó mình đã khùng rồi. Đến chết được với đứa nào có suy nghĩ làm bạn với thằng nhóc này.

Cái thằng nhóc Holden này hỏng như mình đã nói ở trên nhưng may là nó không hỏng toàn bộ, thì dĩ nhiên, ai mà hỏng hết được, người ta phải có cái gì đó ngon chứ, đến chết được, ai lại hỏng toàn phần bao giờ, đúng không Holden?

Cái thằng nhóc này yêu hai đứa em Allie và Phoebe của nó vô bờ bến. Mình đến thích cái cách Holden yêu hai đứa em nó chết đi được. Chúng ta phải có một ông anh trai yêu chúng ta như Holden yêu Allie và Phoebe, đó là một tình yêu không hỏng hóc, dù chỉ một vết xước. Tình yêu nào của các ông anh cũng như thế, có thể hơi khùng chuyện này điên chuyện kia, nhưng nó luôn không hỏng.

Holden hỏng theo rất nhiều cách nhưng cậu yêu hai đứa em một cách không hề trầy trật.

Holden là kiểu thằng bạn chẳng đứa nào cần, thằng người yêu có cho cũng không đứa con gái nào thèm, thằng học trò ông thầy nào cũng muốn đẩy sang lớp khác (trường khác luôn cũng tốt) nhưng là một ông anh đứa em nào cũng muốn.

Bởi vì có ông anh nào mang theo kỷ vật của đứa em đã mất bên mình mãi sau khi: “Tôi ngủ trong nhà xe cái đêm em chết, và đập vỡ hết những cửa kính mắc dịch bằng nắm tay tôi, chỉ vì muốn vậy.”

Bởi vì bạn sẽ bùi ngùi xúc động chết được khi thằng nhóc Holden này đã sẵn sàng bẻ lái đi mọi ngả đường bất chấp ai có thể giữ chân cậu, nhưng lại dễ dàng quay xe bởi chính trạng thái rõ ràng đã sẵn sàng khăn gói đi cùng cậu của đứa em. Chỉ bằng hành động ngô nghê nhưng đầy quyết tâm đó của em Phoebe cũng đủ làm Holden lại khăn gói hai đứa cùng đi về nhà.

Bạn phải chết được với nhóc Holden suốt hơn 300 trang sách thì mới có được cảm xúc mạnh mẽ khi chứng kiến cảnh này. Thật là làm người ta mủi lòng chết được, cái thằng nhóc Holden này – cái thằng nhóc đang lăn xuống “một thứ dốc khủng khiếp. Không bao giờ người xuống dốc được nghe hay cảm thấy mình chạm phải đáy hố. Họ cứ việc lăn xuống, lăn xuống. Cái dốc ấy dành cho những người, vào một lúc nào đó trong đời đi tìm một cái gì mà hoàn cảnh và những người xung quanh không thể đem lại cho họ, hay họ nghĩ là không thể đem lại cho họ. Bởi thế họ bỏ cuộc, không tìm kiếm nữa. Họ bỏ cuộc ngay cả trước khi họ thực sự bắt đầu.”

Nhưng gì nào? Holden đã có em Phoebe. Và em Phoebe vẫn còn có anh Holden.

Ôi, thiệt là mê hai đứa nhỏ này.”

Chim Cụt – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee  

Kiều Cưng

nghệ nhân - 1

Huyền ảo và hiện thực trong kiệt tác “Nghệ nhân và Margarita” của Bulgakov

Mikhail Bulgakov là một trong những nhà văn tài năng và độc đáo nhất của văn học Nga thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với…

341001094_241499201737222_6975183209450634611_n

Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN

“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…

121995237_10222652364914530_3728241313764895972_n

Review David và cây vĩ cầm biết nói

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách đẹp tới tột cùng, một vẻ đẹp hồn hậu, trong veo và thanh khiết nhất. Chắc chắn David…