Green Library - Cùng con yêu sách

Murakami Haruki (12/01/1949) là một trong những tiểu thuyết giadịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích“, “nhà văn bán chạy nhất“, “nhà văn của giới trẻ“.

Báo chí nói về Murakami Haruki

Liên hệ tác giả

Sách của Murakami Haruki

  • Lắng nghe gió hát
  • Rừng Na Uy
  • Biên niên ký chim vặn dây cót 
  • Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời 
  • Kafka bên bờ biển
  • Người tình Sputnik
  • Ngầm 
  • Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới
  • Tôi nói gì khi nói về chạy bộ
  • Nhảy Nhảy Nhảy 
  • Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
  • 1Q84
  • Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
  • Những người đàn ông không có đàn bà
  • Giết chỉ huy đội kỵ sĩ

Review “Lắng nghe gió hát”

“Tên sách này mà rơi vào tay một tác giả khác, như Takuji Ichikawa chẳng hạn, thì câu chuyện này chắn hẳn sẽ là một câu chuyện tình yêu lãng mạn. Nhưng tiếc thay, Lắng nghe gió hát lại rơi vào tay Murakami, thế là chuyện tình yêu chẳng còn, mà gió lại còn là gió sao Hỏa và nó hát lên rằng: “Sau hai trăm năm mươi ngàn năm nữa, mặt trời sẽ phát nổ. Đùng… OFF.” Thật là một câu hát hay làm sao! Đúng như những gì mình mong đợi khi cầm cuốn sách này lên, tức là chẳng mong đợi gì cả, để tự nó đến đâu thì đến. Mình sẵn sàng để Murakami buộc một dải băng quanh mắt và cầm tay dẫn ra giữa cánh đồng sao Hỏa đầy những giếng là giếng. Ông sẽ không để mình lỡ chân lọt xuống và nếu có lỡ, thì ông cũng sẽ cùng rơi xuống với mình, sẽ chọn một cái động tối đen và đi vào mà đến lúc thấy ánh sáng thì hóa ra một tỷ rưỡi năm đã trôi qua. Cứ mỗi lần đọc xong một cuốn của Murakami là trong đầu mình lại bật ra cái suy nghĩ: “A! Đây là cuốn sách hay nhất của ổng! Mình sẽ còn đọc đi đọc lại nhiều nhiều!” (Tất nhiên là trừ Kafka on the shore ra). Đọc cuốn nào cũng nghĩ như thế mà chỉ có Lắng nghe gió hát này là đọc được đến lần thứ hai, ngay sau khi đọc xong lần đầu vì lẽ là đọc nhanh quá, chưa kịp hiểu gì thì đã hết rồi. Đọc lần hai mình cũng chẳng hiểu gì hơn, chỉ được cái là đọc chậm nên hình dung trong đầu rõ ràng hơn, và chẳng hiểu sao, mình thấy vui hơn. Mình cũng thích nhân vật tôi cực. Rồi mình sẽ còn đọc lại cuốn này nhiều nhiều!”

Huyen Pham – Goodreads

“Sau mùa đông thì tôi thích đến mùa hè. Tôi thích nắng hè dù nó làm tôi phát ngốt. Thích mưa. Mưa liên miên không dứt cũng được. Thích biển vắng tanh vắng ngắt. Thích chỗ sân chơi cho đám trẻ con dưới nhà cuối chiều gió máy (dù không thích bọn trẻ con lắm). Cửa sổ và ban công (giá có thể không có bụi bặm thì tuyệt vời). Cảm giác được mặc quần áo mỏng tang đôi khi bất nhã lúc ở nhà cũng hơi gần với cảm giác tự do. Thích cách Banana Yoshimoto gợi lên những thứ đó trong một cuốn sách nhiều lúc mỏng xíu.

Hương vị mùa hè của tôi là thứ khó cố định bằng lời. Nó sẽ đầy đủ và căng mọng bằng cảm nhận. Và dù thỉnh thoảng nó ấu trĩ và cơ hồ vô nghĩa cũng có làm sao đâu mà.”

Haiiro – Goodreads

“Đây là cuốn sách hay, vì là tiểu thuyết đầu tay nên ko thể trông đợi ở nó một kiệt tác hoặc một cuôn sách hút hồn người đọc theo kiểu Kafka bên bờ biển hay Rừng Na Uy, nhưng nó duyên dáng và văn phong tự nhiên và giản dị.

Người ta đọc những cuốn sách đầu tay của những tác giả lớn để thấy sự hình thành tư tưởng, phong cách và sự phát triển về sau của họ. Tôi đọc cuốn sách này cũng vì tò mò, rằng một nhà văn mình yêu thích thì tác phẩm đầu tay của họ như thế nào? Cuốn sách này hé lộ cho người đọc lý do Murakami viết văn: “Nếu không gặp nhà văn có tên Derek Heartfield này, có lẽ tôi đã không viết tiểu thuyết và tương tự… tôi sẽ không có ý định kể ra câu chuyện này. Tuy nhiên tôi nghĩ chắc rồi con đường tôi đi sẽ rất khác so với bây giờ.” Hơn thế nữa, nó là sự mở đầu cho những gì Murakami theo đuổi về sau, những motif thường thấy trong truyện của ông: mèo, những cuốn sách, những cô gái không đẹp nhưng rất đáng yêu, nhân vật nam chính thường là sinh viên, có vẻ “giác ngộ” (theo cách nói trong cuốn sách này), trầm tĩnh, ít nói, và những đoạn đối thoại rất ngắn gọn nhưng đẹp và cuốn hút, sự cô đơn trong cuộc sống và một quá khứ nhiều ẩn ức…Một điều nữa phải nói về cuốn sách này, là nó buồn, một nỗi buồn rất đẹp, lạ lùng và bâng quơ, vừa thơ mộng, vừa hoài niệm, nó có thể là đoạn kết buồn nhất của H.K (dù không ai chết), mà những tiểu thuyết sau của ông, dù có lặp lại, cũng không được như vậy nữa.

Cuốn sách này do đó đáng đọc, với những ai vô cùng yêu quý H.M”

Đông Huynh – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Rừng Na Uy”

“Tôi thường xuyên bị rơi vào hoàn cảnh ú a ú ớ khi người khác hỏi về những chi tiết trong 1 cuốn sách nào đó mà họ biết rằng tôi đã đọc. Chẳng mấy khi tôi nhớ một cách rõ ràng nội dung, tình tiết câu chuyện, đến cả tên nhân vật đôi khi còn lẫn lộn lung văn tung :)) Thứ tôi nhớ rõ ràng nhất, sắc nét nhất chỉ là cảm giác – cảm giác khi đọc nó.

Cảm giác là một vấn đề thuộc phạm trù tình cảm. Bình sinh tôi là người mê những câu chuyện khiến mình cảm giác day dứt, mông lung, mơ hồ, u ám, tăm tối, thậm chí muốn đập đầu vào tường :)) Vậy mà tôi lại chết mê chết mệt Midori – cô gái mà tôi đã từng viết ở đâu đó là làm sáng bừng lên cả câu chuyện. Modori đem lại một sự vui tươi, thoải mái và dễ chịu cực kỳ.

Mỗi đoạn xuất hiện Midori, câu chuyện lại rực rỡ sao sao ấy cho dù đó là lúc cô say rượu tới mức đi toilet ngủ quên trong đó hay to mồm muốn leo lên những cái cây cổ thụ cao thật là cao để tè lên đầu toàn thể nhân loại, há há :))

Trong khi Naoko tạo cho tôi một cảm giác không có thật, mờ mờ như sương, nhạt nhòa thiếu sức sống thì Midori “của tôi” lại như một thái cực hoàn toàn trái ngược. Cô gái ấy rất thật rất đời, luôn muốn được để ý và quan tâm, ngay thẳng, mãnh liệt, yêu sự tự do, dám yêu, dám ghét, dám khẳng định bản thân, không bao giờ trốn tránh…

Chẹp, hôm qua có một đứa bất chợt mò vào thư viện chỗ nó và nhìn thấy “Rừng Na Uy”. Ngay lập tức nó mượn về và inbox cho tôi bảo nó nghĩ tới tôi khi nhìn thấy cuốn sách. Há, thật là 1 sự vinh dự nào đó. Nó lại còn có vẻ rất hâm mộ Kiko – diễn viễn đóng vai Midori trong phim của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Nói về phim thì tôi không thực sự thích lắm. Liệu có phải Midori của đạo diễn quá khác Midori của tôi. Tôi cũng chẳng biết Midori của tôi như thế nào nữa vì đó đơn thuần là vẫn đề cảm giác, như đã nói. Tôi đang tìm kiếm thứ cảm giác đó ngoài cuộc đời thật những vẫn chưa tìm ra. Hê, hy vọng sẽ sớm tìm được ra.

“Vì là của chú rồi nên cháu đọc cũng chẳng thành của cháu được”, đứa ấy đã nói thế, hồn nhiên ghê :))”

B – Goodreads

“Cũng như nhiều độc giả khác, những cuốn sách tôi yêu thích cũng mất dần ánh hào quang ban đầu khi tôi đọc lại, nhất là khi đã có độ lùi thời gian khá dài. Ở trường hợp của tôi với Rừng Na Uy, đó là 10 năm. Nhiều chi tiết tôi đã không còn nhớ cho đến khi đọc lại, nhưng một số đoạn tôi yêu thích thì vẫn vẹn nguyên. Đọc Rừng Na Uy ở thời điểm này, với tôi, không còn là việc ta thưởng thức độ hay của văn chương, hay sự bất ngờ của những tình tiết trong sách, mà là giống như gặp lại một người bạn cũ sau nhiều năm. Tôi thấy sự thay đổi so với những ấn tượng mà mình từng có, tôi gặp lại những câu văn từng khiến tôi cảm thấy rung động, và tôi gặp lại những nhân vật mà tôi đã từng yêu thích đến nỗi muốn được sống trong thế giới giống như họ. Đọc cuốn sách này giờ đây lại khiến tôi bồi hồi, vì những gì của quá khứ đã không còn trở lại, kể cả tuổi trẻ và những ngây ngô của chính mình.
Murakami với tôi là một nhà văn xuất sắc (tất nhiên, có nhiều dạng nhà văn xuất sắc, và xuất sắc hơn ông rất nhiều) trong việc tạo ra được một thế giới riêng, một cách nhìn về thế giới mà chỉ có nhà văn mới làm được. Một thế giới hư cấu, nhưng người đọc có thể cảm nhận được sự thật, sự chân thành và tin tưởng trong đó. Một nhà văn, nếu không tạo ra được thế giới của riêng mình, thì không thực sự là một nhà văn giỏi.”

Đông Huynh – Goodreads

“Tôi nghĩ Rừng Na Uy là một tiểu thuyết hay, vì nó không ngừng gợi nên những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau đối với tôi. Mỗi lần đọc lại, tôi lại hiểu sâu hơn về câu chuyện mà Murakami kể.

17 tuổi, lần đầu đọc Rừng Na Uy, cũng như tất cả mọi cô gái khác, tôi mê nhân vật Midori như điếu đổ và nghĩ Naoko là một con bé dở hơi. Midori có kiểu nói chuyện tưng tửng, không ngại sống thật và tràn ngập đời sống. Cô ấy là người chúng ta cần để xốc lại tinh thần và vực ta dậy. Tôi muốn mình là cô ấy.

19 tuổi, đọc lại rừng Na Uy, tôi đã nhìn thấy cái giếng trời của Naoko. Đó là một cái giếng sâu mà đã hụt chân ngã vào thì chỉ có nước kêu gào mãi mà không ai nghe thấy rồi chết trong bóng tối mà thôi. Nhưng nằm trong giếng, sẽ nhìn lại hết được đời mình, quá khứ, hiện tại và cả tương lai mình. Người đã rơi xuống giếng thì cũng như Naoko, khi nào cũng phải cố, tưởng chừng chỉ thả lỏng một chút thì tất cả sẽ hóa thành hoa bồ công anh rồi cuốn theo gió mất. Đó là lúc tôi nghĩ ra được rằng tự tử có lẽ không phải hoàn toàn là một hành động ngu ngốc, mà có thể chỉ là một sẩy chân bình thường mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vướng vào khi bị đẩy vào kiệt cùng của tâm thế. Chỉ là vì chưa đi đến cuối con đường ấy, không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ biết đến nơi đó. Tôi đã thấy mình trong Naoko.

22 tuổi, tôi ít khi lật Rừng Na Uy ra đọc hơn, nhưng bỗng ngẫm nghĩ thấy mình giống Reiko lắm. Cô ấy biết vấn đề của mình và cố gắng kiểm soát mọi việc, nhưng dĩ nhiên, cuộc sống vẫn có thể chơi khăm mà xô cô ấy xuống giếng. Cô là một khối bất toàn, bất định đứng chênh vênh. Cô ngã nhưng tìm cách đứng dậy.

Khám phá Rừng Na Uy qua 3 lần, tôi học được 3 điều:

+ Hãy sống hết mình, đừng sợ khác biệt như Midori,
+ Hãy nhìn thẳng vào những sự mềm yếu của bản thân mình và người khác, bao dung và chấp nhận nó như Naoko,
+ Và cuối cùng, hãy đứng dậy để sống tiếp, như Reiko và Toru.”

Thanh Hằng – Goodreads

“Lâu lắm mới gặp lại Midori, rồi Naoko, rồi Nagasawa.

Gặp lại nhau vào tháng 8 chứ không phải là một cuộc marathone tháng 9 như mọi lần nên lại càng lạ lùng, nhất là vào những ngày Hà Nội thời tiết khó chịu như bây giờ.

Rừng Nauy có khi là một phần tuổi trẻ của rất nhiều người đọc Việt Nam, của nhiều người viết Việt Nam, trong đó có tôi.

Một câu chuyên minh chứng cho việc: kể cả với câu chuyện tuyệt đối đơn giản, hoặc tuyệt đối vô nghĩa, nhưng với sự khéo léo của một người dẫn chuyện đại tài, bằng những phá cách khiến người ta kinh ngạc vẫn có thể làm cho câu chuyện ấy trở nên dịu dàng và đáng nhớ hơn bao giờ hết.

Tất cả chúng ta đều viết dễ dàng hơn khi có Murakami. Hãy cảm ơn ông vì điều đó.

Tôi không bàn đến kết thúc, bắt đầu của mỗi nhân vật trong câu chuyện này. Ai cũng nhìn thấy bản thân mình đâu đó trong mỗi nhân vật đó. Ấy là phần còn thiếu của chúng ta khi đọc sách. Nhiều người cố gắng đi phân tích họ. Tôi thấy đó là một việc làm hết sức nực cười.

Ngay cả bản thân khi Murakami bắt đầu câu chuyện này (với mục đích chỉ là 1 chuyện ngắn có tên Đom Đóm) ông cũng không thế biết được kết cục của nhân vật đến đâu cho đến khi kết thúc đến dòng cuối cùng.

Vậy thì ta làm sao mà hiểu được cơ chứ?”

Bach Tran Quang – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Biên niên ký chim vặn dây cót”

“Đây là cuốn đầu tiên mình đọc của bác già. Hồi đó mình bị thôi thúc vì việc đâu đâu cũng gặp những người mê bác, không biết đó có phải là 1 thứ trào lưu ko nữa nhưng nó làm mình rất ngứa ngáy phải mò tìm đọc thử. Ban đầu cũng chẳng biết nên đọc cuốn nào, vậy là mình quyết định trở thành quan sát viên trên tiki 1 thời gian. Cuối cùng chọn cuốn này vì thấy nó…hay hết hàng :3

Đọc xong cuốn này (và sau đó là khoảng 7,8 cuốn khác) mình cũng lờ mờ đoán đc vì sao ngta mê bác (mê thật ấy chứ ko phải mê kiểu make color) : câu chuyện của bác rất dễ gây nghiện cho dù nó nhiều khi hơi ngáo đá. Chắc cũng gần bằng việc ngta nghiện fb :3

Bác già đại khái cũng chả có gì :3 Bác vẩy bút qua vẩy bút lại, thêm mắm dặm muối hằm bà lằn, nhồi nhét thẳng tưng mọi loại kỹ xảo, mạch truyện tùy hứng, nhân vật tùy hứng, hôm nào giời mưa thì chơi bóng cười, giời nắng thì quay sang hít lá đu đủ :3 nói chung nhân vật của bác tốt nhất chỉ nên gặp trên những trang viết thôi, ko nên gặp ngoài đời, rất phiền 😐

Hồi còn trẻ mình cũng từng nghiện yahoo, xonefm, blog, forum này nọ các kiểu nhưng từ hồi có fb thì gần như mọi niềm vui tuổi trẻ 1 thời ấy bái biệt luôn. Nhưng mình nghĩ fb chắc sẽ cai đc (vì xét cho cùng nó là 1 nơi rất vội và xét cho cùng mình cũng sắp cai đc bằng vài biện pháp mạnh), còn cai bác già thì hơi khó :v. Mình cũng hơi nghiện nhưng chắc chưa dám nhận là fan của bác. Thực tế, mình yêu thích bác cũng ở dạng vừa thôi, mình yêu thích cái tình yêu mà mọi người dành cho bác, yêu thích cái việc ngta đọc lại nó nhiều lần :3

Một bạn nào đó viết ở đâu đó mình chẳng nhớ rõ : Murakami là 1 đống shit, còn tôi thì điềm nhiên bốc lên ăn vã suốt ngày :3”

B – Goodreads

“Lần đọc này, tôi thấy được nhiều điều mới hơn từ Chim Vặn Dây Cót.

Ở đây có một sự đồng cảm: Cũng vừa vào hè, cũng hơi nhớp nháp mồ hôi, và tôi cũng mới dừng công việc hiện tại của mình lại để nghỉ ngơi một thời gian – giống như Toru Okada. Tất nhiên, tôi không mông lung, và cũng không bị vợ bỏ như thế.

Đây chắc chắn là kiệt tác kỳ công nhất của Murakami. Xuất phát đơn giản, chỉ từ việc đi tìm một con mèo (một thứ có tính biểu tượng chăng) sau đó kéo theo hàng đống những hệ lụy đằng sau cái hành động đi tìm ấy. Tôi luôn nghĩ cuộc đời con người ta là những khúc quanh, và nhiều sự lựa chọn. Rẽ trái, rẽ phải, chọn sai chọn đúng đều tác động cách này cách khác đến cuộc đời cũng như số phận của chính mình. Và “Chim vặn dây cót” đã bước chân vào một thế giới khác và có những thay đổi mãi mãi như thế.

Lần đầu đọc, tôi chỉ cảm thấy là nên “cố gắng” để đọc hết, chứ để cảm thì chưa, lần này, sau vài năm, thì sự cảm ấy lại khác. Có thể vì mắt tôi nhìn được nhiều hơn, tim tôi hiểu được sâu hơn những tầng lớp mà Murakami giăng ra trong hơn 700 trang sách.

Tức là cuộc đời, dẫu tưởng chừng như bình ổn, yên lành đến mấy, nhưng ẩn sâu dưới nó vẫn là những biến động âm ỉ chảy, như dòng nước của một con sông lớn, sẵn sàng tạo thành một cơn lũ cuốn phăng đi tất cả. Tức là ta tưởng đơn giản, nhưng không hề đơn giản vậy, nhất là cuộc đời của một con người. Và cho dù cách nào đi chăng nữa, ta cũng phải đối mặt và cố hàn gắn mọi lỗ hổng có thể của con thuyền ta cưỡi, để một ngày nào đó không bị chìm sâu.

Kano Mata, Kano Creta, Nhục Đậu Khấu, Kasahara May, Kumiko. Mỗi người phụ nữ đến và đi trong đời một người đàn ông tại bất cứ thời điểm nào cũng mang theo rất nhiều đổi thay và cả giông bão.

Từ chuyện mất con mèo, vợ bỏ, Murakami vẽ lại cả những lịch sử, những trận đánh, cuộc tàn sát rồi lại đưa người đọc ngược về Nhật Bản hiện đại với bao thứ méo mó: Méo mó từ gia đình đến méo mó về tình dục, chính trị.

Tôi vẫn hay hỏi nếu để nói lại câu chuyện này với một người khác, thì người ta có thể kể cái gì? Tôi đoan chắc 100% những ai đọc Murakami đều không thể kể lại được cốt truyện, vì nó lộn xộn, rối rắm, đan xen, tầng lớp và không theo một chiều nào cố định cả. Lần tôi đọc bài phỏng vấn, họ hỏi ý nghĩa của Biên Niên Ký là gì, Murakami (thường không bao giờ trả lời về tác phẩm) đã nói rằng: “Hãy đọc lại” Và vâng, mỗi lần đọc lại, bạn sẽ một lần thấy khác.

Chỉ biết rằng, dẫu có lộn xộn, không có cốt truyện, xảo trá, đánh lừa, nhưng những ai đã vượt qua được, đều cảm thấy thích thú vô cùng. Ông không giống bất cứ một ai khác trên văn đàn. Ông là cái cột sừng sững một mình, cô độc và kể những câu truyện phi tuyến tính và phi thực tế với khối lượng kiến thức đồ sộ về mọi mặt.

Cái kết lửng lơ, đứng giữa hai đầu cầu: Chia tay với May, và đợi Kumiko về, làm cho người đọc phải tự hỏi mình rồi Chim Vặn Dây Cót sẽ đi về đâu, có đợi được không.

Và những căn phòng như 208, người đàn bà giấu mặt, rồi những câu chuyện bí mật không bao giờ kể dứt, những thứ như thế bao nhiêu người trên trái đất này còn giấu diếm. Mà sao chỉ một mình Murakami dám kể.

Đồ sộ và hấp dẫn về mọi mặt.

Tôi cũng sẽ đi tìm một cái giếng thật sâu.”

Bach Tran Quang – Goodreads

“Mình cũng đọc kha khá sách của bác già rồi nhưng có lẽ đây là quyển hấp dẫn nhất. Ko dám tự nhận là fan của Haruki, chỉ đơn giản có duyên thì đọc thôi. Nhưng gì thì gì, một điều không thể phủ nhận là ông có một tài năng thiên phú, ông đứng một mình giữa văn đàn và mang một phong thái không hề giống bất cứ ai và chẳng ai giống được ông.
Cách viết của ông luôn có gì đó siêu thực. Đọc sách của ông, ai bảo ngồi kể lại cho nghe, mình không làm được. Cốt truyện luôn chồng chéo với nhiều những nhân vật bất thường (dù bên ngoài rất bình thường). Quyển này mình còn thấy cốt truyện tương đối rõ ràng, dù vẫn nhiều thứ đan xen kéo giãn, nhưng vẫn đỡ hơn Kafka bên bờ biển. Đó mới thực sự là quyển sách chỉ để cảm chứ ko để hiểu.
“Biên niên ký chim vặn dây cót” bắt đầu chỉ đơn giản là việc Toru đi tìm con mèo của vợ. Sau đó thì hàng bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người xuất hiện: Kano Malta, Kano Crate, May, Trung uý Mamiya, Nhục đậu khấu, Quế, con chim có tiếng kêu như tiếng vặn dây cót, cây gậy bóng chày, cái giếng,…
Cảm thấy như Toru càng lúc phải càng đi sâu vào bên trong mình thông qua cái giếng, những câu chuyện từ thời Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu,… những câu chuyện đem lại cảm giác về sự tàn bạo của loài người và vô số những cảm giác ghê sợ khác.
Ôi nói không hết được nhưng bạn đọc đi, hơn 700 trang với nhiều những kiến thức đồ sộ, dù đã đc viết từ rất lâu nhưng hay thì vẫn cứ hoàn hay thôi, ko cũ được. Đó mới là đẳng cấp của Haruki Murakami!”

Diễm Trang – Goodreads

“Xuất sắc!

Biên niên ký chim vặn dây cót là quyển đầu tiên mình quyết đinh đọc lần 2 ngay sau khi hoàn thành lần 1. Sách thì quá hay mà mình thì quá nông để có thể hiểu hết.

1. Câu chuyện về cái tôi

Câu chuyện về những cái tôi trong mỗi người, người vợ không hiểu nổi cái tôi trong mình, trong khi người cựu binh già có một cái tôi đã chết từ trong chiến trận, và một cô gái trẻ dành cả tuổi thanh xuân đi tìm một “cái tôi đúng hơn” cho cuộc đời mình. Những điều hãi hùng nhất, phi thực và nghịch cảnh nhất đã xảy ra, như số mệnh cố ý bày binh bố trận để ép cho kỳ được cái bản ngã cốt lõi trong mỗi người.

Nhịp truyện thì chậm, cuộc sống của nhân vật chính bình lặng, nhẩn nha mà nhịp thay đổi của các nhân vật khác thì nhanh, người vợ sáng nay nhờ chồng kéo khóa váy qua lưng trần thì hôm sau đã bỏ nhà biệt tích, người lính trước khi thiếp đi còn nhất mực yên chí mình sẽ ko chết trên chiến trường này thì khi tỉnh dậy đã thấy súng ống Ngoại Mông chĩa thẳng vào mình, gái điếm thể xác trước khi đi khách còn thấy chai sạn nỗi đau thì lúc sau đã thấy người run lên bần bật với khoái cảm và ô uế. Những con người dị nhất trong những tình huống không-bình-thường đặt nhân vật chính và người đọc vào cơn đau lý trí.

2. Câu chuyện của nỗi đau

Và cũng không có ai viết về nỗi đau hay hơn Haruki Murakami. Ông viết về nỗi đau của người chồng trong ý nghĩ đầu tiên thoáng hồ nghi vợ ngoại tình như sau:

“Nhưng sáng hôm đó vắng Kumiko. Tôi uống cà phê và ăn bánh mì nướng một mình, lặng lẽ. Tôi nhìn mãi chiếc ghế trống trước mặt. Tôi vừa ăn vừa nhìn chiếc ghế mà miên man nghĩ tới thứ nước hoa nàng đã xức sáng hôm qua. Tôi nghĩ đến người đàn ông ắt hẳn đã tặng món nước hoa đó cho nàng. Tôi hình dung nàng nằm trên giường với hắn, hai vòng tay quấn lấy nhau. Tôi thấy hai bàn tay hắn ve vuốt tấm thân trần truồng của nàng. Tôi thấy tấm lưng trắng ngần trơn láng như bằng sứ của nàng mà tôi đã thấy sáng qua, làn da mịn màng của nàng dưới chiếc khóa tôi đang kéo.

Hình như cà phê có vị xà phòng.”

Nỗi đau xộc đến đột ngột như thế đó, len lỏi từ lúc nào vào trong cà phê mới uống, và chẳng mang hình hài cụ thể nào mà là mùi vị ko-thể-tả của xà phòng – một thứ mùi lợm đến kinh khủng khi đưa vào họng.

Rồi từ điểm đầu này, Haruki liên tục hữu hình hóa nỗi đau qua muôn hình vạn trạng, nỗi đau âm ỉ trong người đàn ông, nỗi đau xác thịt của cô gái, nỗi đau sâu kín và nỗi đau tăng tiến dần cấp độ từ cafe có vị xà phòng đến lỗ giếng đen thút nút.

3. Chuyện của ngôn từ

Đọc tới tác phẩm thứ 3 của Marc Levvy, mình vẫn không bỏ được thói quen ghi nhớ tất cả các chi tiết nhỏ và chờ đợi một sự xâu chuỗi nhưng cách viết của Marc Levvy không thỏa mãn thói quen đó của mình, các chi tiết nhỏ được nêu ra, cố ý nhưng dư thừa, xuất hiện 1 lần và chỉ 1 lần đầy hụt hẫng.

Còn Haruki Murakami ông ấy viết nhẩn nha về những chi tiết nhỏ rất thực để đạt được mục đích dựng nên một cuộc sống rất đời thường như hành động đi lấy áo ở tiệm giặt là, vị kẹo chanh ngậm trong miệng, cuộc trò chuyện nhạt nhẽo giữa hai vợ chồng… . Và hóa ra những chi tiết nhỏ ấy là mắt xích quan trọng nào đó trong chuỗi diễn biến về sau, và có những chi tiết trở đi trở lại như một nỗi ám ảnh, có những chi tiết khởi đầu cho các chi tiết khác. Haruki biến tác phẩm của mình như một khối lego đồ sộ, trước đó, ông đã kỳ công gầy dựng từng mảnh ghép và xếp cho chúng một vị trí đầy tính toán & sắp đặt chủ tâm.”

Daisy Tran – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Kafka bên bờ biển”

“Hồi mình còn trẻ mình luôn ước mơ trở thành 1 nhà khoa học gì đó :3 hàng ngày chuyên tâm vùi đầu nghiên cứu cái nọ cái kia, cứ thế 24/7 chẳng cần biết sự đời ngoài kia như nào. Ước mơ thế hoàn toàn chẳng vì lý do gì cao siêu vạn đại, chỉ vì do mình nghĩ mình ko phù hợp để sống ở ngoài đời – như 1 cách trốn tránh :3

Và mình thấy các nhân vật điển hình của bác già, từ Rừng Na Uy cho tới Người Tình Sputnik, từ Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót cho tới Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời, từ Nhảy Nhảy Nhảy cho tới Kafka Bên Bờ Biển, cũng đều có gì đó ko hợp để sống ở ngoài đời :3

Họ phù hợp hơn để lạc tới 1 bến bờ phi lý nào đó ko thể chỉnh đúng tiêu cự

Với thiển ý ngu học thường thấy của bản thân thì mình nghĩ những câu chuyện của bác không phải để hiểu mà để cảm :3 cho nên dù chẳng hiểu hết từ a đến z thì cuộc phiêu lưu ấy vẫn đáng để thử dù chỉ trên bề nổi con chữ – một cuộc phiêu lưu điên rồ, bất toàn tới tỉnh queo :3

Có tìm được điều gì đó đáng giá ko? Chịu, chẳng biết. Nhưng đôi khi người ta cũng hay thích đóng vai người quan sát, hơn là tham gia vào chính cuộc đời mình :3

Nói chung cuốn này rất phù hợp để đọc vào 1 ngày mưa, hoặc nắng, 1 ngày rét, hoặc rét 40 độ, 1 ngày nào đó, hoặc như người ta vẫn gọi là mọi ngày. Giống như kiểu mình có thể ăn tiết canh vào bất cứ lúc nào, miễn là có đủ berberin. Và đủ dũng cảm – cái này thì chưa đủ bao giờ.

Có phải vậy không nhỉ?”

B – Goodreads

“5/5
Mình nghĩ là mình không hề đủ tử cách để review sách Murakami. Nhưng với quyển này đã chính thức trở thành my all time fav book của mình. VÀ NÓ THẬT SỰ ĐIÊN RỒ!

Với sự nổi tiếng của Kafka bên bờ biển không chỉ ở Nhật Bản mà nó còn được recommend đọc ở khắp mọi nơi.

Với lời văn xuất sắc, câu cú đẹp và một cốt truyện đầy điên rồ và kỳ lạ.

Câu chuyện được kể với hai tuyến nhân vật.

Tuyến một là Kafka: Kẻ đã bỏ nhà vào ngày sinh nhật 15 của mình. Kafka cố hết sức chạy trốn khỏi tuổi thơ đau buồn hành hạ cậu. Cậu đã bắt đầu cuộc hành trình của mình với một “lời nguyền” của người cha rằng Kafka sẽ giết ông rồi ngủ với mẹ cậu và chị cậu. Với ngôi kể thứ nhất nên ta đã được đào cực cực kỳ sâu nội tâm, giấc mơ, suy nghĩ, “inner-person”… của Kafka

Tuyến hai là ông cụ thiểu năng Nakata. Người đã từng đi qua một cuộc tai nạn năm xưa khiến ông không được bình thường. Câu chuyện được kể ngôi thứ 3, ta đi qua một cuộc hành trình đầy điên rồ và kỳ dị khi ông cùng với một anh bạn đồng hành cùng ông đến khi ông lìa đời.

Với câu chuyện của anh chàng Kafka, ta có thể thấy hình ảnh tuổi trẻ hoang dại, sự đấu tranh tâm lý và cả những nhục dục . đồng thời là cả những sự lựa chọn ngã rẽ của cuộc đời anh: đối mặt, chấp nhận, dấn thân, từ bỏ tất cả để trưởng thành.

Câu chuyện của lão Nakata thì thật sự rất khó để ta phân tích. Có một số hình ảnh như: mưa cá, mưa đỉa, mèo biết nói và Nakata nói chuyện được với mèo, tên tự xưng là kẻ giết mèo, con chó… Vì không hiểu nên không phán được nhé 🙂

Murakami liên tục nhắc đến Oedipal (nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp được tiên đoán sẽ giết cha và lấy mẹ). Khi độc giả kiên nhẫn đợi đời lão Nakata và Kafka cắt ngang, Murakami kết nối thêm những liên hệ triết học, lịch sử, thần thoại, âm nhạc và văn học, thả chúng vào lối văn trần thuật khô khan độc quyền của ông như thể chúng là những dấu hiệu nhỏ cần được gạch chân và đánh dấu để khám phá một kết thúc hé mở một bí mật nào đó. Cái hy vọng khám phá này, cùng với sự tò mò của chúng ta đối với bí mật tinh tế ẩn dưới vỏ một câu chuyện, là thứ Murakami dựa vào để lôi chúng ta đi.

Tóm lại, đây là một trải nghiệm đọc sách thật sự rất rất thú vị, kiểu adrenaline sôi sùng sục mọi lúc và đồng thời máu phân tích ẩn dụ văn học các thứ cũng trồi lên.

“Đôi khi, số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. Mày đổi hướng nhưng cơn bão cát đuổi theo mày. Mày lại quặt ngả khác, nhưng cơn bão cũng chỉnh hướng theo. Cứ thế quay tới quay lui, mày diễn tới cùng cái trò ấy như một điệu nhảy báo điềm gở với cái chết dữ ngay trước bình minh. Tại sao? Vì cơn bão cát ấy không phải là một cái gì từ xa thổi tới, một cái gì không liên quan đến mày. Cơn bão ấy là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó. Ở đó, không có mặt trời, không có mặt trăng, không phương hướng, cũng chẳng có ý thức gì về thời gian. Chỉ có cát trắng mịn xoáy lốc lên trời như xương nghiền tơi thành bụi. Đó là một thứ bão cát mà mày cần tưởng tượng ra.”
*đây là một trong những câu quote mở đầu sách của Murakami cực kỳ nổi tiếng và luôn được phân tích và coi trọng*”

Triet Dinh – Goodreads

“Dù đã chuẩn bị tinh thần đọc sách của bác đừng cố để hiểu xong gấp quyển sách lại với một mớ hỗn độn về mặt cảm xúc,list nhạc của mình đang phát ca khúc Still with you của jungkook có vẻ bổi cảnh chẳng liên quan gì đến nhau nhỉ?
Nhắm mặt lại nghe đi nghe lại hết lần này đến lần khác khiến bản thân mình cảm thấy tốt hơn dù có một thứ không thay đổi là mình “chả hiểu gì về cuốn sách.”

Có 2 tuyến truyện song song
Một là Kakfa cậu bé tròn 15 tuổi bỏ đi khỏi nhà dính trên người lời nguyền của giết cha ngủ với mẹ và chị gái bởi chính bố mình trên hành trình cậu tá túc lại với thư viên ở Takamatsu ,vào ngày bố cậu chết câu đã bất tỉnh 4 tiếng thức dậy với chiếc áo đầy máu dù nơi đây cách rất xa nhà của cha cậu, từ đó những hiện tượng lạ xảy ra và những giả thuyết về mẹ và chị đã bỏ đi của cậu

Hai là ông Nakata vì một vụ việc bí ẩn hồi ông 6 tuổi nên ông không thể đọc và viết đang ăn tiền trợ cấp có công việc tìm mèo nhờ khả năng có thể nói chuyện được với mèo ,sau quá trình tìm goma còn mèo đang bị thất lạc, lão tìm ra kể giết mèo và lão được đưa ra 2 lựa chọn một là nhìn goma chết trước mặt lão 2 là phải lão phải giết kẻ giết mèo để đưa goma về với chủ của nó, và thế là ông đưa ra lựa chọn của mình và bắt đầu cuộc hành trình đến Takamatsu .

Kafka bên bờ biển đề cập rất kha khá vấn đề trong xã hội nhưng không đi sâu vào bất kì vấn đề nào cả.
Mình vẫn bị mê với cách bác xây dựng với từng nhân vật
Thú vị một điểm nữa là cách khía cạnh bác đề cập sex ở quyển này (ham muốn hay dục vọng khác so với những quyển mình từng đọc của bác)

Dự vị của nó để lại thực sự rất điên rồ và mãnh liệt, đầu mình hoàn toàn trống không
“Thế giới này chính là một phép ẩn dụ “”

Ma Chi – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” 

“”Ở thành phố này có bao nhiêu người nhớ được tên 3 người con trai nhà Karamazov?”

Câu hỏi này bật lên ở cuối cuốn sách 600 trang này. Tự nhiên tôi bật cười, một câu hỏi vừa ngu ngốc vừa dở hơi, nhưng nó lại đúng chuẩn xác với tâm trạng mà người ta hay suy nghĩ lúc có một mình. Lúc người ta cô độc.

Nó làm tôi nhớ đến cái câu “Trời mùa đông này thì con thiên nga trong công viên sẽ bay về đâu?” – trong Bắt Trẻ Đồng Xanh. Đó cũng là một người trẻ cô đơn lạc lõng giữa cái thế giới cứ hối hả trôi.

Ở Xứ Sở Diệu Kỳ này, thì ngược lại, là một người 35 tuổi cô đơn còn hơn cậu trẻ. Cậu trẻ mới chỉ khám phá, còn người đàn ông này đã nếm khá đủ rồi.

Đây là một cuốn sách có lẽ là kỳ lạ và phi lý nhất mà Murakami đã đặt bút viết. Và thật sự nó cực kỳ khó để “cảm” như những cuốn sách trước đây của ông. Người đọc sẽ mắc trong một rừng những hình ảnh, âm thanh, khoa học, triết học siêu thực của tác giả giăng ra để chúng ta mắc chân vào. Và thế là, những kẻ không kiên trì sẽ ngã ngay từ mấy trang đầu khi thấy thú một sừng, một thành phố u tối với những bức tường, một ông toán sư nhàm chán đến phát điên và một nhà khoa học quá đỗi lập dị ở sâu dưới lòng đất Tokyo.

Tôi đã phải tự mình hỏi câu hỏi này nhiều lần: Trong đầu Murakami có chứa những gì, tôi đồ rằng các bạn – những người đã theo đến kỳ cùng cuốn sách này cũng sẽ bật hỏi như vậy: Vì hiểu biết của ông về văn học, triết học, khoa học, âm nhạc và đặc biệt là diễn tả nội tâm con người quả thật khiến người ta giật mình.

Không phải lẽ bình thường mà tôi thích fiction hơn là non fiction. Vì ở fiction, người ta có thể show off hết mọi ngóc ngách của trí não, viết những điều không tưởng và làm nó sống động như thật. Thế là tôi tin vào lũ thú một sừng, và người đọc giấc mơ rồi chìm đắm trong một cuộc hành trình đi tìm bản ngã của mình suốt cuốn sách.

Có 3 câu chuyện chứ không phải 2 như mọi người thường nhầm. Người ở tokyo. Người ở Xứ Tận Cùng. Và Bóng. Đúng, Bóng cũng là một nhân vật, là một nửa của ta (mà ta có để ý bao giờ đâu) – đây quả là phát kiến đặc biệt.

Cuốn sách này khiến tôi ngắc ngứ mất gần 1 tuần trời. Phần vì bận, phần vì nó phức tạp và đau đầu. Nhưng cho đến khi kết thúc nó trọn vẹn, tôi cảm thấy rất thỏa mãn. Thời đại này không còn những “siêu thực” như Murakami đâu. Không tìm được ở đâu đâu. Đó là món quà vĩ đại mà Nhật Bản dành tặng cho thế giới!”

Bach Tran Quang – Goodreads

“Hay hơn, thực tế hơn mình kỳ vọng nhiều.

Lúc mới đọc tên tác phẩm mình nghĩ nó sẽ đen tối, và nặng nề hơn nhiều. Nhưng khi được thực sự đi vào thế giới này thì cảm thấy đây là một thế giới rất quen thuộc.

ĐÓ CHÍNH LÀ NỘI TÂM CỦA CHÚNG TA.

Đọc xong tác phẩm này mình mới minh bạch một điều đó là nội tâm của chúng ta hoàn toàn do chúng ta làm chủ. Ta không thể kiểm soát được những biến động của thế giới ngoài kia, nhưng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được thế giới bên trong của chính mình. Nếu có ai đó có thể tác động đến thế giới bên trong của bạn thì chỉ là do bạn cho phép họ làm thế.

Một điểm nữa cần lưu ý đó là thế giới ngoài kia sẽ luôn tìm cách tác động và kiểm soát thế giới bên trong bạn. Cho nên bạn phải luôn tu tâm dưỡng tính, nuôi dưỡng một nội tâm mạnh mẽ sâu sắc để giữ vững chính mình trước đã, sau đó là tác động ngược lại đến thế giới ngoài kia sao cho tốt đẹp hơn.”

Tuan Pham – Goodreads

“Mình bị cuốn ngay vào thế giới ảo diệu này. Rõ ràng là thế giới thật, thực tế thật mà chúng ta đang sống đây, nhưng xen kẽ là những yếu tố fantasy hoặc thậm chí là sci fi mà mình không hiểu được. Đang hư ảo thì chuyển tắp lực sang hiện thực, cảm giác như mình bị bóc trần vậy.

Câu chuyện là về một toán sư lạnh lùng, xa cách, trên con đường tìm hiểu về bí ẩn đoạn mã mà anh ta sở hữu, đồng hành cùng một cô gái béo ị nhưng lắm mồm. Đan xen câu chuyện về anh ta là lời kể của nhân vật khác, có thể là anh ta, có thể là ai đó, ở một thế giới kì lạ, hoàn toàn không hiện hữu ở thực tại. Cho đến gần 1/3 cuối truyện, twist xuất hiện, kết nối hai nhân vật với nhau, hai lời kể và ít nhiều giúp mình hiểu cuốn sách này đang nói về cái gì.

Nhân vật thực hiện một hành trình rất rõ ràng, có mục đích, gặp những trở ngại rất khó hiểu đồng thời có vẻ nguy hiểm (mà thực chất sau đó cũng không nguy hiểm lắm). Đôi lúc mình còn thấy chuyến phiêu lưu này khá vô nghĩa, vì cách anh toán sư phản ứng và hành động với những gì xảy đến với anh ta – lý trí đến mức buồn cười. Như thể anh ta không có một tí cảm xúc nào. Điều này có liên quan mật thiết tới nhân vật “tôi” thứ hai ở xứ sở Tận cùng thế giới.

Một câu chuyện nói về cuộc sống nội tâm, bản thể cái tôi, cái cá nhân, là lý trí và tình cảm. Chúng ta là gì nếu không có cái phần lõi, phần mà chứng tỏ “mình là mình”?”

QHuong(BookSpy) – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

341001094_241499201737222_6975183209450634611_n

Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN

“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…

121995237_10222652364914530_3728241313764895972_n

Review David và cây vĩ cầm biết nói

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách đẹp tới tột cùng, một vẻ đẹp hồn hậu, trong veo và thanh khiết nhất. Chắc chắn David…

129862145_2714551872207772_678045430805396291_n

Review JOE SỐ DÁCH

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách để truyền cảm hứng sống: chân thành, chăm chỉ, tự do…mình tin chắc JOE SỐ DÁCH sẽ phù…