Green Library - Cùng con yêu sách

Nguyễn Ngọc Tư là ai?

Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là nhà văn, thành viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, ai đó trao Tư giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Ai đó trao giải thưởng này hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.

Tư có tập truyện mang tên Cánh đồng bất tận. Tập truyện nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 và ai đó đã chuyển thể truyện ngắn cùng tên thành phim điện ảnh năm 2010.

Báo chí nói gì về Nguyễn Ngọc Tư?

Liên hệ tác giả

Facebook: https://www.facebook.com/nguyenngoc4/followers/

Sách của Nguyễn Ngọc Tư

  • Khói trời lộng lẫy
  • Cánh đồng bất tận
  • Gáy người thì lạnh
  • Đảo
  • Yêu người ngóng núi
  • Ngọn đèn không tắt
  • Cố định một đám mây
  • Bánh trái mùa xưa
  • Hành lý hư vô
  • Giao thừa
  • Không ai qua sông

Review “Khói trời lộng lẫy”

Các truyện trong tập đều xoay quanh thân phận người phụ nữ. Nỗi buồn bao quanh họ: cô đơn, khao khát tình cảm gia đình, tình yêu. Không được hạnh phúc, đôi khi họ tỏ ra “cay nghiệt”, nhưng rồi sự cay nghiệt cũng không vượt quá sự mong manh yếu đuối vốn là bản chất của họ (như cô gái trong “Khói trời lộng lẫy” đã đánh cắp đứa em trai cùng cha khác mẹ để trả thù người cha bỏ rơi mình, để rồi cuối cùng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan). Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư được sinh ra để đi tìm nhau. Cho nên, cùng với nỗi mất mát, cô cũng cho họ những con đường, đó là lòng vị tha và một chút hy vọng.

”Quá khứ là kỷ niệm ấm áp, còn tương lai là những khát khao. Giữa hai miền thời gian đó, những chuyến rong ruổi, dù ngắn, qua ngóc ngách của làng quê hiện tại, đã giúp nhà văn viết nên những chi tiết hiện thực gây nhói buốt. “Gáy người thì lạnh” giống như những lời trần tình (hay tự vấn) của tác giả, đồng thời cũng là chia sẻ đến những ai mong được kết nối với tự nhiên, thèm được thở “những thứ khí trời bên ngoài cánh cửa”.” – Top7thuvi (Ybox.vn)

“So với các tập truyện trước của cùng tác giả Nguyễn Ngọc Tư thì những truyện ngắn này cho thấy sự phát triển, trưởng thành trong tư duy, cách xây dựng truyện, nhân vật và văn phong.

“Nhà văn mô tả cuộc sống và con người ở quê chân thực, gần gũi hơn, ít mang hơi hướng của trào lưu “ca ngợi bần cố nông” như trước. Chị Tư nhìn nhận cái tốt cái xấu của làng quê, người quê một cách đầy cảm thông và yêu mến. Câu văn tuy ngắn như dùng từ rất gợi hình gợi cảm, đặc biệt lồng vào rất nhiều từ địa phương tạo cảm giác gần gũi. Giọng văn tự nhiên, trầm bổng như thơ, rất điêu luyện. So với các tác phẩm trước thì nhà văn ít bị lỗi điệp từ (dùng một vài từ quá nhiều lần).

Về xây dựng cốt truyện: Đa phần các câu chuyện đều nhẹ nhàng, tuy nhiên vài chỗ quá lâm li bi đát một cách không cần thiết. Diễn biến câu chuyện khá nhanh, nếu nhà văn chịu viết dài hơn một tí thì có vẻ tự nhiên hơn. Một số truyện có tình tiết hoặc nhân vật hơi gượng ép, cầu kỳ.

Các nhân vật phụ trong truyện đều mang đậm chất quê, trừ nhân vật chính ra. Không biết nhà văn có bị lậm các tác phẩm kinh điển của Tây phương quá không, nhưng nhân vật chính ở hầu hết các truyện đều không mang dáng dấp một người nhà quê, ngược lại có những suy nghĩ và hành động rất phóng khoáng, lãng mạn, quý phái, như một công chúa tóc vàng hơn là một con bé đen đủi quê mùa.” – Toan Phan (Goodreads)

“Chẳng là ngồi không cũng buồn cần tí sóng gió nên mình tìm sách cô Tư đọc mà ngay quyển sách cái tên đẹp hú hồn mới chết chứ.

Cách viết của cô Tư thì độc phải biết, đậm chất hào sảng của người miền Tây đó giờ rồi, không cần biết tác giả chỉ cần nhìn cách viết cũng biết cuốn sách đó của cô Tư. Nó làm nên điều khác biệt không lẫn vào đâu được nhưng cũng là một phần nhược điểm, như mình là người miền Tây mà nhiều chỗ đọc mình còn thấy khó ấy chứ nói chi những người không thạo lắm với phương ngữ miền Tây. Đọc sách cô là phải tập trung lắm mới không bị lạc tại nhiều chỗ cô viết chuyện này rồi nhảy sang chuyện khác. Quyển này mình thấy đúng với những truyện ngắn hồi xưa, mang nhiều nỗi khắc khoải, lên án tệ nạn, tuy ngắn nhưng phản biện đầy mạnh mẽ.” – Thalia (Goodreads)

Xem thông tin chi tiết sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Cánh đồng bất tận”

“Những tập truyện buồn đến nao lòng

Tạm bỏ qua nỗi buồn của người đàn ông có đứa con tên Cải bỏ nhà ra đi khiến ông phải tất tả mọi nơi đi tìm, và cuối cùng, ông chọn cách ăn trộm trâu của người ta để rồi cố tình bị bắt, được lên tivi chỉ để phát biểu một câu “Cải ơi, ba nè, về đi con!”.

Tạm quên đi nỗi đìu hiu cô quạnh của một Mút Cà Tha, vùng cù lao cô quạnh với người dân xứ bản địa, nơi mà những đứa trẻ lớn lên không chịu tìm về. Là miền xa xôi hẻo lánh, đến mức một bác sĩ trẻ như Văn được mọi người săn đón vì sợ anh sẽ bỏ của chạy lấy người. Thế rồi cũng như bao con người khác, Văn cũng đã rời bỏ vùng xa xôi này để trở về với khói bụi của thành phố.

Và câu chuyện thứ ba “ở miền quê này người ta nhắc tới anh Hết còn nhiều hơn cả nhắc tên chủ tịch tỉnh đi họp” sẽ làm dậy lòng những người trẻ với một mối tình không thể buồn hơn.

“Họ thương nhau từ lúc hai người mới hai ba, hai bốn tuổi. Thời đó, tuổi đó, người ta thương không nhìn gia cảnh, địa vị. Tuổi đó, người ta yêu không ngại ngần, không e dè, rào cản, họ để lòng tự nhiên như dòng chảy của sông.” Chuyện tình của anh Hết với chị Hoài giản dị và đẹp lạ lùng như vậy đấy. Cớ sao có chuyện anh Hết vì mê cờ mà bỏ người yêu đi lấy chồng, để rồi anh phải khóc chỉ vì trên bàn cờ con Tốt phải qua sông, qua sông là không quay đầu lại được nữa đó…

Quá tam ba bận, với văn phong buồn buồn ấy, Nguyễn Ngọc Tư đưa người đọc vào một khung cảnh u sầu của những mảnh đời héo hon với những tình cảm kiềm chế hết sức. Với những ai đang buồn, đọc những cuốn sách như tập truyện ngắn của nữ nhà văn này sẽ cảm thấy yêu đời hơn. Bởi ít ra, dù không thể vơi đi nỗi buồn bằng một nỗi buồn u sầu hơn, nhưng ít ra sự đồng cảm và sẻ chia là điều không thể bàn cãi.” – Reviewsach.net (Google)

“Đúng như tên gọi của nó, tập truyện kể về những cánh đồng bất tận riêng của mỗi người, tập hợp những mảnh đời bất hạnh nhất, xót xa đau đớn nhất. Mỗi người một nỗi đau, một câu chuyện khác nhau. Hình dáng của nỗi đau cũng khác nhau, có người vì tình yêu sông nước mà cả đời lam lũ, có người trót yêu một hòn đảo, một mảnh đất mà cả đời lỡ dở, có khi vì tình cha con, tình yêu đôi lứa, tóm lại, không nhân vật nào trong tác phẩm là không có nỗi khổ riêng. Cả cuốn sách là 14 truyện ngắn tuy khác nhau về nội dung nhưng cùng chung một điểm, đó đều là những câu chuyện viết về những kiếp người bất hạnh đi kiếm tìm cuộc sống và đi tìm kiếm cả tình người. Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư viết khá nhiều về những mối tình, những duyên phận giữa những con người trong mảnh đời này nhưng hầu hết những mối tình đó lại không trọn vẹn. Chẳng phải đổ vỡ, nhưng không hề trọn vẹn. Những cái kết đều hụt hẫng, đôi khi còn tàn nhẫn đến nghẹn lời.

Dường như có biệt tài viết về bi kịch, 14 câu chuyện tương đương với 14 bi kịch khác nhau, nhà văn chẳng còn là người viết nên những câu chuyện mà là kẻ đi gom nhặt những giọt nước mắt của người đời, câu chuyện nào cũng đau đớn. Vừa thể hiện đời sống văn hóa của người dân miền Tây, vừa khắc họa những bất hạnh của họ, những mảnh đời khổ không có cả nơi để mà dựa dẫm, kẻ bị tổn thương lại đi làm tổn thương kẻ yếu hơn mình, như một vòng luẩn quẩn, như một cánh đồng bất tận không có lối thoát.” – Thảo Nguyên (sachhay24h)

“Tôi mua và đọc Cánh đồng bất tận không phải vì quảng cáo, không phải vì hồi đó cuốn sách đang được ca ngợi, cũng không phải vì tác giả lúc đó đang rất “hot”, mà lúc đó tôi mua chỉ vì mỗi lý do duy nhất đó là… tò mò. Tò mò vì biết cuốn sách viết về cuộc sống và con người vùng Nam Bộ, một nơi mà tôi chỉ mới biết được và thấy rất thích thú qua bộ phim và cuốn sách Đất rừng phương Nam. Nhưng mà đấy mới chỉ là không gian của những đứa trẻ Nam Bộ. Còn Cánh đồng bất tận, viết về cuộc sống của những con người không còn trẻ con nữa. Một cuộc sống còn khá xa lạ nhưng mang lại cảm giác háo hức và thú vị đối với một người sinh ra và lớn lên ở một thành phố của miền Bắc như tôi.

Tôi bắt đầu đọc Cánh đồng bất tận với sự háo hức như vậy, thế nhưng càng đọc thì lại càng thấy… hụt hẫng. Hụt hẫng không phải vì tác phẩm không hay mà hụt hẫng vì tác giả viết chân thực quá. Tất cả những tưởng tượng về những cuộc phiêu lưu, dạo chơi, những chuyến đi qua vùng sông nước, những sự vô tư, chịu chơi, vui vẻ của lũ trẻ trong Đất rừng phương Nam hoàn toàn tan biến. Thay vào đó là những con người, những thân phận long đong, bấp bênh, vất vả của vùng sông nước, sự cô đơn và bất lực khi không có ai bảo vệ, những bất ngờ không mong muốn luôn rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào lên cuộc đời họ.

Mỗi câu chuyện trong Cánh đồng bất tận lại chứa đựng một sự xót xa và để lại những ấn tượng và ám ảnh đậm nét sau khi đọc xong. Những câu chuyện sâu sắc nhưng không hề khó hiểu hay trừu tượng. Yếu tố bi-hài đan xen lẫn nhau khiến cho người đọc tức cười (vừa tức lại vừa buồn cười) và đọc xong thì cũng chỉ biết thở dài mà thôi.

Tuy vậy thì điều nổi bật và để lại dư âm trong mỗi câu chuyện đó là tình người, sự lạc quan và sự vươn lên, không bao giờ bỏ cuộc của những người dân Nam Bộ, cho dù cuộc đời có mang lại cho họ nhiều khó khăn, đau khổ đến mức nào đi nữa.

Cánh đồng bất tận thực sự là tác phẩm văn học xuất sắc, có thể nói là để đời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhưng cũng bởi vì nó quá chân thực nên tôi lại không thích. Tôi muốn có nhiều câu chuyện có cái kết “hạnh phúc” và trọn vẹn hơn cho các nhân vật, dẫu biết rằng cuộc sống vốn không phải là như vậy.” – Sachhay.vn (Google)

Xem thông tin chi tiết sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Gáy người thì lạnh”

Giống như những tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư, tập tản văn Gáy Người Thì Lạnh vẫn là những trang viết xoay quanh cuộc sống và con người tại miền Tây sông nước. Nhưng lần này không phải là những chuyện tình buồn, không phải ám ảnh và day dứt cảnh kẻ ở người đi mà là những đổi thay trong nội tâm con người. Đan xen trong những trang viết, ta vẫn thấy thấp thoáng nét đặc trưng trong văn học Nguyễn Ngọc Tư.

Nổi bật lên trong Gáy Người Thì Lạnh là hình ảnh người mẹ, người cha, người ông, người bà khiến ai đọc sách cũng giật mình trông về gia đình của mình. Tình cảm gia đình trong cuốn sách này được tác giả gợi nhiều hơn là tả. Chỉ một vài nét bút, tác giả đã khiến người đọc ngập tràn những hoài niệm về những bóng hình thân thương.

Lá bay ngoài đường rơi bạn mơ màng “bà già tao tầm bốn giờ sáng là xách chổi đi quét lá ngoài sân”. Một người bán quà rong đi ngang qua bạn chép miệng,  “bà già tao ưa bánh phồng nếp nướng”. Ngồi trong quán ngó trời mưa, mà mắt bạn ngậm sương như thể trước mặt thấp thoáng dáng một người phụ nữ đang súc rửa mấy cái lu, đắp đất be quanh nền nhà chống ngập, lấy tấm cao su căng che cho mùng con khỏi dột.”

Sách kể về người cha đi bán kem giữa trưa hè nắng gắt khô cằn sỏi đá. Người cha được ví như cây hoa giấy bung đỏ giữa biển nắng miền Tây, dù cực mấy vẫn gắng chịu để nuôi con đang tuổi đi học.

Sách có người bà sống một mình chỉ mong cháu về. Hay hoài niệm về bóng lưng người ông chèo xuồng, một bóng lưng thân quen nhưng gánh gồng, cô độc.” – Revisach.com (Google)

“Đối với những người từng trải qua cái thời đất nước còn khó khăn, thời mà ai cũng nghèo, người ta sẽ cảm nhận chút gì đó thân thương, quen thuộc qua những câu chuyện được chia sẻ. Còn với những người trẻ sinh vào thời đất nước đang thay hình đổi áo, sẽ nhận được sự trân trọng, chút gì đó khiến họ nhận ra rằng ngay cả khi thiếu thốn về vật chất thì tình người vẫn luôn đong đầy.

Màu quá khứ được Nguyễn Ngọc Tư vẽ qua sự tiếc nuối của một phong cách âm nhạc: chất giọng mộc mạc, đầy cảm xúc trên nền nhạc guitar không bị che lấp bởi bất cứ công nghệ hay kỹ thuật nào, khiến người nghe như vút bay theo giọng hát và hơn hết, đó là thứ âm nhạc “mát rượi” giúp lòng người ta thanh mát. Nguyễn Ngọc Tư sinh vào thời bình, lúc chiến tranh chỉ vừa kết thúc, có niềm vui của người chiến thắng và cả tủi nhục của người thua trận, quá khứ ấy được chị kể lại qua những buổi coi phim tài liệu tập thể, những thước phim xước nhì nhằng và gần như người xem đều thuộc từng cảnh, nhưng vượt lên đó chị lại kể về một cuộc sống khác ngoài những thước phim – một góc cuộc sống của người lính phe “địch”

Đối với những người con miền Tây, những câu chuyện đều mang sự bùi ngùi, thương nhớ. Còn những người sống ở tỉnh thành khác, miễn là người Việt Nam, có lẽ họ cũng sẽ thấy cả quê hương mình trong này nữa. Không chỉ con người, mà cảnh sắc thiên nhiên là thứ mà khi đi xa người ta không khỏi nhớ nhung da diết.

Tháng Chạp, tháng của mùa gặt, khi mà kết quả gieo trồng một năm được người dân vùng quê phơi ra trước sân nhà, từng chi tiết được khắc họa như mang người đọc đến với chính vùng đất quê hương tác giả, cảm giác được gió chướng, cả mùi và vị của chuối ép, của củ kiệu, dưa hành và qua đó, hình ảnh cái Tết quê hương mỗi người cứ tự nhiên ùa vào tâm trí.

Sự tiếc nuối của một thế hệ, khi thấy cái “bao la”, “mênh mang” của quê hương dần biến đâu mất, khi họ không thể miêu tả cái rộng lớn của thiên nhiên cho con cái vì chân trời của chúng giờ là những tòa nhà cao tầng, những công trình dang dở và do đó từ ngữ dần trở nên trơ trụi.

Chuyến viếng thăm một người bạn, một nhà văn. Con người ấy, ngày xưa là tâm điểm của mọi cuộc hò hẹn, rồi bỗng một ngày “chủ nhân của những huyền thoại đang uống rượu một mình.”

Trong cuộc sống, ý tưởng của ta có khi sẽ không tìm được người cùng chia sẻ. Sự cô độc len lỏi tìm đến nhưng “ tới nhà chơi bỗng thấy may là bạn có sách ở bên..”. Sách như một người bạn, một cánh cửa thần kì dẫn ta đến nơi mà ta thuộc về.” – Reviewsach.net (Google)

“Quá khứ là kỷ niệm ấm áp, còn tương lai là những khát khao. Giữa hai miền thời gian đó, những chuyến dong ruổi, dù ngắn, qua ngóc ngách của làng quê hiện tại, đã giúp nhà văn viết nên những chi tiết hiện thực gây nhói buốt. “Gáy người thì lạnh” giống như những lời trần tình (hay tự vấn) của tác giả, đồng thời cũng là chia sẻ đến những ai mong được kết nối với tự nhiên, thèm được thở “những thứ khí trời bên ngoài cánh cửa”. – Minh an (Tiki)

Xem thông tin chi tiết sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Đảo”

“Đọc Đảo của Nguyễn Ngọc Tư giống như ngồi trên một chiếc ca nô hỏng, lúc lao vút, lúc lại ì ạch men theo những luồng lạch của lòng người để chạm đến sâu thẳm tâm hồn.

16 truyện ngắn là thế giới của những nhân vật bị bỏ rơi, mất mát, cay đắng bẽ bàng luôn mưu cầu hạnh phúc đơn sơ, trần tục nhưng không đạt được. Chúng đan cài vào nhau như một mạng nhện rối rắm, những phận người bị mắc kẹt giữa những sợi tơ ảo ảnh không thể vùng thoát ra được.

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ngọc Tư chọn cái tên “gọn lỏn” – Đảo – một dấu chấm nhỏ tròn vo, quây tròn của sự cô đơn. Vì thế, những trang sách cũng nhiều gió lạnh, mưa, những mái nhà dột… Dù ngọn lửa thiêu rụi nhà Tam, Nhàn trong truyện Tro tàn rực rỡ thì đó vẫn chỉ là sự hoang lạnh của những muội than đen xì, xác xơ.

Trong truyện ngắn cùng tên tập sách, chị vẽ ra một hòn Trống tứ bề gió thổi; ở đó chỉ có một gã đàn ông mù tên Sáng sống tạm bợ. Không có đôi mắt nhưng ông cảm nhận tinh tường những giông gió, nắng trời. Anh làm việc dự báo mà “người ta tin ông cũng như tin đằng sau cái vẻ dịu dàng của trời biển là sự hung hiểm khó lường”.

Nguyễn Ngọc Tư không giải thích vì sao Sáng bỏ ra đảo sống một mình nhưng phần nào anh tìm thấy an yên. Cuộc đời dĩ ngẫu, không ai lường trước được những khúc quanh và biến cố. Quà xuất hiện, ranh mãnh dọa về giọt máu của gã với cô là con Xoài, hay thằng Xoài nào đó có thể ra đời làm mất đi sự tĩnh tại trong Sáng – hay khơi dậy những bão tố vốn không bao giờ yên trong con người anh?!

Sợ hãi việc bị lãng quên dường như trở thành một mặc cảm của Nguyễn Ngọc Tư nên nó rình rập, ẩn hiện trong nhiều truyện ngắn của chị. Đảo không là ngoại lệ. Đó là ước mong của: “Tôi kêu trong câm lặng, Hảo ơi nhìn tôi đi, tìm kiếm tôi đi” (Biến mất ở thư viện). Hay “Nhàn đã không chạy ra khỏi đống lửa như mọi khi, anh à! không biết chị thấy mệt rồi hay nghĩ chỉ ở giữa đám cháy Tam mới nhìn thấy chị”. – Zingnew.vn (Google)

“Đảo là tập truyện ngắn bao gồm 17 truyện không thể ngắn hơn. Mỗi câu chuyện dài không tới 2000 chữ đã kể lại một cách thần tình đời sống tinh thần của những con người sống trong cảnh quê buồn tẻ.

Đó là một chàng trai si tình mang trong mình mong muốn được Hảo nhìn thấy, ấy vậy rồi cũng biến mất trong vô vọng như kẻ bạc tình mà Hảo luôn mong chờ.

Đó là một người anh không được các em coi trọng chỉ vì câu nói của người cha đã khuất. “Mày không phải là con tao” đã khiến anh day dứt và điên cuồng mong mỏi anh em đoàn kết, cùng nhau ngồi ăn một bữa cơm.

Đó là người mẹ mải mê theo đuổi những đường chỉ tay rồi để quên đứa con ở chợ. Sau này, bàn tay ấy đã tìm về với bà nhưng đứa con thì ở tận một nơi xa.

Đó là người vợ bất hạnh, suốt đời chỉ xây nhà cho chồng đốt nhưng đến cuối cùng lại chọn đốt thân mình trong đám tro tàn. Tất cả, chỉ để mong, được chồng chú ý tới.

Tại sao tập truyện ngắn này lại mang tên Đảo? Đảo mang đến hình dung về một chấm tròn lạc lõng và cô tịch giữa dòng nước chảy xiết. Không ai quan tâm, không ai nhìn đến, Đảo là những con người cô độc, sống lay lắt trong thế giới nội tâm của riêng mình và luôn khát khao được những người xung quanh một lần để mắt tới.” – Revisach.com (Google)

“Nếu bạn muốn thấy những cái hay đó thì tôi sẽ phân tích nội dung của Đảo. Ví dụ trong một mẩu truyện mà tôi đọc được trong Đảo viết về một người bố bắt gặp con gái mình đang vận những bộ đồ làm mất đi cái nét đẹp trong sáng của cô, cô đang làm một công việc trong “nhà hàng nhỏ”. Hiển nhiên với tư cách một người bố thì có ai lại không bực và cảm thấy mất mặt? “Mặt” là từ mà tôi muốn nhấn mạnh. Nguyễn Ngọc Tư đã viết rất hay như thế này, đại khái là: Ông nói xem phải đi chỗ nào để kiếm mặt? “Mặt” của bố cô đã mất từ lâu rồi. Mặt của bố đã mất khi cô biết bố ngoại tình. Cô đã không nhìn thấy mặt và cũng không muốn thấy mặt bố nữa. Cô đâu còn sợ bố mất mặt, cô chỉ muốn bố để ý tới mẹ, cô hư hỏng thế này, mệt mỏi thế này, cô đơn như một hòn đảo còn người để ý. Cô cần một gia đình hạnh phúc. Nhưng bố đã tự làm mất “mặt” của mình từ ngày hôm đó.

Hay trong mẩu truyện “Bâng quơ khói nắng”, có một người con trai lớn bị đơn độc như một hòn “Đảo” trong chính gia đình của mình. Anh đơn độc và bị người thân từ chối chỉ vì câu nói trăn trối của cùng của bố “Mày không phải con tao”. Và bố mất, anh vẫn tự gạt mình rằng những lời nói đó chỉ là sự giận dỗi của bố mà thôi, anh không tin các em của anh lại vì lời nói đó mà không muốn có quan hệ, gắn kết với người anh này nữa. Anh bị những lời đồn thổi là cho cô đơn lạc lõng: Thứ lưỡi gì bén bằng lưỡi người đâu con. Và cả đời anh, từ nhỏ đến lớn anh chỉ mong nhận được tình yêu thương của họ mà thôi. Một hòn đảo đứng im giữa dòng.” – Thế Hồng (Reader.com.vn)

Xem thông tin chi tiết sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Yêu người ngóng núi”

Tản văn Nguyễn Ngọc Tư, gồm những câu chuyện “rất tình” về Đất, về Người. Từ những chi tiết nhỏ như… cục kẹo nhưng tính nhân văn tràn đầy, đến những vấn đề sống còn của người nông dân, được đề cập một cách chân thành và ý nhị. Yêu người ngóng núi lôi cuốn bởi chất phóng khoáng trữ tình Nam Bộ, cái duyên dáng tài năng thường thấy trong văn Nguyễn Ngọc Tư.

“Quyển này là quyển hiếm hoi bạn mua mà không cần đọc review , cũng chả lật qua lật lại săm soi nghiêng ngó. Chỉ là bất chợt nhìn thấy và “bứng” nó đi luôn. NXB Trẻ và Nguyễn Ngọc Tư, hai cái tên đủ để tạo 1 nền tảng an tâm nhất định, với bạn vậy là đủ.
NNT thì buồn rồi, lúc nào cũng vậy, không khác được. Chính chị cũng bảo “cái buồn” là nước lũ quẩn quanh thắt lưng chị, lâu lâu nước dâng lên tới cổ, chị vẫy vùng ngụp lặn mãi thành quen, bây giờ có thể sống với nó, thậm chí nổi trên mình nó mà không phải nỗ lực gì. Đọc mà xót xa… Nhưng cái buồn ấy khiến bạn luôn có niềm tin với Tư, đọc chị chắc chắn không phải bỏ giữa chừng. Chị viết chắc lắm. Hoặc cũng có thể chị quá nặng lòng, quá quẩn quanh, quyển nào cũng vậy. Đọc như soi mình trong đó thôi.
Gần 200 trang, ấn tượng nhất vẫn là 2 mẩu chuyện nhỏ. “Yêu người ngóng núi” thì chọt vào đúng chỗ bạn nhột. Đọc xong thấy thương SG hơn. Thương rồi lại thấy có lỗi, SG ấy mà, để thương để thích thì được, mãi mãi không yêu được. Bởi thứ tình cảm ấy đã đánh rơi ở quê nhà từ lâu. Còn “Mua vài đồng nhớ” thấy lòng như mớ hỗn độn. Giữa ánh chiều héo hon cứ thấy tình người lấp lánh, ấy vậy mà trong cái hạnh phúc giản dị lại thấy đời sao quá éo le.
Ôi… Đọc NNT biết trước là sẽ vậy mà sao vẫn lao vào. Vào rồi thì bị chị kéo đi luôn, không quẫy ra được. Thôi… lần sau Tư mà viết tản văn, nhất định không mua nữa.” – Huyền Nguyễn (Goodreads)

“Dù đã đọc tới thuộc từng cách dùng từ của chị trong Cánh đồng bất tận, phải rất nhiều năm tôi mới lại đọc tác phẩm tiếp theo của chị.

Không còn hẳn hòi là người con gái hai mấy xuân xanh, đau đáu những nỗi đau quê hương sông nước. Chị Tư giờ vẫn buồn, nhưng là nỗi buồn của người phụ nữ, người mẹ, người nghe, người đọc, người hiểu những chuyện buồn của xã hội, của đất nước.
Vẫn là những câu chuyện không dài, vẫn có vườn cây ao cá con kênh, nhưng thời sự hơn. Và không hề kém day dứt. Đọc xong, chợt nhớ miền Tây, nhớ những cơn gió chướng đập cửa căn phòng, nhớ nồi vịt kho gừng, nhớ bánh khoai mì nóng dẻo sực nức ngày mưa.” – Quy An (Goodreads)
“Những câu chuyện nhỏ mang những ý nghĩa lớn. Những bài học, những gì tưởng chừng đơn giản, những gì như đã quên, … buộc tâm phải tự dừng lại một chút để suy ngẫm, và buồn, và nghĩ “mình sẽ làm được gì đây” …
“Lúc cuộc sống khắc nghiệt buộc người đi chênh vênh làn ranh tử tế và không tử tế, họ bước chệch choạc cũng là chuyện tự nhiên. Có ở dưới ao mới biết không cách nào không ướt áo.”” – Kim (Goodreads)
Xem thông tin chi tiết sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Ngọn đèn không tắt”

Ngọn đèn không tắt là bức tranh sinh động về thanh niên hôm nay trên mọi mặt đời sống; là tập truyện ngắn vừa hấp dẫn vừa thuyết phục. Với giọng văn mộc mạc bình dị, với ngôn ngữ đời thường đã tạo nên một không khí rất tự nhiên về màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối cùng tổ quốc. Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ giản dị, bộc trực ấy chứa bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế qua cách đối nhân xử thế.

“Cuốn sách này ngắn lắm, chỉ vỏn vẹn 6 truyện siêu ngắn vừa vặn hơn 50 trang và 6 hình minh họa thôi hà. Nhưng lại đoạt giải Nhất Văn học tuổi 20 lần II đấy nhé.

Với những bạn đã quen mặt với Cánh Đồng Bất Tận, thì những mẩu chuyện này cũng không có gì quá đặc sắc hay bất ngờ. Nhưng đây là tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của chị, người ta hay bảo người viết thường trần trụi nhất trong tác phẩm đầu tay của mình, nơi họ bộc lộ tất cả con người thật của họ, và ta cũng dễ dàng thấy hình ảnh của chị Tư vấn vương lên các nhân vật phóng viên của mình trong truyện.

Mình không đặc biệt thích cuốn này lắm, chỉ là ủng hộ cho cuốn đầu tay vụng trộm mà chị mang đi thi. Nhưng có lẻ các cuốn sau, mình sẽ bắt đầu khó tính hơn đấy, chung số phận với chú Ánh luôn.” – Thảo Điên (Goodreads)

“Những câu chuyện của chị Tư thường không đề cập đến các vấn đề đao to búa lớn hay đau đớn vật vã. Nó chỉ đơn giản là những mảnh đời, tâm tư, cảm xúc trong đời sống thường ngày của con người được chị diễn tả qua những câu chữ rất đỗi nhẹ nhàng, trìu mến, nâng niu. Không mang tính giáo huấn, dạy dỗ nhưng những cái kết mở luôn khiến người đọc phải trăn trở, nghĩ suy.” – Mai Anh Nguyen (Goodreads)

“Trong tình cảm thì người nặng lòng lúc nào cũng nhướng nhịn chịu thiệt. Người ngoài mấy ai hiểu, mà có hiểu cũng không thể giải thích được sao nó khờ vậy. “Tự dưng tôi thèm được yêu thương ai đó để chia sẽ dìu dắt nhau đi trên con đường đời ngổn ngang mà vì một nỗi đam mê nào đó tôi đã đánh mất rất nhiều”.” – Trịnh Cường (Goodreads)

“Không phải là văn, không phải là truyện mà là tiếng thở dài thấm đẫm buồn thương.

Mình vốn không hợp văn cô Tư nhưng tập truyện ngắn này thì khác. Đọc xong thấy cái gì đó thổn thức, đứt đoạn lắm.

Tiếc là chưa đủ thôi!” – Long Trịnh (Goodreads)

Xem thông tin chi tiết sách ở Tiki hoặc Shopee

Đoàn Lan Anh

341001094_241499201737222_6975183209450634611_n

Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN

“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…

121995237_10222652364914530_3728241313764895972_n

Review David và cây vĩ cầm biết nói

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách đẹp tới tột cùng, một vẻ đẹp hồn hậu, trong veo và thanh khiết nhất. Chắc chắn David…

129862145_2714551872207772_678045430805396291_n

Review JOE SỐ DÁCH

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách để truyền cảm hứng sống: chân thành, chăm chỉ, tự do…mình tin chắc JOE SỐ DÁCH sẽ phù…