Huyền ảo và hiện thực trong kiệt tác “Nghệ nhân và Margarita” của Bulgakov
Mikhail Bulgakov là một trong những nhà văn tài năng và độc đáo nhất của văn học Nga thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với…
Nguyễn Văn Thạc (14/10/1952 – 30/7/1972), quê Hà Nội, là liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Anh là học sinh giỏi toàn diện suốt 10 năm học phổ thông, đã từng đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc năm 1969 – 1970. Giữa năm 1971, Quân đội Nhân dân Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho những cuộc tổng tấn công trong năm 1972 tại các chiến trường Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị. Ngày 6 tháng 9 năm 1971, cùng với 21 sinh viên của K15 Toán – Cơ (Đại học Tổng hợp) và nhiều sinh viên khác, anh gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hai tháng sau, ngày 30 tháng 7 năm 1972 anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.
Báo chí nói về Nguyễn Văn Thạc
“Ta đọc hôm nay cũng không là sớm
Sách xuất bản được mười ba năm rồi
Ta đọc hôm nay cũng không là muộn
Anh Thạc vẫn ở mãi tuổi hai mươi…
(Chế thơ Phạm Tiến Duật)
Đọc thư anh trong quyển “Những lá thư thời chiến Việt Nam” mới khiến tôi lần đầu có động lực muốn đọc cuốn nhật ký này. Cái thời nhà nhà mua “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, người người đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, tôi chẳng muốn chạy theo phong trào, né như né mìn. Ngẫm lại thì lúc đấy cũng chả đủ tuổi để hiểu. Giờ thì hay rồi, một phần dở hơi trong tôi ghen tị với cái tuổi hai mươi hoành tráng ấy, có tự hào, có thất vọng, có quyết tâm, có dao động, lại có yêu, có nhớ, có buồn. Các cung bậc cảm xúc đan lồng như mấy cái đồ thị parabol chồng chéo, sao mà tôi ngưỡng mộ vậy? Hóa ra tôi cũng muốn có một hình bóng “Như Anh” để nhung nhớ, để hoài niệm, để tự hứa với bản thân sẽ không viết về người ấy nữa cho nhật ký đỡ bị lặp nội dung, thế rồi mấy trang sau cái tên ấy lại xuất hiện như thường. Và hóa ra tôi cũng muốn được làm “Như Anh” của một người nào đó nữa.”
Giang Nguyen – Goodreads
“Đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi” khi mình cũng đang trong cái tuổi này, thật sự rất đồng cảm với tác giả và có thể tìm trong những dòng nhật ký này rất nhiều suy nghĩ của chính mình, về tình yêu, về bạn bè, về quê hương, đất nước,… Và có một điều, đọc MMTHM rồi mới thấy cuộc sống hòa bình này, quê hương mình này mới đẹp làm sao; và cũng nhắc lại sự biết ơn đối với bao người đã hi sinh cho đất nước…
“Em đừng cười anh vì bộ quân phục rộng thùng thình. Mẹ ta nghèo, rau cháo nuôi ta, đau khổ bốn nghìn năm, chắt chiu từng hạt gạo nuôi ta. Để bây giờ ta lớn. Phải lớn lên, phải to ra cho kịp tầm cao của lịch sử. Cánh tay này sẽ bóp nghẹt cổ quân thù.”
“Phải đấy, rừng không nên thơ như ta tưởng. Và để ngày mai tuyệt diệu ấy, hôm nay, có bao người cầm súng, có bao người gửi gắm vào thiên nhiên xanh tươi, vào cánh rừng gai góc âm u tất cả thời thanh xuân của mình. Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ, mà cuộc sống của họ đã xa xôi… ”
“Tôi lo lắng chút gì về bản thân, lo nhiều vì tôi chưa làm việc gì ra hồn, lo nhiều vì thời gian trôi đi nhanh và mất hút sau lỗ rách của chiếc lều – Tôi lo vì sự đói rét của gia đình, vì sự bất an của bố mẹ tôi – tôi lo tất cả, vì từng người trong gia đình. Những người thân thích của tôi không yên ổn sống trong cuộc đời này… Thế mà những sợi tóc tưởng chừng như vô tư lự ấy, cả nó nữa cũng đem đến cho trái tim tôi một vết thương. Hôm nay mới 20 tuổi đầu đã trắng xóa cả mái tóc lẽ ra còn xanh – Vài năm nữa – Rồi sẽ ra sao?”
“Đất nước, có bao giờ như lúc này, lúc mà mỗi gia đình là một gia đình quân nhân = Lúc mà mỗi thanh niên đã trở thành một chiến sĩ.”
Và cuối cùng, mình rất tò mò với cô gái Như Anh :))”
Ngoc Pham – Goodreads
“Đọc quyển này ở tuổi 18, có những ước muốn đã trỗi dậy, có chút sóng đã bùng lên, nhưng lại có chút tĩnh trong đáy tâm hồn.
Về mặt văn chương, đây chẳng phải là tác phẩm xuất sắc, chỉ là nó để lại trong lòng người đọc, nhiều cảm xúc.
Có lẽ, vậy là đủ rồi!”
Phương Phương – Goodreads
““Mãi mãi tuổi hai mươi” thực sự xứng đáng đứng trong hàng ngũ những tác phẩm văn học xuất sắc của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đọc tác phẩm bản thân tôi – một chiến sĩ cách mạng, một Bác sĩ Quân y tương lai nói riêng và thế hệ thanh niên Việt nam nói chung không tránh khỏi những phút giây xúc động tới nghẹn ngào, những suy nghĩ đau nhói tiếc thay cho một cuộc đời, một tài năng văn học của nước nhà chưa thể nở rộ nhưng những trang nhật ký mà anh viết là bức tranh chân thực nhất, giản dị nhất với những đoạn mà được viết bằng tài năng bằng những câu chữ đậm tính nghệ thuật.
Tác phẩm là nhật ký suốt chặng đường hành quân của tác giả, là “Chuyện đời” mà chẳng có chuyện gì. Một mớ tùm hum, xám xịt như gian bếp bỏ hoang” Đó là câu chuyện mà người thanh niên từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc, là sinh viên khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp phải gác lại những ước mơ của đời mình, để nhập ngũ, để trải nghiệm cuộc sống thời chiến, để ra trận, cống hiến và hy sinh. Đọc tác phẩm tôi thật ngưỡng một tình yêu mà Nguyễn Văn Thạc dành cho Như Anh, tình yêu ấy tuy có đôi lúc làm anh yếu lòng, yếu tới mức ủy mị, có những lúc níu kéo anh vào một vòng luẩn quẩn của cảm xúc, giữa việc giữ hạnh phúc cho riêng mình hay hy sinh không níu kéo để đem lại hạnh phúc cho người mình thương, nhưng toát lên qua cuốn Nhật ký là một tình yêu trong sáng, thủy chung, là nguồn sức mạnh để anh sống, cống hiến và chiến đấu bên cạnh khát vọng và lý tưởng của tuổi trẻ một thời “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Một thanh niên mà khi hi sinh mới chỉ gần trọn 20 tuổi nhưng đã trải nghiệm, đã vượt qua mọi suy nghĩ đời thường, vượt qua nhưng ham muốn của bản thân để nhận ra khát vọng tuổi trẻ, khao khát thu lượm nhiều kiến thức thực tế để viết nên những tác phẩm xuất sắc phản ánh cuộc kháng chiến gian khổ, mất mát đau thương nhưng cũng đầy vĩ đại và tự hào như những nhà văn, nhà thơ đương thời. Ngay từ khi đoạt giải Nhất văn miền Bắc năm 1969-1970, bài thi của anh đã cho tôi thấy được cái nhìn nhạy bén, tinh tế và chỉ có khát vọng viết thơ viết văn công hiến cho đời, cho dân tộc mãnh liệt mới giúp anh tạo ra một tác phẩm như vậy.
Hoàn thành việc đọc tác phẩm, ở lứa tuổi 23, trên vai trò là một người linh tôi tự thấy bản thân mình còn kém cỏi, còn những ham muốn thành tích đời thường, còn giữ và nuôi những suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ và đặc biệt là chưa sống đúng với sự kỳ vọng mà anh và lớp lớp thanh niên cùng thế hệ cha ông mong muốn, đó là sống cho xứng là Chủ nhân tương lai của đất nước, cho xứng là Bộ đội Cụ Hồ. Những nét bút cuối cùng của người chiến sĩ ấy đã để lại trong lòng tôi, trong lòng thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay những suy nghĩ, trăn trở về lý tưởng và thái độ sống, về trách nhiệm với non sông đất nước, với dân tộc, đó cũng là sự kỳ vọng ước mong cao đẹp của anh Thạc:
“ Ừ, nếu tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này”
Điều tôi thật sự nuối tiếc nhất, là dân tộc mất đi một cây bút đang độ nở hoa, mất đi một người chiến sĩ với tình yêu cháy bỏng, và bản thân tôi thực sự nuổi tiếc khi không tìm và đọc tác phẩm sớm hơn. Xúc động và nghẹn ngào, cũng là trách nhiệm lớn lao với dân tộc: “ Tự do, hòa bình không phải dễ. Có được bây giờ, Cố gắng mà giữ ”.”
Hải Phong – Goodreads
“Nếu đã đọc “Tây Tiến” của Quang Dũng thì không thể bỏ qua “Mãi mãi tuổi hai mươi” – cuốn sách là những dòng nhật kí được Nguyễn Văn Thạc, người lính trẻ ghi lại những cảm thức của mình trên chặng đường hành quân. Và khi anh mất gia đình đã tìm lại được và gửi nhà xuất bản. Thế nên mình có trên tay cuốn sách. Tuy ngắn gọn và chỉ là những dòng rời rạc, ngắn ngủi nhưng chứa đựng vô vàn tâm tư người lính.
Sống quá lâu ở chốn thành thị đông vui tấp nập. Mình chắc sẽ bỡ ngỡ và lạ lẫm lắm về những miền quê non nước hữu tình. Cái mà bọn trẻ đô thành chúng mình thiếu thốn là cái hương thơm của làng quê. Cái vẻ đẹp mà mang đậm chất một vùng đất chân chất, thật thà. Bởi thế, nên mình rất quý những bức ảnh thiên nhiên phóng lại từ xa, quý những thước phim mà người ta cho mình chu du khắp miền đất nước mà thêm vào đó là lời người lớn kể về miền đất họ từng sinh sống mà vì kế sinh nhai phải buông bỏ nó. Thế nên, trong Mãi mãi tuổi hai mươi, mình càng quý hơn những nét đẹp, cảnh sắc mà được Thạc tái hiện sinh động và chân thực: ” Ta đã bao lần đi bên sông Tô Lịch, trước kia ta khó chịu vì mùi oi nồng… Ta đã mấy lần hành quân bên sông Tô Lịch, ta yêu sông bì bọt tăm sủi, vì màu xanh non, tươi trẻ có công vun đắp của dòng sông. Có phải lòng sông đã quên mình nhơ bẩn, đã chịu lòng mình mang mùi vị ấy để đem cho đời những cọng rau muống tươi kỳ lạ, để đem màu hồng tươi cho thành phố. Sông Tô ơi, mai trở về, ta khơi lại dòng sông, cho tuổi thơ vẫy vùng, cho con thuyền anh chở em đi, đi vòng quanh thành phố…” Vì là người lính gặp gỡ với nhiều người, hành quân qua nhiều nơi, chịu bao nhiêu gian khổ mà người từng đoạt giải nhất Văn toàn miền Bắc như anh mới bộc bạch lên những dòng tâm trạng rất thực, rất nên thơ, thấm đậm tình yêu như thế.
Nỗi mong chờ, trầm tư, khắc khoải được Thạc tạc lại qua những lay động của con chữ của anh. Không hiểu sao nhưng mình cảm thấy ta học hỏi được nhiều từ Thạc.
Học được cách nhìn sự vật thiên nhiên dưới con mắt của anh.
Học được sự hy sinh, niềm lạc quan và những tâm tư thầm kín mà anh gửi gắm cho người thương.
Đọc câu chuyện của Thạc mình lại thích nhiều hơn cái cách anh nói về cuộc sống quanh mình và về anh. Nó chân thực, dung dị mà mang cái nét riêng biệt cho dù nó là vài dòng tâm tư đã nhạt nhòa trong nhật kí của anh. Anh từng viết rất chân thành, yêu thương và thân tình rằng: “Em đừng cười anh vì bộ quân phục thùng thình. Mẹ ta nghèo, rau cháo nuôi ta, đau khổ bốn nghìn năm, chắt chiu từng hạt gạo nuôi ta. Để bây giờ ta lớn. Phải lớn lên, phải to ra cho kịp tầm cao của lịch sử. Cánh tay này, sẽ nóp nghẹn cổ quân thù.” Bởi thế, ta càng hiểu được trong anh có nhiều cuộc tình lắm. Cuộc tình với người anh yêu. Cuộc tình với dân tộc. Cuộc tình với non nước. Và cuộc tình của anh với cuộc sống tươi đẹp. Bấy nhiêu câu chữ ấy mà nói lên được cái thiết tha của Thạc.
“Mãi mãi tuổi hai mươi” cho ta hình thù rõ nét về tâm tư người lính, khát vọng, luyến tiếc cũng như nỗi căm phẫn với kẻ thù. Cùng với đó luôn là những khung cảnh trải dài xuyên suốt con đường chiến đấu của anh bộ đội. Thế nên, không khó để lí giải được rằng càng đọc mình càng muốn đọc thật chậm để nhìn rõ được sự xám xịt của cuộc chiến ấy, cái xanh tươi của đất mẹ, cái hồng hào của máu và con tim người lính. Vì lỡ mà đọc vội vã sẽ lược đi một khắc nào đó trên tiếng lòng thầm kín của anh. Có lẽ vì là tâm tư qua từng trang mà Thạc kí nên nó lay động mình ghê gớm. Thầm cảm kích vì chỉ với hai năm tham gia kháng chiến nhưng những miền cảm xúc anh mà anh tái hiện được và những khung cảnh một miền đất Việt Nam những năm 1971 – 1972 đã đưa mình đi chu du qua nhiều chốn đẹp.
Mãi mãi tuổi hai mươi khiến ta càng thấm thía thêm sâu sắc ý tứ trong Tây tiến của Quang Dũng. Những gian khó trải qua, phải đánh đổi những cuộc sống và tương lai để phục vụ Tổ quốc. Cảm ơn tác giả. Cảm ơn anh vì duy gắn bó với đời vỏn vẹn 20 năm nhưng anh lại chắp bút và viết lên những dòng đầy ý nghĩa.”
Nguyễn Thị Minh Hà – Goodreads
“Cuốn nhật ký của anh Thạc là minh chứng tiêu biểu cho sự kết hợp nhuần nhị giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đọc sách mà cảm tưởng tâm hồn anh là một dòng sông quảng đại và trong trẻo, soi bóng mọi nhân tình thế thái nhưng vẫn không quên đong đưa một vài bông hoa tình tự, và gợn lên những nếp sóng đầy tính triết lí, suy tư, trăn trở về cuộc đời. Một trái tim vô cùng nhạy cảm, bị quăng vào khói lửa chiến tranh ngay trong quãng đời sung sức nhất của nó, nhưng không hề bị cháy sạm đi mà thậm chí còn toả sáng rực rỡ. Những dòng nhật ký anh viết có đôi chỗ mình tìm được mối đồng điệu, niềm giao cảm; có đôi chỗ mình ngưỡng vọng trước cách nhìn đời quá đỗi tinh tế và chân thành; có đôi chỗ mình ngạc nhiên, thắc mắc trước sự phức tạp của lòng anh… Anh viết ra chỉ để thoả tự lòng mình, anh nào ngờ những dòng chữ đó lại có sức ám ảnh đến mai sau, đó cũng là ước nguyện thầm kín của anh đúng không?
Nhìn vào bức ảnh của anh ở đầu trang sách, mình không khỏi bồi hồi…”
My – Goodreads
“Đây là những con chữ trên trang giấy. Đây cũng đã từng là những con chữ trên trang nhật kí cùng máu và nước mắt.Nếu ở đầu cuốn sách, từng trang viết vẫn bay bổng của một cậu sinh viên. Thì đến giữa cuốn sách, một năm sau ngày nhập ngũ, sự trưởng thành thấm đẫm qua từng câu chữ và những trải nghiệm, những đấu tranh với chính bản thân mình của Thạc. Càng về cuối cuốn sách, tôi càng lăn tăn mình có nên tiếp tục đọc không vì biết trước kết cục đau lòng. Sự trưởng thành lên thấy rõ của Thạc làm lòng tôi vừa mừng vừa đau. Tuổi 19-20 cái tuổi đáng ra vẫn non nớt ngồi trên ghế nhà trường mà đùa mà nghịch. Vì hoàn cảnh chiến tranh đất nước, hàng lớp người lớp người đã trưởng thành hẳn lên để mà đương đầu với khó khăn, đương đầu với sự khốc liệt. Những điều tôi được hưởng bây giờ đánh đổi bằng sự ngã xuống của ông cha ta. Biết ơn và đau đáu.”
Phạm Thảo Chi – Goodreads
“Nguyễn Văn Thạc đã đặt bút viết lên những dòng thật xúc động: “Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ mà cuộc sống của họ đã xa xôi (…) Chớ quên rằng, để đêm trăng có những ngôi sao tình tự, để con người tự do mơ ước vươn tới đỉnh cao xa, có những trái tim đầy khát vọng phải xếp vào ba lô những ước mơ hiền dịu nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất. Mà đánh giặc”, gợi trong mình ý thơ của Thanh Thảo về những thế hệ mãi mãi tuổi hai mươi:
“Chúng tôi ra đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
Và giờ đây, chiến tranh đã lùi xa hơn hàng chục năm, nhưng, không ai có thể lãng quên đi một thời quá khứ huy hoàng đầy ‘máu và hoa’, và những con người, những thế hệ đã ra đi vì lí tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!”
Essie – Goodreads
““Mãi mãi tuổi hai mươi” là những trang nhật ký của chàng trai trẻ, một “cậu bé” vừa rời khỏi giảng đường đại học trong tiếc nuối để bước vào chiến trường.
Những ngày bước chân vào đời lính có thể nói là chuỗi ngày đầy suy tư trăn trở của Nguyễn Văn Thạc. Nỗi niềm về con đường học dang dở, nỗi nhớ nhung da diết về mối tình đầu đời đẹp như mơ với cô gái Hà Nội Như Anh, người con gái đã sang tận nước Nga xa xôi để du học.
Những ngày đầu làm quen với gian khổ, với vác nặng, với hành quân xa qua con đường lầy lội, nắng cháy trên đầu. Những ngày đầu làm quen với môi trường sống tập thể, mỗi người một tính, phải cố gắng mà hòa nhập với nhau, với dân, cùng nhau dựng lán, cùng nhau chung sống.
Với Thạc, xuất thân từ một gia đình “không cơ bản”, còn là những tháng ngày chán nản vì biết bản thân khó mà được kết nạp Đảng. Là một chàng trai nhiều lý tưởng và mơ ước, anh phải cố vực dậy mình trong những ngày luyện tập đằng đẵng, chờ mong được tiến vào chiến trường, được trực tiếp chiến đấu.
Thế nhưng, nổi trội nhất, xuyên suốt những trang nhật ký là tình cảm trong sáng của chàng trai trẻ, cách nhìn cuộc sống lúc nào cũng như thơ. Đất nước mình dài rộng thế, nơi nào cũng khiến người ta thành thi sĩ được. Tôi như bị cuốn theo tiếng chim ca trong khu rừng vắng, ngửi được mùi thơm của rơm mới trên con đường hành quân, và đang đứng cùng Thạc trên ngọn “đồi chuồn chuồn đỏ” trong chiều đầy gió, khi hoàng hôn buông. Tôi thấy cả mưa lạnh thấm trên da thịt, co ro trong chiếc lán rách tả tơi giữa đêm mưa gió.
Đấy, đời lính đấy, đời của những con người sống cho lý tưởng, cho hàng bao thế hệ khác tiếp bước đi lên.
“Mãi mãi tuổi hai mươi” không phải là một quyển sách tuyên truyền hay cổ động, nó không hô hào bạn phải nhập ngũ, phải tham gia nghĩa vụ quân sự, phải trung thành với Đảng và nhà nước, đó, chỉ đơn giản là suy nghĩ của một chàng trai, đã mãi mãi nằm lại ở tuổi hai mươi!
Lý tưởng của anh vẫn mãi xanh, và tên tuổi anh muôn đời vẫn trẻ. Chỉ có vậy thôi…”
AnnieLe – Goodreads
“Không thể đòi hỏi ở Anh những áng văn lai láng như là một nhà văn lớn phải có, nhưng cuốn nhật ký này lại có điều mà hầu hết các tác phẩm khác đều không có: Sự chân thật.
Mình cũng giống như Thạc, cũng từng nghĩ: Vì sao mình lại vô dụng đến như vậy? Không tài năng, không cố gắng, rốt cuộc mình tồn tại trên cuộc đời này để làm gì???
Cực khổ đến đâu rồi cũng có thể chịu đựng được bởi sức mạnh chân tay có thể thiếu, nhưng sức mạnh tinh thần thì vô bờ; mà cái sức mạnh tinh thần ấy lại chỉ có thể xuất hiện khi có một người ở bên cạnh, một niềm tin ở bên cạnh giúp ta chống đỡ cả thế giới. Chỉ tiếc rằng đến bây giờ mình vẫn chưa tìm thấy niềm tin ấy cho riêng mình, và cũng chưa tìm thấy người cần niềm tin ấy ở mình…”
Liên Phương – Goodreads
Xem thêm thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee
Kiều Cưng