Green Library - Cùng con yêu sách

Phùng Quán (1932–1995) là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam, bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc chiến tranh Đông Dương và khẳng định được văn tài với Vượt Côn Đảo nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới.

Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2007.

Báo chí nói về Phùng Quán

Sách của Phùng Quán

  • Tuổi Thơ Dữ Dội
  • Ba phút sự thật
  • Vượt Côn Đảo
  • Trăng Hoàng Cung
  • Dũng sĩ chép còm
  • Thơ Phùng Quán

Review “Tuổi Thơ Dữ Dội”

“Một cuốn truyện thực sự làm mình tự vấn bản thân là tại sao mình không đọc em nó sớm hơn, để có thể chia sẻ về em nó sớm hơn nữa đến mọi người xung quanh mình..

Mình xin phép sẽ hơi dài dòng, miên man với chiếc review về cuốn truyện này, vì thực sự là nó đọng lại cho mình quá nhiều cảm xúc và suy ngẫm, không biết nên bắt đầu từ đâu cho đủ và cho đúng nữa…

Cuốn truyện là hành trình của những em thiếu niên tầm từ 12-15 tuổi, làm công tác liên lạc hoặc trinh sát, dẫn đường hay theo dõi địch của đội Thiếu niên trung đoàn Trần Cao Vân của khu vực Thừa -thiên. Câu chuyện là hành trình về quá trình hoạt động Cách mệnh của những chiến sĩ nhỏ tuổi, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ của nước ta.
Câu chuyện thực sự là khúc ca “bi tráng” cho cả một thế hệ, cả một chương tuy đầy tự hào những cũng đầy đau thương của dân tộc. Mình đã đọc rất nhiều các tác phẩm về chiến tranh, nhưng đa phần là của nước ngoài, nên khi đọc câu chuyện về chiến tranh của chính dân tộc mình, những đau khổ mà đồng bào ta đã phải chịu, những khó khăn, đau đớn và thiếu thốn mà các chiến sĩ cách mạng nói chung và các em thiếu niên nói riêng đã phải trải qua, mình gần như ứa nước mắt vì thương và tức giận.

Nhưng cái sự tàn khốc, đau khổ và thiếu thốn ấy đã làm các em nhỏ cảu chúng ta trở thành những anh hùng thực sự, còn quá nhỏ nhưng tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu của các em thực sự, thực sự làm mình cảm phục và quá đỗi tự hào. Những câu chuyện về cậu bé hi sinh mình chết đứng trên cột cờ để chỉ chỗ cho đồng đội, câu chuyện về cậu bé dũng cảm vượt xà lao, câu chuyện về những hi sinh khi bảo về đội trưởng, câu chuyện về cái chân đau thà chết trên chiến khu chứ không về với gia đình Việt gian hưởng phú quý,…
Câu chuyện làm cho mình trân quý hơn rất rất nhiều nền hòa bình mình đang có và được sống, vì các bạn ạ, nó thực sự là đước tắm và được trả bằng máu, máu và rất rất nhiều máu của đồng bào, của các thế hệ đi trước, và của cả những em thiếu niên ấy nữa. Tuổi 13,15 chúng mình chỉ lo thi vào trường cấp 3 gì, thi bài kiểm tra ra sao, nhưng các em là những hoạt động bí mật, tính mạng luôn ngàn cân treo sợi tóc như thế nào… Đọc câu chuyện này xong tớ mới thấm thía câu nói, “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc”. Vậy nên các bạn ạ, thực sự là người Việt Nam thì mng thực sự nên đọc cuốn này nhé.

Mọi tính từ mỹ miều để ca ngợi nó, ca ngợi những nhân vật mà nó đề cập, tớ xin phép để các bạn tự cảm nhận nó, hãy để câu chuyện cho bạn thẩm và thấu được những hy sinh quý giá như thế nào của cả một lớp người Việt Nam khi ấy, nhưng gian truân, đau khổ, nhục nhã ê chề mà nhân dân đã từng phải chịu và vượt quá. Để thấy lại trong ấy những phẩm chất tuyệt vời nhất cảu người Việt Nam, thà chết chứ không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ, “Rũ bùn đứng lên sáng ngời”!”

Hà Khuất – Goodreads

“Những cuốn như “Kẻ trộm sách”, “Sơn ca vẫn hót” hay “Ánh sáng vô hình” – đầu sách tiểu thuyết lịch sử về thế chiến 2 đã được rất nhiều bạn đón đọc và để lại một sự hiểu biết sâu sắc về nỗi đau của chiến tranh. Nhưng tin mình đi, nếu bạn là một độc giả Việt Nam, tất cả sẽ không thể nào so sánh được với “Tuổi thơ dữ dội” – một câu chuyện cực kỳ cảm động và quả cảm về một nhóm những em thiếu niên tham gia đội thiếu niên xung kích – làm nhiệm vụ giao liên trong chiến tranh Việt Nam.

Viết những dòng này và nhớ lại cảm xúc khi đọc “Tuổi thơ dữ dội” mình vẫn còn nổi da gà vì cảm động, vì những đêm nằm bên cạnh chiếc đèn ngủ vặn hết công suất, khóc nức nở vì thương các em í.

Có lẽ vì mình hiểu được rằng những nhân vật trong sách cũng chảy cùng dòng máu Việt Nam với mình, mình phẫn nộ đến cùng cực tất cả những tội ác và bất hạnh mà các em phải gánh chịu. Đặc biệt, lấy địa điểm trung tâm là Huế, mình tin rằng những bạn lớn lên ở Huế hay đã từng đến và yêu Huế sẽ càng hiểu cái cảm xúc phẫn uất đấy là như thế nào.

Nếu mọi người cũng yêu thích các tác phẩm lấy đề tài lịch sử như mình, mình rất mong mọi người sẽ đọc “Tuổi thơ dữ dội” – một câu chuyện cảm động, gần gũi về chính đất nước của chúng mình trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước.”

Lydia – Goodreads

“Cái sự hối tiếc nhất của mình sau khi đọc xong bộ sách này đó là mình đã có nó trên kệ suốt bao nhiêu năm, nhưng đến bây giờ mới thực sự đọc nó. Thực sự là mình muốn viết một cái review dài thiệt là dài, nhưng nếu như vậy thì chắc mình sẽ làm lộ nội dung truyện mất. Mà truyện này nếu tiết lộ nội dung ra thì chẳng còn hay nữa.

Mình bắt đầu Tuổi thơ dữ dội với những tiếng cười sảng khoái khi cậu bé Mừng ngây ngô trả lời “em biết bồng em và biết đá dế” với hi vọng sẽ được chọn khi đội trưởng hỏi “em muốn vô Vệ Quốc Đoàn vậy em biết làm những gì?”. Cũng chính cái sự ngây ngô, ngờ nghệch đó làm em bị cả chiến khu nghi oan. Không chỉ Mừng, cuốn sách còn khắc hoạ những Lượm, Vịnh, Tư dát, Hoà đen, Châu, Kim,… Mình thương nhất cuốn sách có lẽ là Quỳnh sơn ca, chỉ vì một vết thương do vô ý bất cẩn từ mấy chương đầu tiên của cuốn sách, mà sau này em đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Đọc sách, có rất nhiều khi mình phải gấp sách lại lúc đang đọc giữa chừng vì những gì trong ấy dữ dội quá, tàn bạo quá, thương tâm quá, khủng khiếp quá mà nếu cứ đọc liền một mạch mình sẽ chịu không nổi…

Mình ghét ơi là ghét cái ông “nhà văn Văn Linh” vô duyên nào đó, viết lời đề tựa mà nói luôn cái kết -_- Cái kết mà mình đọc tới 5 trang cuối cùng vẫn chưa thấy, vẫn còn hi vọng nó đừng xảy ra, nhưng cuối cùng thì nó cũng đến ở ngay trang cuối cùng :<

Tuổi thơ dữ dội – Tác phẩm mà mình cho rằng nên được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn cấp 3, để các em có thể phần nào hiểu được cái giá của nền hoà bình, độc lập mà các em đang được tận hưởng hằng ngày. Mình thực sự tin rằng dù bạn thích bất cứ thể loại văn học nào, bạn cũng sẽ yêu cuốn sách này thôi :D”

Uyên Khôi – Goodreads

“Đây đơn giản là cuốn sách mà mọi người Việt Nam đều nên đọc. Với một đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sử, sống cùng với bom đạn, con người từ nhỏ đã được tôi luyện một ý chí và sức sống tiềm tàng đến lạ kỳ.

Đọc để biết cái khốc liệt của thời chiến, về lũ trẻ trong chiến tranh, về tình người, về đồng đội. Đơn là một cuốn tiểu thuyết viết quá đẹp – những anh hùng “xuất thiếu niên”. Với bản thân thì đây là cuốn sách dành cho thiếu nhi hay nhất, ám ảnh nhất của một tác giả Việt Nam.”

Bach Tran Quang – Goodreads

“Đã nghĩ sách hơi dài khi cố đọc mãi mà không hết. Thực lòng chỉ bởi không có thời gian và không dành thời gian đọc một cách tử tế và chăm chút.
Thực sự nó chỉ kể về cuộc đời của một vài em, ở trung đoàn Trần Cao Vân mặt trận Huế nhỏ bé mà ác liệt. Chỉ là một thiên truyện nhỏ trong cuộc chiến tranh quyết liệt, kiên cường của dân tộc ta, đồng bào ta, nhưng mạnh mẽ, nhưng xúc động, nhưng chân thực đầy đủ đến gai người. Đóng xong sách, tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi dù chỉ tò mò, rằng Lượm sẽ ra sao? Thằng khốn Kim-điệu có bị quả báo không, như Nguyễn Trì? Cuốn sách sẽ còn rất dài nữa nếu tác giả muốn tròn vẹn những điều đó, và về thêm các em khác. Trong 18 năm từ khởi thảo tới khi hoàn thành, hẳn tác giả đã đầu tư, nỗ lực và cố gắng hết sức thu thập những mẩu chuyện, những chi tiết, những hình ảnh, những thông tin hiếm hoi mà xa vời về các em trong thời kỳ kháng đánh thực dân chiến giành độc lập. Bắt đầu từ năm 68, là lúc nước nhà hãy còn đổ máu trong chiến tranh với đế quốc, là lúc điều kiện đất nước khó khăn…. Có lẽ mình khó cảm nhận hết được những cảm xúc và tình cảm thiêng liêng ấy, nhưng sự chân thực đầy đủ mà chăm chút cố gắng của tác giả, thật sự nể phục.
Các em tuyệt vời quá! Các anh, các chú tuyệt vời quá!”

Cường Hùng – Goodreads

“Tuổi thơ dữ dội là một bức tranh về một thời kháng chiến máu lửa hào hùng của dân tộc mà tâm điểm của bức tranh ấy chính là các cậu bé thiếu niên của đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân. Đó là những cậu bé Mừng, Lượm, Tư dát, Quỳnh Sơn ca, Bồng da rắn, Vệ to đầu, Vịnh sưa… Ở tuổi ấy đáng lẽ các em phải được sống 1 tuổi thơ yên bình, được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Thế nhưng, các em đã lựa chọn con đường cách mạng là lẽ sống của đời mình. Tham gia Vệ Quốc đoàn, dấn thân vào trận mạc với những tinh thần quả cảm, kiên cường, bất khuất vô cùng của những đứa trẻ lên chín lên mười. Tinh thần ấy của các em mang âm hưởng hào hùng của truyền thuyết Thánh Gióng giết giặc cứu nước. Đọc cuốn sách mà không cầm nổi nước mắt. Xúc động về hình ảnh những cậu bé liên lạc gan góc, kiên cường nhưng giàu tình cảm và luôn cháy trong mình niềm tin cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn. Xúc động với hình ảnh quân dân đoàn kết chống giặc, hình ảnh vắt cơm chấm muối, củ khoai củ sắn. Mình sẽ không bao giờ quên hình ảnh chú bé Lượm gan dạ vượt ngục 3 lần để về với cách mạng, không thể nào quên hình ảnh mẹ con em Mừng, hình ảnh của những chú bé liên lạc đẹp rạng ngời tình yêu quê hương đất nước. Đây là 1 cuốn sách có thể nói là hay nhất, chân thực nhất viết về cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi hào hùng, bi tráng của dân tộc ta. Đọc để biết trân quý giá trị của tự do, độc lập mà cha ông ta đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của mình. Đọc để hun đúc trong mỗi chúng ta tinh thần yêu nước nồng nàn và căm thù, lên án tội ác của quân cướp nước và bè lũ bán nước
“Cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước đã là nảy sinh biết bao điều kỳ diệu! Nó giống như quặng mỏ kim loại quý với một trữ lượng vô tận, bấy lâu nằm sâu ẩn kín dưới các tầng đất, bỗng được mũi khoan của kháng chiến chạm phải, phát hiện, làm giàu sang cho nòi giống. Biết bao nhiêu thiếu niên đã sống và chết như những bậc anh hùng tái thế!”
Là một người Việt Nam, ai cũng nên đọc cuốn sách này để hiểu được một thời đạn bom, một thời hoa lửa hào hùng, bi tráng của dân tộc. Đọc để biết trân trọng sự hy sinh của cha ông và thêm yêu quê hương đất nước.
Đây chắc chắn là 1 trong những cuốn sách hay nhất mình đã từng đọc trong đời.
5/5*”

Nam – Goodreads

“Khi mình nghe mọi người khen lên khên xún cuốn này thì mình đã mua luôn với 1 kì vọng cao, và quả thật nó đã ko khiến mình thất vọng. Mình đọc xong cuốn này cũng được 1 tuần r mà giờ vẫn chưa hết mê. Đọc cuốn quá nên đọc đến tận nửa đêm mà nằm khóc sướt mướt luôn. Trong truyện này mình thích nhất là nhân vật Lượm bởi cái ấn tượng 3 lần vượt ngục của chú, nhưng nhân vật khiến mình khóc nhiều nhất lại là Quỳnh sơn ca và Mừng. Câu chuyện có lẽ là một bản hùng ca khiến mình vừa đỗi tự hào lại thêm xót xa, thật sự nể phục những con người ngoại hình nhỏ bé nhưng lòng thì lại lớn lao vô cùng, chất chứa trong đó là những suy nghĩ vừa ngây thơ vừa chín chắn của những cậu bé trinh sát. Đọc xong mình càng biết ơn cũng như yêu nước nhiều hơn. Đúng thật như mọi người nói : Người Việt Nam nhất định phải đọc cuốn này huhu. Tại sao giờ mình mới đọc chứ;-;”

Myhnue – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Ba phút sự thật”

“Cho đến giờ, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần tập ký Ba phút sự thật của nhà văn, nhà thơ, nhân cách lớn Phùng Quán. Lần nào, tôi cũng vẫn cay mắt và cảm thấy xúc động mạnh mẽ. Quả đúng như lời đề từ của ông – “Tôi kể lại sự thật. Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi”, những ẩn ức, những nỗi niềm đau khổ của các bậc hào kiệt, trí thức thời kháng chiến chống Pháp của đất nước như Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Tuân Nguyễn, Phùng Cung, bản thân Phùng Quán… hiện lên qua những dòng viết “thẳng ngay” của ông quá day dứt, lạ thường đến độ nhiều khi tôi cũng không dám (muốn) tin là thật. Người có thời đức cao vọng trọng, cuối cùng bị kết án đày tù, những năm cuối đời sống lủi thủi rách rưới, bị quản thúc quanh cái chái bếp nhỏ ở quê nhà, ăn cóc nhái sống qua ngày, còn tại thế mà đã phải chọn sẵn chỗ đất trũng nơi búi tre cuối làng để sau này nằm chết, không phiền đến ai. Người danh sĩ được thế giới công nhận bị bạn bè, người thân cô lập, học trò xa lánh, không dám mở miệng chào thầy, ra đi trong quạnh quẽ, đơn độc. Người buồn nỗi buồn của “những chân trời không có người bay”, “những người bay không có chân trời”, dựa lưng vào tường 20 năm hút thuốc lào, đến độ “in cả con người” mình vào đó… Càng cảm thương họ bao nhiêu, tôi càng mến phục Phùng Quán bấy nhiêu. Phùng Quán – một tấm lòng chân thật đến tận cùng, dù nửa đời đi “bên rìa của cuộc sống” bởi nghe lời mẹ dặn nhưng vẫn trung trinh đi với nhân dân, với đất nước, với nghệ thuật đến tận cùng. Nhờ cây bút dũng cảm, hào sảng, thông minh, khúc chiết, dí dỏm là ông, lớp trẻ ngày nay như tôi thật may mắn khi còn được “ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, hiểu thêm về một phần lịch sử của dân tộc, để sống thêm ý nghĩa trong hiện tại và chuẩn bị kỹ càng cho tương lai. Tôi cầu mong Phùng Quán tiên sinh ở nơi cửu tuyền biết được và tin tưởng rằng bài hát xưa nay vẫn còn có người hát, câu thơ xưa vẫn còn có người đọc, sự thật xưa vẫn còn tràn đầy ý nghĩa, ám ảnh tới mãi sau này, và nhờ vậy con đường xưa song hành cùng sự thật chắc chắn sẽ còn được hậu thế tiếp bước.”

Vi Huyền Anh – Goodreads

“Những trang sách cảm động, khắc họa về những con người thật, những sự kiện thật, trong thời kỳ chống Pháp ác liệt, và cả trong cuộc sống văn nghệ sau kháng chiến. Qua đó, hình ảnh nhà văn, người nghệ sĩ chân chính hiện lên với tất cả những vất vả, khó khăn lấy đi của họ cả xương máu và danh dự, nhưng không lúc nào thôi nung nấu về những sáng tác, những đứa con tinh thần làm giàu có thêm cuộc đời. Và hơn hết, xin mượn lời bố (nhà viết kịch Lưu Quang Thuận) dặn Lưu Quang Vũ “Con muốn làm nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, hay nhà thơ, thì trước nhất, con hãy làm Người đi đã” để nói về những con người quả cảm ấy. Để tiếng thơ, tiếng văn mình luôn trong vắt màu sự thật, màu hiện thực gian lao anh dũng và cũng đầy phũ phàng, bản thân họ đã sống thật xứng đáng với lòng mình, luôn vươn tới “Chân, Thiện, Mỹ” với một tấm lòng bao dung, nhân ái, đầy tình yêu thương. Những nhân cách lớn như Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Tuân Nguyễn, Đoàn Phú Tứ… đã được miêu tả, phác họa vừa nhẹ nhàng, gần gũi vừa bi tráng, trân trọng. Đọc để hiểu thêm về những gì đã qua, và phấn đấu cho những gì đang tới!”

Ha-Linh – Goodreads

“Đọc Ba phút sự thật mới thấm thía thêm được phần nào của Tuổi thơ dữ dội.

Nhắc tới Phùng Quán, thì bốn chữ Tuổi thơ dữ dội ngay lập tức hiện lên trong đầu tôi. Ngày tôi đọc Tuổi thơ dữ dội, không biết bao giọt nước mắt đã rơi trên trang sách, thấm thía và cảm động vô cùng, và nó ám ảnh tôi đến mức chẳng thể thốt lên lời bình phẩm, nhận xét, đánh giá nào, bởi mọi thứ tôi có thể làm đều như khiến nó mất giá. Nhưng, đến tận bây giờ, tôi mới hiểu sao nó chân thực và khắc sâu đến vậy.

Như lời của Hoàng Phủ Ngọc Tường in nơi cuối sách:

“Người làm xiếc đi trên dây rất khó

Nhưng không khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời mình trên con đường chân thật.”

Và Phùng Quán trông tôi là khuôn mẫu để đúc lên những lời lẽ đó. Ông là một tập hợp của sự đối lập đến khó tưởng: một cốt cách thanh cao trong cơ thể còn vương bụi trần.

Phùng Quán luôn trân trọng sự chân thật. Tự nhận sai lầm của bản thân là điều rất khó, nhưng trong những trang di cảo của mình, Phùng Quán đã thú nhận những điều sai trái ấy, mà không phải để nó trôi vào dĩ vãng, giữ lại danh tiếng thanh bạch truyền cho đời sau.

Ba phút sự thật là cuốn ký, gồm nhiều truyện, kể về nhiều giai đoạn trong cuộc đời. Nhờ ông, một cái nhìn mới về một thời dường được hé mở. Cơm áo gạo tiền, sự nghiệp văn thơ dưới cái nhìn hà khắc cua xã hội,… tất cả như vũng lầy giữ lấy, kìm chân ông, chẳng cho ông được giải thoát, khiến ông phải đau đáu, chỉ vì mấy đồng tiền…

Không chỉ mình ông xuất hiện, mà còn cả câu chuyện về bao nhà thơ cùng thời khác, các chi tiết cảm động, chân thực, lại khắc vào trái tim người đọc một nỗi đau đớn, một sự bi tráng mà cao thượng.

Ba phút cuộc đời có lẽ là lời thanh minh đanh thép nhất của Phùng Quán với thế gian này, bày tỏ được hết những tâm tưởng, nhưng điều chất chứa trong lòng, qua áng văn với những câu từ thật thân thương.

Càng về cuối Ba phút cuộc đời, tôi càng thấy cảm hơn về Mừng (Tuổi thơ dữ dội), một nhân vật tôi chẳng bao giờ quên kể từ năm lớp 6, khi mới đọc những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết “dữ dội” ấy. Câu nói cuối đời đầy đau đớn của Mừng chính là khát vọng được khẳng định lại, công nhận lại của Phùng Quán. Xót xa biết bao những nhân tài sinh nhầm thời…

“Một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ.””

Linh Lee – Goodreads

“Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!

Cuốn sách này được viết bởi một nhân cách trong sáng tuyệt đối.

Nhân ngày ốm lôi sách ra đọc, thấy lòng buồn thương và xót xa vô cùng cho những con người kiệt xuất một thời. Có những nỗi đau như là ăn bát cơm nhuốm máu đồng đội, như là lòng trung trinh bị tuyệt đối nghi ngờ, như là phải nhìn những người gần gũi yêu thương chết ngay trước mắt.

Dù hôm nay còn nhiều bất công và lắm chuyện đau lòng đến đâu thì quá khứ cũng không thể và không nên xét lại. Có một thời đau thương đã qua, nhưng chắc rằng người thời nay không thể thấm thía hết chữ “tự do” như người thời trước, bởi có thế “tự do” ta có hôm nay mới đáng để bao con người tử tế đánh đổi bằng tính mạng của mình. Thôi đừng bắn những viên đạn vào quá khứ!

Hãy đọc “ba phút sự thật” để thấy cuộc đời này từng có những con người tử tế vô cùng, để thấy “có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi!”.”

Mía – Goodreads

“Tuổi thơ dữ dội là một tác phẩm dữ dội được viết bởi một tâm hồn và cuộc đời cũng hết sức dữ dội.

Cuốn sách này là những bài-viết-không-nhằm-xuất-bản của nhà thơ, nhà văn Phùng Quán. Vì không phải được viết ra để phô bày, nên những trang viết này phần nào đảm bảo sự chân thực trong suy nghĩ con người ấy. Đọc để hiểu con người ấy là ai, thời cuộc ấy như thế nào. Cuốn sách này thực sự giúp lí giải tại sao tác phẩm Tuổi thơ dữ dội của ông, dù là đời thực, mà lại mang màu sắc tiểu thuyết với những nhân vật, sự việc phi thường tới vậy. Bởi tác phẩm đó được gieo mầm giữa bão lửa, được thai nghén trong những năm gian khổ đủ đường của nhà văn, và được trình làng như một con bướm bung mình khỏi kén sau một đằng đẵng những kiên nhẫn đợi chờ. Nó là tác phẩm mà nhà văn dù không muốn viết ra và nghĩ sẽ không thể nào xuất bản, nhưng ông vẫn viết vì nó như thể máu chảy trong tim ông vậy.

Ngoài ra, nhà văn còn giới thiệu tới ta những nhà văn, nhà thơ đầy thú vị nhưng dường như không được lịch sử ghi lại, hoặc những góc nhìn “ít được biết tới” của nhiều người nổi tiếng của thời đại. Những trang viết giản dị của ông giúp ta giàu thêm kiến thức thời đại, một thời đại “tưởng chừng không ai muốn nhớ đến” nhưng lưu lại những dấu ấn khó phai.”

Thanh (Hans) – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Vượt Côn Đảo”

“Vượt Côn Đảo, đúng như cái tên của nó, viết về cuộc vượt trùng dương từ nơi được gọi là địa ngục trần gian trở về với đất mũi Cà Mau của những người tù chính trị nơi Côn Đảo. Đọc mà thấy đau xót cho những thế hệ đi trước. Vì Tổ quốc, vì dân tộc, họ đã phải hy sinh quá nhiều, ngay cả khi cái chết đã trở thành một điều còn dễ chịu hơn là việc sống mà chịu áp bức dưới những chính sách cai trị của bọn cai tù, họ vẫn phải tiếp tục bấu víu với cuộc sống vì một tương lai được trở về với quê cha đất tổ, được một lần nữa đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuộc sống nơi Côn Đảo được thuật lại hiện lên thật tàn khốc. Những chiếc dùi cui, roi da vẫn còn những dấu máu khô, những căn ngục u tối, những chiếc xiềng xích có thể đoạt đi sự tự do của con người bất kể lúc nào, những ngày thiếu thốn đến tận cùng, tất cả tạo nên hình ảnh của một Côn Đảo có thể khiến con người rùng mình khi nhắc đến. Thế nhưng giữa cuộc sống đó, con người vẫn không quên nhiệm vụ, ý chí và hoài bão của mình. Họ thành lập một tổ chức lãnh đạo, không ngừng nhắc nhở nhau về đường lối chính trị, luôn hành động ngay khi có cơ hội để tìm về đất liền. Đọc sách, mình mới cảm được cái gọi là ý chí đấu tranh của những người anh hùng. Ngay trong cuộc sống tồi tệ nhất, họ vẫn không quên hướng về Đảng, về Cách mạng và về Cụ Hồ – người cha già của dân tộc, không quên tự tạo cho mình những niềm vui và sự phong phú về cuộc sống tinh thần bất chấp sự kìm hãm của bọn quản tù ác độc. Đọc sách, mình mới thấu được cái giá của nền hoà bình độc lập mà thế hệ mình đang được hưởng thụ, mới thấy trân trọng và biết ơn những hy sinh to lớn của các bậc cha anh. Họ đã yêu nước và vững tin vào tương lai của đất nước ngay cả trong thời kì đen tối nhất thì tại sao chúng ta, những con người có cơ hội được sống một cuộc sống hoà bình, đất nước đang trên đà phát triển, lại không thể làm được như vậy?”

My – Goodreads

“Một cuốn sách xúc động về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo. Vì đây là một cuốn tiểu thuyết chứ không phải hồi ký nên có nhiều chỗ lý tưởng hóa. Nhưng sách được lấy cảm hứng từ những sự kiện vượt biển có thật của những tù nhân Côn Đảo, điều này cũng đáng để mình đọc và ngưỡng mộ tinh thần kiên cường bất khuất của ông cha ta ngày xưa lắm rồi.
Dù ngày nay vật đổi sao dời, có bao nhiêu sự tha hóa biến chất nhưng mình vẫn mãi ghi nhớ tinh thần anh dũng một thời máu lửa ấy, mình sẽ cho con cháu mình sau này đọc những cuốn sách như thế này để chúng không quên đi sự hi sinh của cha ông mà có nền hòa bình như ngày nay.”

Thảo Ly – Goodreads

“Gặp cuốn sách này rất tình cờ. Vẫn biết cái địa ngục trần gian Côn Đảo trong truyền thuyết rất kinh khủng mà qua sách còn sâu sắc thêm mấy phần. Khâm phục tinh thần bất khuất của các chiến sỹ cộng sản, và thấy trân trọng hoà bình hôm nay. Dù có tồi tệ đến đâu chăng nữa, hiện tại vẫn là một món quà đúng nghĩa đã được trao tặng…”

Kiều Trang – Goodreads

“Cuốn sách là một con thuyền mà bạn du hành ngược thời gian. Côn Đảo đang ở trước mắt bạn. Đây là một cuốn sách  đọc, trong đó bạn sẽ thấy mình trở thành một trong những người lính chiến đấu vì sự sống và sống cho những người có niềm tin mãnh liệt vào các cuộc cách mạng và chủ nghĩa cộng sản. Tôi đã rơi nước mắt khi biết cuộc sống có ý nghĩa như thế nào đối với tất cả họ. Đúng là mạng sống của bạn là báu vật, nhưng nếu có cơ hội đổi lấy mạng sống khác, bạn sẵn sàng chết không tiếc nuối chút nào. Những phẩm chất tốt đẹp nhất của một người Cộng sản đã được thể hiện qua từng trang. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất mà tôi từng đọc trong đời.”

Nhung Bui – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Dũng sĩ chép còm”

“Mình thích cách ông kể chuyện, trí tưởng tượng của ông và cách ông hình tượng hóa nhân vật, biến lũ cá, lũ chim, lũ cua ốc hến trở nên có tính cách, có ý chí, có đời sống phong tục riêng hệt như con người. Thích cả cái cách ông biến vài câu ca dao tục ngữ từ của người sang thành của cá nữa. Đại loại như:

– Hùa lưỡi câu, xâu mang cá = Mượn gió bẻ măng

– Dù có phải vượt qua nơm, đó, vó, lờ em cũng quyết theo anh = Dù có phải vượt qua nước sôi lửa bỏng em cũng quyết theo anh.

– Cái chết vừa nặng hơn núi, vừa nhẹ hơn một mảnh vây cá.

Rồi cả những bài thơ của cụ cá Nheo Mù nữa:

– Tự xé phanh ngực chết. Cho con gái yên lòng. Dốc mình theo nghĩa lớn. Cứu quê hương bà con… Tự đáy bùn ẩn náu. Ôi bà mẹ Cua càng! Treo tấm gương hiền mẫu. Vằng vặc giữa thế gian! (Đây là nói về bà Cua Yếm Đen, tự tử vì không muốn làm gánh nặng cho con gái là Cua Yếm Nâu).

– Thịt độc mà hồn thơm. Răng sắc hơn gươm sắc. Việc nghĩa không tiếc thân. Vang danh nghĩa sĩ Cóc. (Đây là khi nói về cái chết hiệp nghĩa của Cá Cóc).

Đấy, kiểu đại loại thế mà dễ thương lắm, có đoạn thì hài hước, có đoạn thì nghẹn ngào xúc động. Nhất là tình bạn của Chép Còm, Lóc Hoa, Cua Yếm nâu, Rô nhọ, dũng sĩ Bò và Chày Mắt đỏ, các bạn luôn đồng sức đồng lòng, đoàn kết giúp đỡ nhau, cùng nhau trải qua bao nhiêu gian nan thử thách. Cuộc hành trình giúp mọi cư dân của xóm Ao Cây sung thoát khỏi cái ao tù đang dần đến hạn diệt vong để vươn ra dòng sông lớn nó giống như một khúc ca hùng tráng vậy. Câu chuyện họ nhà cá được tác giả lồng ghép với hiện thực thời Mỹ Ngụy chiếm đóng miền Nam, có thể sẽ có nhiều người không thích khi đây là một câu chuyện dành cho thiếu nhi, nhưng với mình thì không sao cả, ngược lại còn rất đáng đọc nữa. Hơn hết câu chuyện nói về khao khát tự do, đây là cuộc hành trình hướng tới sự tự do và đấu tranh chống lại đàn áp. Tình cảnh của cư dân của xóm Ao Cây sung cũng chính là tình cảnh của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.”

Rin – Goodreads

“Một cuốn sách vô cùng ý nghĩa dành cho thiếu hi! Mình rất thích cách mà tác giả lồng ghép cuộc chiến trường kỳ chống Mỹ và tinh thần dân tộc vào trong một lớp vỏ là câu chuyện về những loài cá. Tinh thần chiến đấu ấy, tấm lòng cao cả ấy, và cả những chi tiết nhỏ nhoi nhưng mới cảm động và ý nghĩa biết bao! Đúng chất Phùng Quán!

“Tha hồ các bé trêu chọc, anh chỉ cười nói:

–            Khéo đấy các em ạ. Đuôi mà vướng vào răng anh rách ra thì anh chẳng có đuôi mà đền cho các bé đâu

–            Thê tại sao chúng em có đuôi? Mà đuôi dài đẹp thế này còn anh lại không có?

–            Trước kia anh cũng có đuôi như các bé, mà những hai đuôi cơ! Nhưng anh đã tìm đến mụ phù thủy đổi hai cái đuôi lấy hai cái càng.”

“Những cảnh tượng như vậy diễn ra ngày càng nhiều ngay trước mắt chú. Nó giống như một thứ mật cá bị vỡ ra, pha đắng dần những ngày thơ ấu ngọt ngào của Chép còm. Lòng thường xót bà con, nỗi căm ghét, ghê tởm cuộc sống tù hãm, dọa đày một ngày một bén rẽ, đâm chồi trong lòng chú và cứ lớn dần lên mãi…gương mặt niên thiếu của chú nhiều lúc đã hiện vẻ suy tư của những tâm hồn sớm nghĩ sớm đau…”

“Tiếng kêu thét xé ruột của Chày đỏ mắt vang vọng qua những ngẫn nước, đã dứt bà con rời khỏi chuyến bay mộng tưởng.

Tất cả nhớn nhác quay lại bơi về hang bà Cua yếm đen.

Thì ra khi nghe tin Cua yếm nâu hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ vẽ bản đồ trờ về, bà Cua yếm đen đã tự xé yếm mình mà chết để con yên tâm ra đi không vướng víu.

Thấy mọi người xúm đến, bà cố gượng phều phào nói:

–            Gửi lời vĩnh biệt bà con, vĩnh biệt con gái mẹ… Bà rùng mình rồi duỗi thẳng càng nằm bất động”

Đoạn trích từ Dũng sĩ Chép Còm – Phùng Quán”

Allan – Goodreads

“Truyện dễ thương. Mình thích nhất cách Phùng Quán áp dụng và chuyển những câu ca dao, thành ngữ, những hành động của con người cho quần thể sinh vật dưới ao làng, cực kỳ mượt mà và đáng yêu. Ví dụ như: chung sức kề vây, vượt qua nom đó vó lờ (thay cho vượt qua bão táp phong ba), v.v. Bằng một cách nào đó, Phùng Quán đã đưa được tinh thần kháng chiến, lòng quyết tâm ngút trời và niềm tin vĩnh cửu vào cách mạng vào một câu chuyện đồng thoại cho thiếu nhi, mà đưa rất duyên, rất khéo. Mình nghĩ nếu bạn từng yêu Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, hãy thử đọc “Dũng sĩ chép còm’.”

Kaitlyn Ngoc – Goodreads

“Cảm giác như đang đọc cuộc chiến giành độc lập tự do qua cuộc nổi dậy chống “lũ bói cá rằn ri” của những chú cá trong ao làng. Một cuộc chiến đến nghẹt thở hướng về dòng sông lớn, dòng sông của tự do.

Cảm thấy rất tự hào khi được đọc một áng văn hay đến như vậy của nước nhà và còn là một tác phẩm rất tuyệt vời dành cho thiếu nhi.”

Trang Anh – Goodreads 

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Kiều Cưng

 

341001094_241499201737222_6975183209450634611_n

Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN

“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…

121995237_10222652364914530_3728241313764895972_n

Review David và cây vĩ cầm biết nói

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách đẹp tới tột cùng, một vẻ đẹp hồn hậu, trong veo và thanh khiết nhất. Chắc chắn David…

129862145_2714551872207772_678045430805396291_n

Review JOE SỐ DÁCH

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách để truyền cảm hứng sống: chân thành, chăm chỉ, tự do…mình tin chắc JOE SỐ DÁCH sẽ phù…