Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN
“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…
Raquel Jaramillo Palacio (13/07/1963) là một tác giả và nhà thiết kế đồ họa người Mỹ. Cô là tác giả của một số tiểu thuyết dành cho trẻ em, trong đó có cuốn bán chạy nhất Wonder (Điều Kỳ Diệu).
Báo chí nói về R.J.Palacio
Liên hệ tác giả
“Update: Đọc xong cuốn này từ hồi trước Tết, mấy bữa rày lo ăn Tết nên giờ mình mới lôi phim ra xem :)) Phải nói là phim đã chuyển tải được gần như toàn bộ tinh hoa của cuốn sách, đặc biệt ở cách kể chuyện theo điểm nhìn của nhiều nhân vật khác nhau chứ không chỉ riêng Auggie. Hồi đọc sách mình không xúc động nhiều lắm, nhưng đến khi xem phim thì thấy thực sự muốn khóc ở nhiều đoạn, đặc biệt là những đoạn thể hiện rõ tình cảnh của một Auggie bị tổn thương bởi những lời nói, hành động xúc phạm từ những học sinh không hiểu em và luôn xem em là đồ dị hợm. Và vì thế, bộ phim đã giúp mình thêm trân trọng câu chuyện mà tác giả R. J. Palacio đã kể trên những trang sách, một câu chuyện nhẹ nhàng, ấm áp nhưng vẫn ẩn chứa rất nhiều bài học ý nghĩa không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn nữa. Đó là bài học về sự cảm thông, lòng can đảm, lòng trắc ẩn và ý nghĩa cốt lõi của việc là một con người, bất chấp sự khác biệt trong khuôn mặt hay dáng vẻ.
Xem phim còn giúp mình nhớ lại một chi tiết mình đã phát hiện ra khi đọc sách nhưng quên không bỏ vào review, đó là cái cách mà tác giả R. J. Palacio tạo nên một thế giới sống động, đầy những cảnh ngộ khác nhau của những cô cậu học trò tiểu học chuẩn bị lên cấp 2. Gia đình của Auggie thuộc hàng khá giả, cha đi làm mặc đồ vest, mẹ thì có học vấn và đang hoàn thành luận văn, em có cơ hội được học trường tư mà không phải băn khoăn vấn đề tài chính. Nhưng bù lại, em lại mắc phải đột biệt gen hiếm gặp khiến khuôn mặt em không như người bình thường. Cậu bạn Jack Will của em, sinh ra với khuôn mặt toàn vẹn (thậm chí cậu bé đóng vai này còn khá xinh trai nữa cơ 😀 Lớn nhanh em ơi, chị chờ =))))), nhưng đổi lại, gia đình của em lại thuộc tầng lớp lao động, em đi đôi giày cũ mua lại giá rẻ, xe trượt tuyết cũng là nhặt lại đồ bỏ của người khác, em vào học ở Beecher Prep nhờ học bổng.
Dĩ nhiên, không thể nói ai khổ hơn ai, không thể đem sự giàu có của gia đình Auggie ra để nói rằng tuy khuôn mặt em như vậy nhưng em vẫn còn sướng hơn rất nhiều so với những học sinh khác, vì em có cơ hội tiếp cận với giáo dục tiên tiến. Và cũng không thể nói rằng vì Jack Will sinh ra khỏe mạnh bình thường nên em không đáng thương bằng Auggie. Tất cả những gì chúng ta có thể rút ra, đó là mỗi đứa trẻ, mỗi con người trong câu chuyện đều có những vấn đề khác nhau trong cuộc sống, đều có những khó khăn phải vượt qua. Ngay cả cô bạn thân Miranda của Olivia – chị gái Auggie – cũng vậy. Có lý do để Miranda bỗng dưng thay đổi, trở nên xa cách với Olivia, lý do của một cô gái tuy có cuộc sống luôn đủ đầy về vật chất nhưng lại thiếu vắng tình yêu thương đầm ấm thực sự của gia đình, nên sinh ra mặc cảm với cuộc sống gần như hoàn hảo của Olivia.
Chắc có lẽ mình đã đọc truyện từ trước, và đã tưởng tượng ra khối hình ảnh kỳ dị hơn nhiều, nên khi nhìn thấy khuôn mặt của nhân vật Auggie trên phim, mình không thấy bất ngờ lắm. Ngược lại, càng coi mình lại càng thấy Auggie đáng yêu vô cùng, có thể là vì mình biết rằng đằng sau khuôn mặt ấy chính là em diễn viên Jacob Tremblay dễ thương ^^ Cậu bạn trai Justin của Olivia đúng đáng yêu luôn trời ơi <3 <3 <3 Nào giờ mình không hay mê mẩn và fangirl đàn ông gốc Phi (không có ý phân biệt chủng tộc gì hết đâu nha ^^), cơ mà cái kiểu cutie nerdy artist đó thì mình cực kỳ thích 😀 Thấy trẻ em bên nước người ta đi học mà phát ham luôn, cái gì cũng có, phục vụ cho đam mê và định hướng phát triển của mỗi cá nhân khác nhau: câu lạc bộ kịch nghệ này, hội chợ khoa học cho các học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức đã học trong lớp này… Ai như học sinh VN trời ơi, suốt ngày cắm mặt học mấy ứng chả có tính ứng dụng, đã thế còn phải cày ải trong các lớp học thêm để đi thi hết kỳ thi này tới kỳ thi khác… Nản…
Phim càng về sau mình thấy có vẻ hơi đuối một chút, đặc biệt là đoạn cuối, mình thấy đọc sách hay hơn nhiều. Nhưng dù sao thì đây vẫn là một bộ phim đáng xem, và là một bản chuyển thể thành công của cuốn tiểu thuyết đã quá nổi tiếng. Phim có một số thay đổi nhỏ so với sách, nhưng chắc là không đáng kể, ví dụ như chi tiết Auggie phải lắp máy trợ thính đã được lược bỏ hoàn toàn, bộ phim mà cả đám học sinh của Beecher Prep xem trong khu bảo tồn thiên nhiên ở khúc gần cuối câu chuyện lại là “The Wizard of Oz” chứ không phải “The Sound of Music” như trong sách, thời điểm xem phim cũng bị thay đổi từ ban đêm trong bản gốc thành ban ngày. Đoạn Auggie đụng độ với đám học sinh lớp 7 bắt nạt em vì thế cũng bớt hấp dẫn đi chút xíu. Nhưng nhìn chung là mọi thứ đều trọn vẹn, đặc biệt là khi xét tới việc biên kịch đã phải cố gắng như thế nào để chuyển thể một cuốn sách dày 464 trang thành một bộ phim dài vỏn vẹn chưa tới 2 tiếng. Xem đến đoạn end credits mới biết đạo diễn và biên kịch của phim chính là Stephen Chbosky, tác giả của The Perks of Being a Wallflower đó hi hi 😀
Old review:
Cậu bé August Pullman sinh ra với khuôn mặt không giống như người bình thường vì một chứng đột biến gien hiếm gặp. Và vì lẽ đó, cậu trở thành trung tâm của sự chế nhạo, bắt nạt và những lời lẽ khinh ghét, xem thường khi cậu đi học. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi mà loài người luôn có xu hướng bài trừ những người khác biệt với mình. Thật xót xa và tội nghiệp cho Auggie, khi em không hề có lỗi trong chuyện phải mang một khuôn mặt khác với người đời, ấy vậy mà em lại bị xem như bệnh truyền nhiễm, không ai dám đụng chạm hay lại gần, cậu bạn Jack Will tưởng chừng là người thật lòng kết bạn với em, hóa ra lại là kẻ yếu đuối, từ chối bảo vệ em trước lời lẽ miệt thị của những người bạn khác.
Điều mình thích ở tác phẩm này, đó là cái cách mà tác giả kể câu chuyện của Auggie dựa trên góc nhìn của rất nhiều nhân vật, đặc biệt là nhân vật người chị Olivia của em. Trên cương vị là người thân ruột thịt của Auggie, lẽ dĩ nhiên, giống như ba mẹ, Olivia sẽ yêu thương em mình vô điều kiện, bất chấp sự thật rằng cậu em trai của mình không có khuôn mặt như người bình thường. Và Olivia đã hoàn toàn làm được điều đó, đã ý thức được rằng với tình trạng em mình như thế, thì nếu đôi lúc Auggie nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ ba mẹ cũng không sao. Ấy thế nhưng, Olivia không phải là thánh, và nhiều lúc, em cũng không thể chống lại được cái nỗi sợ hãi, nỗi xấu hổ khi phải giới thiệu Auggie là em trai mình. Cô bé cũng có những vấn đề riêng của một cô nữ sinh cấp 3, cái lứa tuổi khi mà những đứa trẻ chuyển mình thành người lớn, và cùng lúc đó là sự tàn nhẫn của đổi thay nơi con người.
Mọi thứ được miêu tả một cách vô cùng chân thật, giản dị mà sâu sắc cực kỳ. Các nhân vật dĩ nhiên là được chia ra kiểu tốt-xấu, khi Auggie, bên cạnh việc phải đối mặt với những đứa bạn cùng lớp thích bắt nạt em, vẫn có những người bạn chân thật, tốt bụng và đầy thấu hiểu, chấp nhận và làm bạn với em vì chính con người em, vì chính sự thông minh của em, chứ không tránh xa em như tránh bệnh dịch. Tuy nhiên, đúng như câu châm ngôn: không ai giống như vẻ bề ngoài của mình, câu chuyện cũng mở ra những bất ngờ trong bản chất và cách hành xử của nhiều nhân vật. Và lẽ ra tôi chỉ cho cuốn sách này 4 sao thôi, nếu như không phải vì bài phát biểu đầy ý nghĩa của thầy hiệu trưởng ở những chương cuối, bài phát biểu về việc làm người tử tế, dẫu điều đó có thể khó khăn đến dường nào.
Tử tế không có nghĩa là chăm chăm làm việc tốt, mà đầu tiên, nó phải xuất phát từ lời nói của mỗi người chúng ta. Đây là điều mà không phải ai cũng làm được, và rất nhiều người bỏ quên, thậm chí cả mình. Theo quan điểm cá nhân, một lời nói ác độc, dẫu không phải cố tình nói ra, nhưng nó có thể tàn phá một con người khủng khiếp hơn bất kỳ thứ vũ khí nào. Ngược lại, một lời nói tử tế có thể cứu vãn được cả một cuộc đời đang trên bờ vực thẳm. Nhưng trong cuộc sống, với tình trạng “cái miệng nhanh hơn cái đầu”, nhiều khi chúng ta không dừng lại một chút để suy nghĩ về điều mình chuẩn bị nói ra, để rồi một lời nói vạ miệng có thể để lại rất nhiều tổn thương sau này. Và vì lẽ đó, làm người tử tế ngay trong lời nói của mình là một điều vô cùng quan trọng.
Rồi còn cả lời nhận xét của thầy hiệu trưởng về Auggie, về việc cậu bé đã là một người can đảm như thế nào, can đảm không thay đổi bản thân, can đảm đương đầu với những thử thách của một thế giới nơi sự dị biệt được xem như tội ác, để rồi đổi lại, cậu đã gợi cảm hứng cho những người xung quanh cũng can đảm yêu thương cậu như cậu vốn thế, một Auggie với khuôn mặt đã phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật chỉnh hình. Đúng như lời cha mẹ Auggie đã nói, cậu là một điều kỳ diệu, một “wonder” giữa cuộc sống thực vốn vẫn còn tồn tại rất nhiều bất công và định kiến dành cho những người không may không có ngoại hình như người bình thường.
“Điều kỳ diệu” là một cuốn sách không có nhiều biến cố, đôi lúc ngọt ngào quá đỗi, nhưng cũng xen lẫn những trường đoạn rất đau lòng và đắng cay. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định cho nó 5 sao lấp lánh, vì những bài học ý nghĩa mà độc giả ắt hẳn sẽ lĩnh hội được sau khi cùng Auggie trải qua năm đầu tiên ở trường. Một cuốn sách khá truyền cảm hứng, không mang tính áp đặt và lại vô cùng dễ đọc, còn đòi hỏi gì nữa đây? :D”
Nhi Nguyễn – Goodreads
“4.5/5
Các bạn thân mến, cuốn sách này là một Điều kì diệu. August Pullman là một Điều kì diệu. Mình không thể diễn tả chính xác những gì mình cảm thấy vì câu chuyện này, ngoại trừ việc khẳng định trải nghiệm đọc sách của mình là một Điều kì diệu.
Một cậu bé với một khuôn mặt biến dạng, nhưng thực chất cũng chỉ bình thường như những bao đứa trẻ cùng lứa tuổi. Thật thú vị làm sao khi đọc những đoạn miêu tả thật chi tiết về gương mặt ấy, nhưng mình vẫn không thể hình dung được. Đúng như tác giả có viết “Dù bạn đang tưởng tượng thế nào, chắc hẳn trên thực tế nó còn tệ hơn”. Một cậu bé mang đầy những mặc cảm trên đôi vai còn quá yếu ớt và phải đối mặt với sự miệt thị, cả vô hình lẫn hữu hình, trong xã hội. Một lựa chọn được đưa ra – August sẽ tới trường cấp 2! Ở đây cậu gặp rất nhiều biến chuyển lớn, gặp cả “bạn” và “thù”. Một năm học đầu tiên đầy biến động nhưng cũng thật ý nghĩa, một năm học thay đổi suy nghĩ của mọi người về August – nhưng cũng thay đổi sự nhìn nhận của August về chính cậu. Một khuôn mặt dị dạng ư? Chẳng là gì cả. Người ta yêu thương cậu, quý mến cậu và cảm thân với cậu bởi vì cậu là August Pullman, vì cậu là một Điều kì diệu.
Đây là một câu chuyện nhẹ nhàng, không quá nhấn nhá, mang lại thật nhiều cảm xúc tích cực. Kể về một đứa trẻ với hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, câu chuyện này không phải một lời kêu than, cũng chẳng phải một lời cầu cứu. Chỉ là minh chứng cho thấy người tốt trên thế giới luôn tồn tại. Rằng nếu bạn gặp phải một hoàn cảnh kém may mắn, sẽ luôn có những “thiên thần hộ mệnh” chở che cho bạn.
Cuốn sách này làm nổi bật lên tình cảm gia đình – thứ tình cảm quý giá nhất. August thật kém may mắn vì phải sinh ra cùng dị tật, nhưng cũng thật may mắn vì được sống trong một gia thấu hiểu, thương yêu cậu hết mức. Đây cũng là một câu chuyện về tình bạn. Tưởng chừng August sẽ bị bỏ rơi suốt năm đầu tại trường cấp 2, ai ngờ lại có những nhân vật sẵn sàng trở thành bạn cậu, vì họ nhận ra cậu thật sự tuyệt vời như thế nào. Con người cũng thật kì lạ, khi đặt họ vào những hoàn cảnh éo le nhất, họ mới bộc lộ bản chất thật của họ – những “người bạn” của August sau cùng đã tìm ra cậu theo cách ấy. Bài học quan trọng nhất, chính là cách nhìn nhận bản thân. Sự tự ti và mặc cảm của August đã hoàn toàn được phá bỏ khi cậu nhận ra mọi người xung quanh yêu thương cậu như thế nào. Họ không chỉ đánh giá cậu qua khuôn mặt – chỉ có lũ tồi mới làm thế – mà thật sự yêu thương cậu để giúp cậu học cách yêu thương chính mình.
Buồn có, vui có, hài hước cũng có – Wonder thật sự là một kì tích mà mình suýt nữa đã bỏ lỡ chỉ vì cuốn sách này quá “nổi”. Không phải cuốn sách nổi tiếng nào cũng hay, nhưng ngược lại không phải cuốn nào cũng tệ. Nếu bạn muốn biết một câu chuyện kì diệu, hãy thử đọc Wonder.”
Regina / cà rốt và thỏ – Goodreads
“Mình vừa đọc xong Wonder những phải vào review ngay quyển này vì nó thật sự quá hay luôn. Chủ đề một cậu bé mắc dị tật sau đó hoà nhập với cuộc sống bình thường là một chủ đề không mới. Nhưng với quyển sách này mình hoàn toàn cuốn vào nhịp xoáy của câu chuyện. Điểm đặc biệt của câu chuyện này là ở điểm nó không chỉ kể về nhân vật chính là August mà nó còn có các chương với quan điểm của bạn bè hay chị của August. Mình thấy đây là một điểm rất hay của câu chuyện và khiến chúng ta hiểu được thông điệp của câu chuyện theo nhiều chiều hơn. Tình thương và lòng tử tế là thứ in đậm xuyên suốt tác phẩm trong đó có một câu nói mà đến giờ mình vẫn còn nhớ đó là: “Nếu chúng ta phải lựa chọn giữa đúng và tử tế thì hãy chọn sự tử tế.” Dù là bản tiếng Anh nhưng từ vựng rất dễ hiểu highly recommend cho ai muốn bắt đầu đọc sách truyện tiếng Anh.”
Nguyễn Hải – Goodreads
“4.5/5
Một câu chuyện đáng yêu và nhấn mạnh về lòng tốt.
Điều Kỳ Diệu với nhân vật chính là cậu bé August Pullman sinh ra với một khuôn mặt dị tật do cấu trúc gen bẩm sinh của em. Cuộc sống của em cứ lặng lẽ và yên bình trôi qua như thế, quẩn quanh trong nhà, tránh sự tiếp xúc của xã hội và sống trong sự yêu thương và đùm bọc của gia đình. Cho đến một ngày, cuộc sống bình lặng của em đã rẽ sang một hướng khác khi bố mẹ quyết tâm đưa em đến trường như bao cô cậu học trò bình thường. Lạ lẫm trong môi trường mới, nơi mà bức tường của sự bao bọc dường như đã trở nên vô hình, August phải sống trong nỗi mặc cảm về gương mặt của em, đối mặt với những khó khăn thử thách và cả những lời chế giễu trêu chọc đến từ mọi người xung quanh. Nhưng cũng chính vì ở trong hoàn cảnh như vậy, nhờ tình yêu thương và những lời động viên khích lệ chân thành đến từ những người bạn và cả gia đình, August đã dũng cảm đương đầu, vượt qua những lời đàm tiếu và vươn mình lên cao với nghị lực sống mạnh mẽ.
Điều tớ thích nhất ở tác phẩm này đó chính là R.J.Palacio đã đan xen một cách mạch lạc lời kể của từng nhân vật, giúp chúng ta thấu hiểu hơn những suy nghĩ của từng người trong số họ. Đặc biệt ấn tượng với cô chị gái Olivia của em. Những cảm xúc của Olivia được thể hiện rất sâu sắc những trăn trở của cô gái học sinh trung học có một cậu em trai không bình thường. Cũng như bao người chị khác, Olivia rất yêu thương cậu em trai của mình. Cô luôn bảo vệ Auggie trước những ánh nhìn dè bỉu, những lời trêu chọc của mọi người xung quanh vì gương mặt bất thường của em, là người động viên Auggie trong ngày đầu tiên đến trường, và bản thân Olivia cũng phải chịu sự thiệt thòi khi bố mẹ chăm sóc đứa em trai hơn cả mình nhưng cô luôn thông cảm và thấu hiểu. Nhưng Olivia không phải là thánh nhân, đôi lúc cô bé cũng sợ hãi và xấu hổ không dám cho mọi người biết Auggie là em trai mình, hay nhiều lúc buồn tủi bởi bố mẹ không dành cho cô bé sự quan tâm hỏi han như đối với cậu em trai, và bởi lẽ Olivia đã phải trưởng thành quá sớm khi mọi sự chú ý dường như đã dành hết cho cậu em trai bất thường.
“August là mặt trời. Bố, mẹ và tôi là những vệ tinh quay quanh mặt trời.”
Bên cạnh đó, ngoài những cảm xúc của các nhân vật, Điều Kỳ Diệu còn là một câu chuyện sâu sắc và giản dị nhấn mạnh về lòng tốt. Trường học là nơi hội tụ đủ những thành phần tốt-xấu, nhưng may mắn là Auggie đã tìm được những người bạn thật sự của em, những cô cậu bé không màng đến vẻ bất thường dị hợm trên gương mặt em mà đến với em bởi chính con người em, chính với sự thông minh và niềm đam mê vui thích đối với môn khoa học của Auggie, sẵn sàng bảo vệ em khỏi những tên bắt nạt ở trường học. Là cô bé Summer là người đầu tiên đến ngồi cạnh Auggie. Là cậu nhóc Jack Will đã thấu hiểu con người của Auggie đằng sau gương mặt không bình thường.
Thông điệp của Điều Kỳ Diệu cũng chính là sự tử tế. Tử tế không chỉ đơn thuần là từ nói về hành động, mà tử tế phải xuất phát từ chính trong trái tim mỗi người.
“Làm người, khi được quyền chọn giữa đúng và tử tế, hãy chọn tử tế.”
Ngoài ra, R.J.Palacio đã tạo nên một thế giới sống động nhưng cũng quá hiện thực về những cảnh ngộ của từng nhân vật trong tác phẩm. Đó là một Auggie được sống trong đầy đủ cả về tình thương và vật chất; đó là một Jack Will với gia đình thuộc tầng lớp bình thường, đi đôi giày cũ mòn vẹt, nhặt chiếc xe trượt tuyết bỏ đi của người khác và tái sử dụng lại chúng. Và không thể không nhắc đến Miranda, cô bạn thân của Olivia vì mặc cảm với hoàn cảnh gia đình mà đã tự tạo ra bức tường vô hình với Olivia. Điều Kỳ Diệu với mỗi nhân vật đều có một hoàn cảnh riêng, phải chiến đấu với những cuộc chiến khác nhau song họ đều mang điểm chung là lòng tốt và sự tử tế.
Và Auggie, bản thân em cũng chính là một cậu bé can đảm, can đảm vì em luôn là chính mình, can đảm vì đã kiên cường chiến đấu với hoàn cảnh dị thường của bản thân, can đảm để tự mình trải qu hàng loạt những cuộc phẫu thuật đau đớn, can đảm để khiến những người xung quanh can đảm yêu thương và quý mến em. Auggie chính là một Điều Kỳ Diệu hiện diện trong cuộc đời này.
“Cảm ơn con vì tất cả những gì con đã trao tặng cho bố mẹ, vì con đã hiện diện trong cuộc đời của bố mẹ, vì con là con.”
Điều Kỳ Diệu còn có cả phim điện ảnh nữa, ra từ năm ngoái rồi mà giờ tớ mới xem. Phim thể hiện được tầm 90% nội dung của sách, tất cả các nhân vật đều đáng yêu và diễn xuất tự nhiên quá đỗi, đặc biệt là Jack Will siêu cute luôn. Em ấy cũng đóng trong phim kinh dị A Quiet Place đó mà giờ mới để ý. Justin cũng cute nữa trời ơi. Tuy nhiên điểm trừ là một số chi tiết trong phim không sát lắm với sách, đặc biệt là không thể hiện được những suy nghĩ và trăn trở của Olivia. Nhưng dù vậy cũng rất đáng xem nhé. À biên kịch của Wonder cũng chính là Stephen Chbosky – tác giả của The Perks of being a walflower luôn, hôm trước đọc trên mạng tớ mới biết 😀
Nhìn chung, Điều Kỳ Diệu là một câu chuyện ấm áp và giản dị, đề cao lòng tốt và sự tử tế, thích hợp cho mọi người để đọc. Nội dung đơn giản những cũng rất đáng yêu và ý nghĩa. Đúng là sau khi đọc xong mấy cuốn kinh điển xong sang cuốn này cảm giác như tâm hồn đươc tươi mới. Highly recommend!”
Neverblossom – Goodreads
“Nếu là bạn, bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu khuôn mặt bạn với đôi mắt, đôi tai, đôi môi không hoàn hảo nếu không muốn nói là dị dạng? Nếu như bạn là August?
Tôi thì chắc sẽ khó để có thể sống vui vẻ với những lời bông đùa, không đủ can đảm để đối mặt với những lời xì xào, những ánh mắt từ những người xung quanh. Thật là khó khăn.
Câu truyện thực sự rất hấp dẫn, lôi cuốn, những nỗi đau hình như cũng mang theo cả những nụ cười. Đến những trang cuối cùng, tôi không thể giấu nổi nụ cười của chính mình. Tình yêu thương của bố mẹ August, của chị Via, của thầy Tushman, của Jack, của Summer.. thật sự rất tuyệt vời. Và August thật sự tuyệt vời.
Bạn hãy tự đọc để cảm nhận nó nhé!”
Tăng Yến – Goodreads
“Tôi gọi đây là một cuốn sách sưởi ấm tâm hồn. Khi bạn đang vui vẻ, đừng nên vội đọc nó; mà hãy chờ khi nào tâm trạng bạn tuột dốc thì hãy nhâm nhi ly café sữa ấm nóng này. Dám đảm bảo, cuốn sách sẽ khiến tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn và nỗi buồn luẩn quẩn đâu kia hóa ra đã biến mất tự lúc nào. “Điều kỳ diệu” là một câu chuyện đẹp đến rưng rưng nước mắt, mở cho mỗi người đọc cái nhìn ấm áp hơn với những người kém may mắn hơn mình.
Câu chuyện kể về hành trình đi học đầy khó khăn nhưng cũng không kém phần thú vị của August – một cậu bé có khuôn mặt dị thường, luôn khiến trẻ con hoảng sợ bỏ chạy khi nhìn thấy. August vẫn luôn phải chịu cái nhìn như một con quái vật từ mọi người xung quanh. Có tự ti, có buồn bã, có đau khổ. Nhưng những điều đấy không hình thành nên con người cậu, mà ở cậu toát lên hơi thở nhiệt thành, lạc quan tựa như một que kem thơm mát giữa trời hè gay gắt. Chính bản chất trong sáng tự nhiên ấy đã thu hút bạn bè tìm đến với cậu một cách chân thành như Summer, Jack, Miranda… Họ có bị vẻ ngoài của cậu làm cho sợ hãi không? Ồ, có chứ. Nhưng đấy chỉ là ấn tượng đầu tiên. Còn sau đó, họ bị thu hút bởi những điều rất đỗi tinh khôi từ August, những điều mà chúng luôn kiếm tìm trong hành trình trưởng thành đầy khó khăn.
Với một người không bình thường, họ sẽ có xu hướng thu mình lại trong vỏ bọc của bản thân. Bởi vậy, khi đặt họ trong môi trường xã hội, họ sẽ cảm thấy tự ti, và đặc biệt là bị tổn thương nếu phải chịu sự dè bỉu của người khác. August cũng vậy. Cậu phải chịu cái nhìn khinh miệt, dò xét của bạn bè trong trường, chúng bêu xấu cậu, coi cậu như bệnh truyền nhiễm. Những thái độ ích kỉ ấy như lưỡi dao cứa nhẹ vào trái tim người đọc. Ví dụ như Jullian – cậu bé đáng ghét nhất trong truyện nhưng cũng lại là người đáng khiến ta trăn trở nhất. Tôi không trách sự độc địa của cậu, mà tôi trách cái nền tảng đã xây dựng nên cậu – đó chính là gia đình. Khi nhìn thấy những người dị tật, là người lớn ắt phải có cái nhìn thông cảm, sáng suốt hơn để chỉ cho những đứa trẻ còn ngây ngô biết cách cư xử tránh gây thương tổn nhất. Nhưng mẹ của Jullian đã không làm vậy. Bà phán xét và khinh thường một đứa trẻ không bình thường. Cũng là người làm cha, làm mẹ nhưng bà không có lấy một chút sự đồng cảm cho nỗi đau của trẻ thơ mà còn di đi di lại nỗi đau ấy. Đến người lớn còn hành xử như vậy thì bảo làm sao Jullian có thể thay đổi cái nhìn với August?
Nhưng xung quanh August còn rất nhiều những cây nến lung linh dẫn lối cậu bé rời khỏi vỏ bọc yếu ớt của mình và hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Một cây nến rực rỡ trong đó là Jack – cậu bạn đặc biệt thân với August và cũng là nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi. Ban đầu, cậu đứng trên danh nghĩa của một người bình thường để đối xử với một người khiếm khuyết – đó là tình bạn dựa trên sự thương hại. Sau dần, cậu đứng trên danh nghĩa của một người bạn để đối xử với một người bạn, đó là tình bạn dựa trên sự chân thành.
August, hay Jack, hay những người bạn đồng hành chân thành khác cho tôi thấy một khát vọng đẹp của những người không bình thường như chúng ta. Họ không muốn bị dè bỉu, hay thương hại, họ muốn được chia sẻ, được công nhận, được hòa nhập với đám đông. Chúng ta là những con người bình thường, chúng ta phải thấy hạnh phúc vì được sinh ra lành lặn như vậy. Và phải biết mở rộng tấm lòng với những người kém may mắn hơn mình. Tôi, bạn, hay chúng ta liệu đã có thể làm được điều tưởng chừng như đơn giản ấy chưa và phải làm như thế nào ?”
Tú Anh – Goodreads
“Wonder is a wonder itself!
Mình mất cũng hơi bị lâu để quyết định mua quyển này (thay vì bản tiếng Anh, vì đợi mãi không mua được), rồi thì ngâm quyển này, xem phim và sau cùng là đọc nó. Mình bị ấn tượng với bản điện ảnh lắm, thật sự nhiều luôn, mình vẫn còn nhớ hôm đấy là cuối tuần và Fox Movie chiếu premiere Wonder, mình ngồi xem với mẹ và em, nhiều thứ cảm xúc lẫn lộn nhưng tất cả đều tích cực.
Ông trời đúng là chẳng cho không ai cái gì cả. Bù cho những thứ imperfection về ngoại hình, mình yêu mọi điều trong cuộc sống của Auggie, nếu không nói là ngưỡng mộ. Một gia đình với mẹ bản lĩnh, bố hóm hỉnh, chị dịu dàng và bao dung; bạn sẽ chẳng thấy một chút nào trong đó là sự mệt mỏi, sự oán trách số phận, khi có một đứa trẻ cần sự chăm sóc đặc biệt trong nhà như là Auggie cả. Và khi Auggie đến trường, trong một đám bạn tốt xấu, cậu bé cũng đã có được những anh hùng, những guardian của riêng mình đủ để khiến chúng ta ghen tị (một chút).
Sự lạc quan, yêu cuộc sống, lòng dũng cảm, niềm tin và sự tử tế chính là tên lửa của tác phẩm, đưa cảm xúc chúng ta lên rất cao trên dải ngân hà, nơi có “Chiến tranh giữa các vì sao” thật đấy nhưng mà sự xuất hiện của một cậu bé vốn được xem là không-bình-thường, kết nối và khơi dậy lòng tốt của mọi người lại với nhau.
Mình không xét về khía cạnh văn chương nội dung hay như thế nào cả, mình không ngần ngại cho luôn 5 sao là vì cái cảm giác ấm áp và nhẹ nhàng của tác phẩm đem lại cho mình. Mình đã nói câu này hàng tỉ lần, nhưng vâng nhiều khi giữa cuộc sống hối hả cảm thấy thoải mái là tất cả những gì bạn cần.
À cái này ngoài lề một chút nhưng cũng rất rất quan trọng này. Những cái dị tật bẩm sinh hay bệnh bẩm sinh như của Auggie có ảnh hưởng rất nhiều từ gen di truyền. Chúng mình, thế hệ của bọn mình, nên đi kiểm tra thể trạng ADN của hai vợ chồng và các tầm soát các trường hợp có thể xảy ra nếu hai bạn có em bé, ngay khi xác định sinh con nhé. Những cái này tuy đắt đỏ nhưng với mình là cái xứng đáng để đầu tư; không chỉ là vấn đề ngoại hình hay bọn mình không đâu, còn là vì sức khỏe của con cái nữa.”
Le Quynh Huong – Goodreads