Green Library - Cùng con yêu sách

Stephen Hawking là ai?

Stephen William Hawking (8/1/1942 – 14/3/2018) là một nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học và tác giả người Anh, từng là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết ở Đại học Cambridge vào thời điểm ông qua đời.

Với những công trình nghiên cứu đồ sộ, ông được xếp thứ 25 trong cuộc bình chọn 100 người Anh vĩ đại nhất của BBC, cùng hàng loạt các giải thưởng khác.  Ông qua đời vào ngày 14 tháng 3 năm 2018 ở tuổi 76, sau hơn 50 năm sống chung với căn bệnh rối loạn thần kinh vận động.

Báo chí nói về Stephen Hawking

Sách của Stephen Hawking

  • Lược sử thời gian
  • Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ
  • Lược Sử Đời Tôi
  • Bản Thiết kế Vĩ đại (Đồng tác giả Leonard Mlodinow)
  • Chìa khóa Vũ trụ của George (Đồng tác giả Lucy Hawking)
  • George và Vụ nổ Big Bang (Đồng tác giả Lucy Hawking)

Review “Lược sử thời gian”

“Đến giờ mới review 1 trong những cuốn mình yêu thích nhất chỉ vì Stefen vừa từ giã cõi trần.
Mình đọc cuốn sách này lần đầu khi còn là sinh viên. Ngày đó, tuy rất thích nhưng mình không đọc hết toàn bộ cuốn sách mà dừng khi đã đi được khoảng 9/10. Lần hai đọc A brief history of time là sau cuộc tranh luận với cậu bạn trí cốt, một người theo chuyên ngành Vật lý lý thuyết. Mỗi lần đọc đều có một trải nghiệm và cảm nhận khác nhau.

Lần thứ nhất, sau khi đọc Lược sử thời gian, như bao người, mình thực sự thần tượng Hawking. Ông diễn giải nhiều điều phức tạp một cách đơn giản. Ông mở ra cho người đọc nhiều chân trời, mô tả các sự kiện, hiện tượng khoa học hết sức bình dị. Nhiều thứ trừu tượng, khó hình dung, vừa triết học vừa khoa học được trình bày lôi cuốn để ai cũng có thể hiểu được. Mạch lạc, logic, tối giản. Có lẽ chính bởi vậy nó khiến tác phẩm trở thành cuốn sách được đọc nhiều thứ hai sau Kinh thánh (điều này cần kiểm chứng lại). Cuốn sách không dày, đúng như tên gọi, nhưng chứa đựng nhiều thông tin, nhiều vấn đề rộng lớn.

Âm hưởng của cuốn sách sâu đậm. Mình đã thực sự tiếc vì không được đọc sớm hơn. Kể từ thời điểm đó, mình tìm đọc tất cả tác phẩm của Stephen được dịch ra tiếng Việt mỗi khi có cơ hội. Buồn là không cuốn nào mang lại cảm xúc như Lược sử thời gian.

Tuy nhiên, tìm hiểu về cuộc đời ông, ta lại thấy yêu hơn con người mẫn tiệp đó ở một khía cạnh khác. Bởi tuy tật nguyền, nhưng Stefen luôn tự coi là một người bình thường, thậm chí ông ép mọi người phải coi ông như vậy và ghét bất kỳ ai nhìn ông với cái nhìn thương cảm.

Sau này, đặc biệt là sau thành công của The theory of everything, cuộc sống của ông bị phơi bày ra quá nhiều. Điều này dẫn tới nhưng ồn ào, tụng ca, tung hê quá đà, đặc biệt ở 1 đất nước có nền báo chí méo mó như Việt nam. Nó làm mình có một thái độ chừng mực đối với bất kỳ ai đề cập tới Hawking. Thậm chí, khi một người bạn mượn và làm mất A brief history of time, mình đã âm thầm chủ động đi mua lại.

Thế giới sẽ còn nhiều đổi thay, cũng như vũ trụ vẫn không ngừng vận động. Nhưng có một điều chắc chắn, đây sẽ là một trong những cuốn sách mình muốn con mình sẽ đọc nhất khi đến tuổi. Có thể, khi đó, nó không gợi mở được gì nhiều, hay nó không thể thành cuốn sách gối đầu giường cho thằng bé như đã từng của bao đứa trẻ Tây phương, nhưng chí ít nó sẽ giúp chàng trai của mình có được một tâm hồn đẹp, một nhân sinh quan và cái nhìn lạc quan như Stefen.

Tại thời điểm này, vài giờ sau khi Stephen Hawking ra đi, sau vô vàn những bài ca ngợi ăn theo, chúng ta phải khách quan nhìn nhận. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng, để bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy nhiều điều để học hỏi, nhưng ông không phải và không là bộ óc vĩ đại nhất của Thế kỷ. R.i.p to The man of A brief history of Time. Goodbye Stephen Hawking.”

Long Phan – Goodreads

“Nếu bạn nào chưa từng biết về Stephen Hawking, chưa từng nghe về lỗ đen, hay BigBang, vũ trụ giãn nở,… bạn có thể xem bộ phim The theory of everything (bộ phim đã giúp diễn viên chính đoạt tượng Oscar) để biết về cuộc đời của nhà khoa học nổi tiếng này.

Stephen Hawking là một nhà vật lý học, nghiên cứu về khoa học vũ trụ. Ông nổi tiếng không chỉ bởi những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực khoa học vũ trụ mà còn bởi chính cuộc đời của ông. Năm 20 tuổi, ông mắc một căn bệnh làm ông không thể đi, đứng và nói như người bình thường. Sau đó, qua một cơn viêm phổi, ông không còn có thể nói được. Từ đó, ông chỉ ngồi xe lăn và giao tiếp qua một máy tính có phát ra giọng nói. Từ lúc phát bệnh, người ta tiên đoán ông chỉ sống được thêm vài năm. Nhưng không ngờ, với ý chí và niềm say mê cuộc sống của mình, căn bệnh không thể đánh gục ông (đến nay ông vẫn còn sống và qua 70 tuổi) mà ông còn nghiên cứu ra biết bao công trình vĩ đại từ khi ngồi xe lăn và không giao tiếp như người bình thường. Đó thực sự là một phi thường.

Lược sử thời gian là một quyển sách viết về khoa học trái đất và vũ trụ, được Stephen Hawking viết bằng một ngôn ngữ phổ thông, trong sáng dành cho những người không nghiên cứu về vật lý.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1988, Lược sử thời gian đã tạo nên bước ngoặc trong các tác phẩm khoa học: hơn 9 triệu bản in, dich sang 40 thứ tiếng trên toàn thế giới.

Xuyên suốt quyển sách là những câu trả lời cho 2 câu hỏi lớn: Chúng ta từ đâu tới? và tại sao vũ trụ lại vận hành như nó hiện nay?

Quyển sách này có đôi chút khó đọc vì dù rất cố gắng, Stephen Hawking không thể thay thế hết tất cả những thuật ngữ khoa học vụ trụ bằng những ngôn ngữ bình dân. Ngoài ra, không phải tất cả chúng ta đều có khả năng hiểu hết các định luật, quy luật của vật lý.

Tuy vậy, Lược sử thời gian vẫn có một sự lôi cuốn kỳ lạ (doanh số bên trên là một bằng chứng). Những người “ngoại đạo” vẫn tìm được vô số điều lý thú và học hỏi trong những trang sách khô khan ấy.

Lược sử thời gian cho ta cách nhìn về khoa học đúng bản chất của nó: giải thích các hiện tượng tự nhiên. Người ta dùng những THUYẾT để giải thích cho các sự vật hiện tượng. Nếu một ngày nào đó, chúng ta phát hiện ra một trường hợp sai thì ta có thể bỏ thuyết đó đi và thay bằng một thuyết mới. Và như vậy, khoa học mới phát triển. Không có gì là cứng nhắc và vĩnh cữu. Như một chia sẻ của Stephen Hawking: sau khi đạt học vị tiến sĩ, ông tiếp tục nghiên cứu. Một ngày, ông phát hiện ra rằng luận án tiến sĩ của ông thực chất là sai hoàn toàn (?!).

Lược sử thời gian cũng cho chúng ta thấy khả năng tìm tòi và khám phá của con người từ quá khứ xa xưa cho đến nay qua những nghiên cứu của Aristos, Galile, Einstein,.. Ngay cả những nghiên cứu đó không đi đến đích (mục tiêu ban đầu) thì nó cũng đã giúp cho một loạt những khám phá khoa học đi kèm được công bố và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Một câu hỏi trăn trở của Stephen Hawking cho đến nay là: liệu có một lý thuyết (hay một phương trình nào) thống nhất hoàn chỉnh để giải thích cho sự hình thành và phát triển vụ trụ hay không? Nếu có thì nó là gì? Nó giúp ích gì cho cuộc sống của chúng ta? Nếu nó không giúp gì, liệu chúng ta có nên tiếp tục đi tìm nó hay không?

Và như Stephen Hawking chia sẻ trong Lược sử thời gian, câu trả lời rất đáng để chúng ta suy ngẫm:

“Sự phát minh ra lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh có thể không giúp gì cho sự sống sót của chúng ta. Nó thậm chí cũng có thể không ảnh hưởng gì đến lối sống của chúng ta. Nhưng ngay từ buổi bình minh của nền văn minh, loài người đã không bằng lòng nhìn những sự kiện như những thứ rời rạc và không giải thích được. Họ đã khao khát hiểu biết cái trật tự nằm sâu kín trong thế giới. Ngày hôm nay, chúng ta cũng vẫn trăn trở muốn biết tại sao chúng ta lại ở đây và chúng ta từ đâu tới. Khát vọng tri thức, khát vọng sâu xa nhất của loài người, đủ để biện minh cho sự tìm kiếm liên tục của chúng ta. Và mục đích của chúng ta không gì khác hơn là sự mô tả đầy đủ vũ trụ, nơi chúng ta đang sống.””

Lan Tô Thị Hoàng – Goodreads

“Trước khi đọc cuốn sách A brief history of time của Stephen Hawking , mình hoàn toàn không có khái niệm về vụ trụ, mình chưa bao giờ tự đặt câu hỏi vụ trụ bắt đầu như thế nào, và liệu nó có biến mất không ? Thời gian liệu có thể giãn nở được và mình có thể quay trở lại quá khứ hay có thể đến tương lai được không ?

Lúc mới đọc sách mình khá ngần ngại khi cầm 1 cuốn sách thiên nhiều về lĩnh vực: triết học, thiên văn học và vật lý . Vì mình không giỏi về vật lý và khi đọc cuốn sách này mình đã phải google search rất nhiều về các khái niệm liên quan đên lĩnh vực vật lý, mình đã xem thêm phim Hidden Figures của Theodore Melfi để hiểu được quá trình tính toán của các nhân viên ở NASA làm sao để con người có thể bay vào vũ trụ.

Sau khi đọc xong cuốn sách này kiến thức về vụ trụ của mình đã được mở rộng hơn rất nhiều.
Theo như cuốn sách viết thì mình biết được vụ trụ không phải tĩnh mà là nó đang giãn nở, khoảng cách giữa các thiên hà ngày càng tăng lên , vận tốc của các thiên hà tỉ lệ thuận với khoảng cách giữa các thiên hà và cho đến tận bây giờ thì loài người chưa biết liệu vũ trụ có biên không hay nó sẽ giãn nở mãi mãi.

Hay có 1 điều thú vị là trong cuốn sách này đã mô tả những ví dụ để chứng minh rằng thời gian dường như chạy chậm hơn khi ở gần những nơi có trọng lượng lớn như trái đất. Hay tại sao con người chỉ nhớ những thứ xảy ra trong thời gian quá khứ mà không nhớ những thứ xảy ra trong tương lại. Stephen Hawking cũng băn khoăn câu hỏi liệu độ cong của thời gian có thể mang chúng ta quay lại quá khứ được không? Sách khoa học nhưng khá hài hước, ông có đặt 1 câu hỏi , vậy nếu chúng ta có thể quay lại quá khứ và giết chết ông bà cụ của chúng ta thì liệu có chúng ta ở hiện tại ? : ))

Cuốn sách cũng giúp mình hiểu về lỗ đen của vụ trụ, và mình khá bất ngờ khi lỗ đen không hoàn toàn là 1 màu đen, mà nó cũng phát sáng.

Một câu hỏi băn khoăn là vũ trụ bắt đầu từ vụ nổ lớn vậy liệu nó có kết thúc bằng vụ co lại lớn không?”

Nga Nguyễn – Goodreads 

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”

“Cái quyển này từ hồi coi về vũ trụ năm nào mình cũng rớ tới nó một lần. Nhưng thật sự thì mình đọc xong cũng không tự tin là hiểu lắm (đến năm nay được giảng lại mới tự tin hơn). Lúc ấy cũng chưa có để ý đến chuyện nên đọc Lược sử thời gian trước. Nghe bạn mình bảo Lược sử thời gian dễ hiểu hơn nhiều, nếu đã thông qua được Lược sử thời gian thì Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ sẽ rất dễ vô. Khoảng hai chương đầu của quyển này cần đọc chậm để hiểu vì tác giả nhắc nhiều về các thuyết và khái niệm. Nắm được các định nghĩa này rồi đi những chương sau sẽ trơn tru hơn. Bên cạnh đó, thật sự thì lối hành văn của Stephen Hawking đối với mình khá là buồn cười, ổng hơi xéo sắc nên thỉnh thoảng gặp những đoạn ổng khịa cái này cái kia ở trong một quyển sách khoa học thì cũng thư giãn lắm.”

Sói – Goodreads

“Mình không hẳn hiểu hết được những kiến thức diễn tả ở trong sách (mình không học chuyên ngành vật lý lý thuyết, cũng không research thêm). Mà điều tuyệt vời mình nhận được khi đọc sách này, mình cũng nghĩ rằng đây là sự thành công xuất sắc của tác giả, đó là đã khơi gợi, dẫn dắt óc tư duy và tưởng tượng của mình đắm chìm vào một thế giới khác; mang đến những cái nhìn mới hoàn toàn mà mình không thể nào có được khi chỉ suy nghĩ về những cái đang thấy ở thế giới thực này. Những cái nhìn mới, lạ và tuyệt từ một con người có tầm nhìn vượt xa người thường. Cũng từ đây mình cảm nhận được vẻ đẹp của toán học, của vật lý từ những phương trình khô khan, đồng cảm được phần nào những điều tuyệt vời mà những nhà khoa học – nhìn từ bên ngoài là những người khô khan và quái lạ – say mê, họ đắm chìm suy tư trong thế giới riêng của họ, thế giới vật chất không giới hạn.. Bạn yên tâm nhé, quyển sách này hoàn toàn không có phương trình hay toán học gì cả, chỉ là mình đang liên kết nó với các môn học tích phân 2 lớp, 3 lớp diễn tả hình yên ngựa hay những hình không gian khác mà ngày xưa mình từng “bị” học ở đại học thôi, và cũng liên kết từ cảm xúc của mình hồi xem phim “A beautiful mind” nữa. Cuối sách là phụ lục các thuật ngữ một cách ngắn gọn dễ hiểu, khá hữu ích để đọc sách hoặc để research nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ.

Hãy cảm nhận quyển sách theo cách của bạn, tận hưởng nó, để những suy tưởng của bạn được tác giả dẫn đi một chuyến tham quan vũ trụ, phiêu lưu vào một thế giới khác nhé; thế giới mà có chúng ta ở trong đó, nhưng chưa bao giờ ta phát hiện ra nó. (^_^)”

Quê Hương – Goodreads

“Không thể tin được rằng mình lại tìm được một cuốn sách của Stephen là dễ gặm như vậy. Không hề khô khan như những cuốn sách khoa học khác, hay chính như cuốn lược sử thời gian của tác giả. Bằng cách viết cô đọng, dễ hiểu, các kiến thức về vậy lý và thiên văn học trong tác phẩm được Stephen diễn dãi cực kỳ thu hút. Nó khiến cho người đọc đi từ hiện tượng này đến hiện tượng khác. Các ví dụ và thí nghiệm được trình bày cực kỳ dễ hiểu và tưởng tượng. Qua đó, người đọc có thể bổ sung được kha khá kiến thức, nhìn nhận được một khía cạnh đẹp đẽ nào đó của vũ trụ.”

Eric June – Goodreads

“01:30 sáng ngày 15/11/2019
Thực sự mà nói thì đây là quyển sách quá sức đối với con người chỉ giỏi “học thuộc” ban A như mình. Qua đây mới thấy 7 8 năm đèn sách mà kiến thức vật lý vẫn chỉ là một loại “hạt cơ bản” mà thôi. Dù chưa thực sự cảm được hết những kiến thức trong này nhưng lối viết của Hawking rất dễ hình dung, hơn nữa cuối sách lại có phần giải thích thuật ngữ nên cũng đỡ gây khó khăn với người đọc (thú thực là chỉ đỡ chứ vẫn thấy khó vô cùng).

Để lại ấn tượng nhất với mình là mấy chương viết về thuyết tương đối tổng quát của Einstein giải thích lực hấp dẫn là do sự uốn cong của không – thời gian 4 chiều, kỳ dị Big Bang, black hole hay là khả năng của những chuyến du hành thời gian thông qua lỗ không – thời gian, p mạng,…

Nói chung quyển này không dùng để giải trí đơn thuần nhưng vẫn recommend như là một “The Universe in a Book”.”

Hoa Pham – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Lược Sử Đời Tôi”

“Đến khi viết lược sử về đời mình, Stephen Hawking vẫn trung thành với lối viết khoa học và tường minh. Cuốn sách ngắn giúp bạn hiểu sơ lược về cuộc đời của ông, từ khi còn là cậu sinh viên thông minh đến khi vươn lên thành một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất thế kỷ. Bên cạnh sự nghiệp lừng lẫy, người đọc có cái nhìn đời hơn về cuộc sống cá nhân thăng trầm của ông và hiểu lý do ông luôn kiên cường nghiên cứu dù giới hạn về thể lực. Mình không đọng lại quá nhiều khi kết thúc sách vì nó ngắn thực sự, lối viết lý trí nên sẽ không có câu văn hoa mỹ gợi cảm đâu ạ. Hợp với tất cả mọi người vì nó ngắn và đầy đủ.”

Thủy Ngân – Goodreads

“Chính bộ phim “ The Theory of Everything “ đã đưa mình đến đây. Phải nói thực mình hâm mộ Stephen Hawking vì sự tài năng và tinh thần vượt khó chứ không phải bản thân hấp dẫn của cuốn sách này. Mới đầu là mình đọc cuốn Lược sử thời gian nhưng với một thằng học lại vật lý như mình thì hiểu thế quái nào được cơ học lượng tử, thuyết tương đối rộng, lỗ sâu đục, hố đen, du hành thời gian và thời gian ảo. Giá như đọc nó 6 năm trước thì may ra còn niềm thích thú cực kì với thiên văn học.

Lược sử đời tôi kể về cuộc đời nhà bác học Stephen Hawking – một thiên tài khuyết tật, đã dành cả cuộc đời cho nghiên cứu vật lý. Năm 21 tuổi, ông được chuẩn đoán mắc chứng thần kinh vận động khiến cả quãng đời còn lại trở nên tàn tật , thậm chí về sau còn không còn có khả năng phát ra tiếng nói. Nhưng bằng tiên tiến khoa học trợ giúp, ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu bằng sự say mê hơn trước. Hawking không bận tâm tới vấn đề mình bị khuyết tận, thậm chí ông còn vui vẻ thừa nhận rằng : Vì bị khuyết tật nên không phải tốn thời gian cho giảng dạy sinh viên và tham gia các uỷ ban tẻ nhạt như các giáo sư khác mà toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu. Hawking không nhận được giải Nobel vì những nghiên cứu của ông khó mà có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Một trong những động lực giúp ông tìm lý do và động lực sống đó là người vợ đầu tiên Jane Wilde.

Nếu cảm thấy chán nản và thiếu động lực cho cuộc sống này hãy tìm đọc cuốn sách này. Hay một gợi ý khôn ngoan hơn đó là bộ phim “ The Theory of Everything “. Nó sẽ giúp một kẻ ngoại đạo như bạn dễ hiểu hơn. Thôi thì nốt năm nay sẽ đọc nốt Lược sử thời gian vậy. Cố lên!”

Cương Hoàng – Goodreads

“Quyển sách này khá mỏng, được chính tác giả viết với phong cách rất bình thản. Cuộc đời của Stephen Hawking thật sự là vĩ đại. Một quyển sách tạo động lực mặc dù cách viết thì chỉ muốn kể về lược sử của tác giả. nhẹ nhàng, ngắn gọn cho những độc giả biết thêm về ông: từ gia đình, hôn nhân, sự nghiệp và quan trọng là nói về chủ đề mà suốt cuộc đời tác giả theo đuổi: vũ trụ. Để cho những người ngoại đạo ko biết gì về thiên văn học hay vũ trụ hiểu mang máng thôi.

Một thế giới diệu kì.

Khi thấy mình thật là bé nhỏ, chỉ là hạt bụi bé xíu lơ lửng trong vũ trụ và thiên hà này.

Một con người vô cùng đáng khâm phục, chứng minh được rằng ko gì là ko thể. Ông đã sống thật trọn vẹn khi gần như từ bỏ mọi kì vọng từ năm 21 tuổi vì bị bệnh teo cơ. Ông đã sống một cuộc đời hạnh phúc với tình yêu thương và niềm đam mê vật lý và với mong mỏi mọi người có thể biết nhiều hơn về vũ trụ. Vũ trụ đến từ đâu?…

Tuyệt vời lắm ý. Thức dậy từ 4h sáng chỉ để đọc tiếp phần còn dở dang từ hôm qua.”

Phuongvu – Goodreads

“Stephen Hawking là nhà vật lý lý thuyết và vũ trụ học mà tôi thần tượng và ngưỡng mộ nhất nên khi biết được cuốn sách này tôi đã rất hào hứng. Sách kể khá chi tiết về cuộc đời của ông, về hôn nhân, gia đình, sự nghiệp và cũng có những chương nói về những công trình nghiên cứu vĩ đại của ông, cũng như một phần nhỏ trong quyển sách kể về cuộc đời mình mà ông dành cho khoa học vũ vụ như lỗ đen, sóng hấp dẫn,… Tôi rất thích quyển sách này.”

Myna – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “Bản Thiết kế Vĩ đại”

“Ai có thể nhận xét và phê bình những luận điểm của một nhà khoa học lừng danh? Hẳn không phải là phần lớn độc giả. Các lý thuyết được trình bày trong sách khá khó hiểu, không chỉ vì việc chuyển ngữ (dịch giả hẳn gặp khó khăn không ít khi cố gắng hiểu những gì mình đang “viết” ra), mà còn vì các tác giả dường như đã bỏ qua việc giải thích nhiều vấn đề mà người đọc cần biết.

“Vì có một định luật như sự hấp dẫn, nên vũ trụ sẽ có thể và tự tạo ra từ hư vô theo kiểu đã mô tả ở chương 6. Sự ra đời tự phát là nguyên do có cái gì đó chứ không phải không có gì, tại sao vũ trụ tồn tại, tại sao chúng ta tồn tại. Không nhất thiết viện dẫn Chúa để đưa vũ trụ đi vào hoạt động.”

Một đoạn văn tối nghĩa. Người đọc hẳn vẫn sẽ thắc mắc tại sao nhờ luật hấp dẫn mà vũ trụ được tự tạo ra, chứ không phải nhờ một lý do gì khác. Câu hỏi lớn của nhân loại được trả lời một cách mơ hồ. Liệu Chúa có tồn tại không? Con người chưa thể chứng minh được Chúa không tồn tại, nhưng Stephen Hawking cho rằng “khoa học làm cho Chúa trở thành không cần thiết“.

Sau khi đọc quyển sách này, nhiều người sẽ có thêm niềm tin vào sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo, bởi những sự may mắn và tình cờ khó hiểu để tạo nên những nguyên tố sự sống, hay vì Trái Đất được nằm trong vùng Goldilocks một cách vô cùng kỳ diệu; một số khác sẽ cho rằng sự sống chỉ là kết quả của sự biến thiên đầy ngẫu nhiên, trong sự vô tận của đa vũ trụ. Nhưng rốt cuộc, con người vẫn sẽ tiếp tục cuộc hành trình đi tìm một Đấng Sáng Tạo của mình.

Tất cả những điều kỳ diệu về sự sống có thể giải thích đơn giản bằng nguyên lý vị nhân, nhưng đây chỉ là một khái niệm triết học mang một vẻ lấp liếm khi dùng để giải thích về vũ trụ, do sự hiểu biết hạn chế của con người. Nguyên lý này hầu như không có giá trị gì trong việc đưa ra các lý lẽ xác đáng mang tính khoa học.

Cuốn sách nói nhiều về thuyết M nhưng lại thiếu phần lịch sử của nó. Dường như các tác giả muốn người đọc ngầm hiểu rằng cái tên của thuyết M này được một thế lực bí ẩn của vũ trụ rót vào tai của các nhà khoa học lúc họ đang say ngủ. Thực chất, đây là một lý thuyết chưa hoàn chỉnh và đang được nghiên cứu, nên các nhà khoa đã đặt một cái tên tạm thời cho nó và sẽ quyết định ý nghĩa của nó sau khi nó có một hệ công thức nền tảng rõ ràng.

Vũ trụ và sự sống vẫn luôn là những điều kỳ diệu để con người khám phá.”

Pham Tung – Goodreads

“Sách là cuộc hành trình của con người từ cổ chí kim đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về sự tồn tại của đấng sáng tạo về một lý thuyết thông nhất vạn vật. Sách sẽ đưa người đọc qua các thời kỳ khác nhau của nhận thức của con người về thế giới xung quanh từ nhưng ý niệm về thần linh đến các phương trình và lý thuyết trừu tượng. Và rồi người đọc nhận ra rằng nhưng nếu nhìn thèo nhiều cách khác nhau chúng ta – con người là 1 bản thiết kếvĩ đại hoặc chỉ là bản thiết kế bình thường không muôn vàn bản thiết kế khác trong đa vũ trụ mà thôi. Cuốn sách chưa đưa ra một câu trả lời chỉnh xác và cụ thể mà sách đã gợi mở nhưng là đủ để người đọc có được nhưng ý niệm mới về thế giới và vụ trụ chúng ta đang sống.”

Thành Thuận – Goodreads

“Đúng là nhà khoa học kết hợp vs người làm truyền thông nên cách viết mượt hẳn ít ra trong 3 tiếng ngồi đọc cũng tiêu được một chút chứ ko đến mức nổ đầu chả hiểu gì. Rất hay bởi vì nó đều xuất phát từ những câu hỏi đơn giản khiến bất cứ ai cũng phải xao xuyến như tại sao có cái gì đó chứ ko phải hư vô? Tại sao chúng ta lại xuất hiện, tại sao chúng ta tồn tại?

Mặc dù đọc xong cũng ko trả lời hết đc nhiều lắm nhưng cũng phần nào, đặc biệt là có 1 số ý tưởng để update blog kiki. Đọc hơi vội nhưng có lẽ chỉ thế thôi vì thực ra vẫn có những lí thuyết mà đứa dốt lí như mình đọc kĩ cũng chả hiểu nổi!”

Clementine – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

Review “George và Vụ nổ Big Bang”

“Mình thấy mình đọc khá nhiều truyện thiếu nhi, có thể vì mình chưa hết chất thiếu nhi, và vì mình phải đọc được những gì bạn nhỏ ở nhà mình đọc.

Mình đã follow series truyện vũ trụ này từ tập đầu tiên khi học lớp 7, lúc đấy háo hức với kiến thức mới cực kì và nhất nhất bứng lên giờ Địa lý cho bạn bè lác mắt :)) Bây giờ khi lớn rồi mình lại mua cho em gái mình đọc, và đón nhận nó ở một góc độ khác, nên không chắc đây sẽ là một bình luận mà sự khen chê là chính xác.

Cuốn sách vẫn gói ghém trong nó rất nhiều kiến thức về vật lý, vũ trụ, không gian, cùng minh họa sinh động, hình ảnh trực quan. Cách mà các kiến thức đó được lồng ghép vào mạch truyện cũng khá tự nhiên nữa, chưa kể plot lần này có vẻ hấp dẫn nhiều hơn phần trước. Trừ kết thúc có phần hơi vội và hẫng thì đây đích thực là một món quà hấp dẫn cho các bạn nhỏ từ 8 – 15 tuổi đam mê khoa học không gian nè!”

Le Quynh Huong – Goodreads

“Chú heo Freddy của George ngày càng lớn, ba mẹ cậu bé vốn đã không thích Freddy nên việc này khiến họ quyết định đưa nó đến trang trại để vườn sau nhà trống trải hơn. George rất buồn khi xa Freddy, vì vậy, thông qua sự giúp đỡ của Annie với Cosmos, cậu bé muốn tìm một nơi ở vũ trụ (hay Trái Đất) mà Freddy có thể sống thoải mái mà không bị làm phiền. Hai đứa trẻ quyết định đưa Freddy xuống tầng hầm khoa Toán ở đại học nơi chú Eric đang nghiên cứu ở tạm một thời gian trước khi tìm được nơi khác thích hợp hơn. Nhưng tại đây, bọn chúng tìm cờ nghe được cuộc trò chuyện của một nhóm người mặc đồ đen, hành tung rất mờ ám mà sau này bọn chúng biết được đó chính là nhóm Giẻ Chùi Chân. Bọn họ quyết tâm phá hoại công trình của chú Eric tìm hiểu về khởi đầu của vũ trụ bằng những âm mưu rất hiểm độc. George và Annie phải tìm ra phương hướng để đối phó với bọn họ, nhằm bảo vệ công trình của chú Eric, với mong muốn mọi người đều biết đến công trình này để hiểu rõ hơn về vũ trụ, về Trái Đất nơi chúng ta đang sinh sống.

So với tập 1 là Chìa khóa vũ trụ của George thì tập 3 này nội dung nặng nề và u ám hơn hẳn, tất nhiên với độ tuổi của mình thì đọc không có vấn đề gì, nhưng đây là sách dành cho thiếu nhi, nên nội dung thế này thì hơi nặng đô. Thêm nữa, sự nặng đô còn đến từ khối lượng kiến thức trong cuốn này, với mình thì kiến thức trong tập 3 này nhiều và khó cảm nhận hơn tập 1, nhiều đoạn mình đọc nhưng không hiểu, vậy nên mình không nghĩ là các em nhỏ khi đọc sẽ hiểu được nó. Tuy nhiên, khâu biên tập của Nhã Nam cho cuốn này lại khá tốt, chỉ có hai lỗi chính tả. Sau khi đọc xong cuốn này, trong tương lai mình phải cân nhắc thật kĩ khi mua hai cuốn rất nổi tiếng của tác giả Stephen Hawking là Lược sử thời gian và Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, vì nếu hai cuốn đó viết theo lối hàn lâm và tầm kiến thức cao hơn những series về George do Nhã Nam xuất bản thì mình không muốn rơi vào tình trạng đọc như vịt nghe sấm, đọc xong mà chỉ hiểu được chút ít, hiểu mài mại, mình sẽ chỉ đọc khi mình chuẩn bị sẵn sàng tất cả những kiến thức cần thiết để tìm hiểu về nó.

Đánh giá cá nhân: 4/5”

Mã Phong – Goodreads

“George and the Big Bang của Lucy và Stephen Hawking là một cuộc phiêu lưu hấp dẫn cho thấy ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, người ta phải cẩn thận và không đưa ra quyết định vội vàng. Tôi rất thích đọc cuốn sách này vì nó gắn những sự kiện / hình ảnh thực tế, hấp dẫn về không gian vào một cuộc phiêu lưu tưởng tượng, vui nhộn. Cốt truyện thu hút người đọc ở góc cạnh của chỗ ngồi của họ và khiến họ không bao giờ muốn ngừng đọc. Mặc dù cốt truyện có nhịp độ nhanh, cuốn sách bao gồm một số chủ đề quan trọng trong cuộc sống. Ví dụ, cuốn sách đề cập rằng các nhà khoa học cũng cần phải lắng nghe những người không thích khoa học. Từ cuốn sách: “Hành tinh thuộc về tất cả chúng ta, và chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra sự khác biệt.” Điều này cho thấy quan điểm của mọi người cần được xem xét trong các quyết định quan trọng. Nhìn chung, George và Vụ nổ lớn là một cuốn sách tuyệt vời mà tôi giới thiệu cho độc giả ở mọi lứa tuổi.”

Anuva B – Goodreads

Xem thông tin chi tiết sách trên Tiki hoặc Shopee

 

Kiều Cưng

 

 

341001094_241499201737222_6975183209450634611_n

Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN

“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…

121995237_10222652364914530_3728241313764895972_n

Review David và cây vĩ cầm biết nói

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách đẹp tới tột cùng, một vẻ đẹp hồn hậu, trong veo và thanh khiết nhất. Chắc chắn David…

129862145_2714551872207772_678045430805396291_n

Review JOE SỐ DÁCH

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách để truyền cảm hứng sống: chân thành, chăm chỉ, tự do…mình tin chắc JOE SỐ DÁCH sẽ phù…