Green Library - Cùng con yêu sách

Thạch Lam là ai?

Thạch Lam (1910-1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh, là một nhà văn Việt Nam thuộc nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông là em ruột của hai nhà văn khác cũng trong nhóm Tự Lực văn đoàn là Nhất Linh và Hoàng Đạo. Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có các bút danh là Việt SinhThiện Sỹ.

Thạch Lam sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại, thuở nhỏ chủ yếu sống ở quê ngoại, phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thạch Lam là người con thứ 6 trong gia đình 7 người con (6 trai, 1 gái). Nguyên tên ban đầu của ông do cha mẹ đặt là Nguyễn Tường Vinh. Đến năm Thạch Lam 15 tuổi, thấy mình học chậm, cần tăng thêm tuổi để học “nhảy” 4 năm, ông làm lại khai sinh thành Nguyễn Tường Lân.

Là thành viên của Tự Lực văn đoàn, ngòi bút của Thạch Lam có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của những người dân bình thường nghèo khổ.

Báo chí nói về Thạch Lam

Sách của Thạch Lam

  • Gió lạnh đầu mùa
  • Nắng trong vườn
  • Hà Nội băm sáu phố phường
  • Sợi tóc
  • Theo giòng
  • Ngày mới
  • Dưới bóng hoàng lan
  • Hai đứa trẻ
  • Cô hàng xén
  • Đói

Review “Gió lạnh đầu mùa”

“Chọn cuốn này để đọc vì ấn tượng với tên cuốn sách: Gió đầu mùa. Đã vốn quen với những Hà nội băm sáu phố phường, Hai đứa trẻ, cứ nghĩ rằng đây là một cuốn tản văn, với những câu truyện không đầu không cuối và đầy chất thơ. Nhưng mà không. Nếu bạn tìm một cuốn sách để đọc vào những ngày đông lạnh, để tìm chút bồi hồi của những ngày đông xưa, thì cuốn sách này không dành cho bạn đâu. Có khi, những câu truyện còn làm bạn thêm buồn, buốn thấm thía và sâu sắc nữa.”

Anh Vũ – Goodreads

“Gió lạnh đầu mùa với mình là những mẩu truyện hết sức dung dị. Đọc nó trong một ngày trời se lạnh, trước mái hiên nhà , với những cơn gió thổi lay lắt hàng tre, hàng xoan trước ngõ bạn sẽ thấy những mẩu truyện này ngấm cả vào tim.
Có lẽ với những con người ở những vùng quê nghèo và còn vương lại chút gì đó bóng dáng của ngày xưa sẽ dễ thấy được điều gì đó gần gũi, thấp thỏm trong những truyện ngắn này hơn.”

San San – Goodreads

“Gió lạnh đầu mùa” là tuyển tập truyện ngắn của Thạch Lam, với một mẹ Lê góa bụa, nghèo khổ phải nuôi một đàn con đông đúc, một bác Dư làm phu xe ở phố hàng Bột, một Sinh và Mai sống dưới mái nhà nghèo đói, hai đứa trẻ Liên, An thao thức chờ chuyến tàu đêm,… Những nhân vật trong các truyện ngắn thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau nhưng đều là những người lao động nghèo khổ, mang gánh nặng gia đình, gánh nặng cơm áo gạo tiền và cả gánh nặng nô lệ dưới xã hội nghiệt ngã của chế độ thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ.

Song trong hoàn cảnh tưởng chừng vô vọng ấy lại le lói những tình cảm thật đẹp. Tình người trong “Gió lạnh đầu mùa” ấm áp như một chiếc áo cứu rét đầu đông. Tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình hàng xóm láng giềng, và thậm chí cả tình cảm giữa những người xa lạ đều được nhà văn truyền tải vô cùng xúc động dưới ngòi bút nhân văn sâu sắc.”

Rosie – Goodreads

Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Nắng trong vườn”

“Mình thích văn tả của Thạch Lam vì nó đầy thơ và rất tình, vì ông là người rất chịu khó để ý và tận hưởng những cái đẹp nho nhỏ giữa cuộc sống bình dị và còn nhiều khó khăn đương thời, mà tiêu biểu là Hai đứa trẻ, Nắng trong vườn, Buổi sớm..”

Le Quynh Huong – Goodreads

“Vẫn cứ là Thạch Lam, dịu dàng vô cùng. Tưởng như mọi sự qua mắt con người này đều được lọc qua một lớp kính đẹp đẽ, trong trẻo. Đời có xấu xí khó khăn đến mấy thì Thạch Lam vẫn luôn tìm ra được một góc vườn nắng dịu, một làn gió nhẹ thoảng qua đưa hương hoa thấm đẫm vào lòng người.”

Huyen Pham – Goodreads

“Hai đứa trẻ, đọc đoạn đầu tiên mình đã khóc, vì nó luôn như vậy, luôn có khả năng làm mình xúc động dù là lần thứ bao nhiêu mình đọc nó. Đẹp và trong sáng và buồn ghê, cảnh, người, không khí, chuyển động, tất thảy, giống như những bánh răng khít vào nhau tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo. một sự kết hợp hoàn hảo rất buồn, rất đẹp, rất đáng xúc động. Đây đúng là tác phẩm tinh túy nhất của Thạch Lam, khi mà cái chất buồn bã mà lại dịu dàng, gây trầm tư nhưng cũng tạo niềm hi vọng trong đó cứa vào lòng mình, nhưng cũng làm dịu đi nỗi đau.”

Gấu – Goodreads

Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Hà Nội băm sáu phố phường”

“Những dòng văn Thạch Lam viết về cốm bình dị nhưng giàu chất thơ, là kinh điển cho tùy bút về Hà Nội.

Cốm là thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam.

Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.”

Nguyen Linh Chi – Goodreads

“Đọc mà sướng cả vị giác. Tóm gọn cuốn sách trong ba từ: sành, tâm huyết, hoài cổ. Sành về những món “quà của đất”, cách thưởng thức, những nơi ăn chơi ở đất Hà Thành. Tâm huyết của một nhà văn yêu Hà Nội bằng cả tâm hồn, mong cho nó giữ mãi những giá trị bền vững, cái cốt cách vững vàng của người Hà Nội trước những làn sóng văn hoá mới. Hoài cổ với những phố phường, kiến trúc đô thị xưa cũ, những lớp người đã đi qua nhưng để lại và gìn giữ cho đời bao thứ “quà” trân quý.”

Thang Tran – Goodreads

“Hà Nội băm sáu phố phường – một tập san về ẩm thực Hà thành ngập ngụa yêu thương. Đó là tình yêu và tình thương mà chàng trai trẻ Thạch Lam dạo ấy dành cho vùng đất kinh kỳ, tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng đầy ắp, đầy đến mức một kẻ ngáo ngơ như mình cũng cảm nhận được.

Những thức quà trong cuốn sách mỏng tang này vẫn thật hợp thời làm sao! Dù là một thế kỷ trước hay ngày nay, chút quà Hà Nội vẫn là điều gì đó đầy mong đợi và quý hóa lắm. Mình cho là vậy bởi vì chính mình cũng mê tít thứ gọi là “quà Hà Nội”.”

V. – Goodreads

“Một cuốn sách hay viết về Hà Nội và những nét đẹp giản dị của mình. Thạch Lam là một nhà văn thuộc phái Tự lực văn đoàn với điểm nổi bật nhất chính là nét mộng mơ tinh tế trong các sáng tác của mình. Thạch Lam không phải là người con của đất Hà Thành nhưng đã có thời gian dài làm việc và sinh sống tại Hà Nội, có lẽ vì vậy mà tình yêu của ông với mảnh đất nghìn năm văn hiến này đã được bồi đắp qua thời gian như vậy.
Đọc “Hà Nội băm sáu phố phường”, ta có thể tìm thấy trong đó hình ảnh của Hà Nội thời kì trước đẹp đến nhường nào, những thú vui thanh tao vô cùng của người Hà Nội, và cả tình yêu sâu đậm của chính tác giả dành cho mảnh đất thủ đô này.”

Hoang Ngan TRAN – Goodreads

Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee

Review “Sợi tóc”

“Ngày xưa chỉ biết Thạch Lam là tác giả của ‘Hai đứa trẻ’, ngày nay đã được đọc nhiều hơn những truyện ngắn của ông rồi. Tập “Sợi tóc” tuy khiêm tốn về số lượng truyện, nhưng truyện nào cũng khiến mình dừng lại để ngẫm và nghĩ suy. Ngôn từ đậm chất thơ, nhẹ nhàng mơn man lại mang những nỗi buồn hoang hoải.

Đọc xong mình vẫn tấm tắc khen hoài khi Thạch Lam lấy “sợi tóc” đặt nhan đề cho câu chuyện. Hay thật !”

V. – Goodreads

“Khi chạm tay vào cuốn sách này, bỗng dưng tôi thấy cả một thế giới kì lạ hiện ra sừng sững: một thế giới nơi niềm vui và nỗi buồn đều ngưng tụ cùng vào một thời khắc tuyệt đẹp. Ở đó đang dậy mùi hoàng lan của tuổi ấu thơ. Ở đó có nỗi buồn của mối tình đầu lỡ dở, có một đêm ba mươi ấm cúng của những phận đời trôi dạt, có cả niềm hoài niệm tuổi xuân của người phụ nữ làm nghề hàng xén. Cũng có lúc, niềm hưng phấn và những trăn trở suy tư cùng xuất hiện trong một khoảnh khắc tội lỗi vụt qua cũng đủ khiến tôi được một phen hồi hộp đến thót tim, như Thành khi lần đầu ăn trộm trong truyện Sợi Tóc.”

Đào Kiên – Goodreads

“”Sợi tóc” tuy khiêm tốn về số lượng truyện, nhưng khác hẳn với nỗi e ngại của chúng ta về độ mỏng mảnh, nó đủ rộng rãi thể hiện sự trọn vẹn và chín muồi phong cách văn chương của Thạch Lam, đủ lấp lánh để nhìn thấy ở đó dấu hiệu của nỗ lực bứt phà tìm kiếm lối viết, xây dựng cái nhìn mới. Dẫu đường đời không cho phép Thạch Lam đi tiếp hành trình ấy, song như một vòng sóng vừa mở với tất cả độ xao động khác thường của nó, ông đã kịp khai thác những trăn trở về con người, thời thế.”

Rosie – Goodreads

Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee

Nguyễn Nhàn

nghệ nhân - 1

Huyền ảo và hiện thực trong kiệt tác “Nghệ nhân và Margarita” của Bulgakov

Mikhail Bulgakov là một trong những nhà văn tài năng và độc đáo nhất của văn học Nga thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với…

341001094_241499201737222_6975183209450634611_n

Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN

“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…

121995237_10222652364914530_3728241313764895972_n

Review David và cây vĩ cầm biết nói

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách đẹp tới tột cùng, một vẻ đẹp hồn hậu, trong veo và thanh khiết nhất. Chắc chắn David…