Review bộ sách DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN
“Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình quả là rất khó khăn”…
Mục lục
Tô Hoài (tên khai sinh: Nguyễn Sen; 27 tháng 9 năm 1920 – 6 tháng 7 năm 2014) là một nhà văn Việt Nam. Một số tác phẩm đề tài thiếu nhi của ông được dịch ra ngoại ngữ.
Tô Hoài sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… nhưng có những lúc thất nghiệp. Khi đến với văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là qua truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong chiến tranh Đông Dương, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.
Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác. Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
Báo chí nói về Tô Hoài
“Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, nó giống như Chúa Nhẫn vậy. Vẻ đẹp của nó không nằm ở chỗ nó thể hiện sát sao sự phức tạp và xám xịt của thế giới, mà ngược lại, cho người ta thấy, dù chỉ thoáng qua, cái toàn mỹ là thế nào.
Giữa gông cùm của truyền thống và ý thức hệ, và chủ nghĩa dân tộc và thế này và thế nọ, ta có một Dế Mèn, vượt qua bao nhiêu là phiêu lưu, để kết nối muôn loài, và để cho bạn thấy tình bạn là gì.
toàn những thứ cliche cả, bạn có thể nói vậy. Có điều, bạn có sống được như vậy không? bạn có bảo đảm mọi thứ bạn làm đều chí tình chí nghĩa như vậy? hay trong lòng bạn đầy hờn ghen và mặc cảm và sân si?
Tôi sẽ mãi mãi nói rằng, cùng với Doraemon và Bắt Trẻ Đồng Xanh, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký không phải là sách gối đầu giường của tôi, mà là sách để chèn trong tim, để nhắc nhở tôi từng ngày trôi qua rằng: đấy, với tất cả những tự do và những lựa chọn mà mày có trong đời, hãy chọn những thứ thật đẹp, thật rộng rãi.”
Nguyễn – Goodreads
“Lần đầu tiên mình đọc cuốn này có lẽ là từ hồi lớp 3 lớp 4 gì đó, hồi ý vô cùng thích thú với việc tưởng tượng ra từng cuộc hành trình của Dế Mèn. Giờ đọc lại mới ngẫm ra thêm được nhiều thứ, mỗi loài đều có một đặc trưng, một vai trò riêng trong hệ sinh thái, cũng giống như con người, chẳng ai giống ai mỗi người một tính cách, một suy nghĩ. Và điều tất cả hướng tới là một xã hội mọi người cùng nhau đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau chứ không phải một thế giới luôn ganh ghét, đố kỵ, tranh giành quyền lợi với nhau. Một điều quan trọng hơn đó là đừng mãi sống trong vùng an toàn của bản thân, hãy đi ra khỏi hang để khám phá nhiều điều mới mẻ bên ngoài kia nhé. ĐỪNG SỢ!”
Hoa Hana – Goodreads
“Một tác phẩm đã quá đỗi quen thuộc với độc giả. Có lẽ ai trong mỗi chúng ta cũng đã từng 1 lần đọc qua tác phẩm (hoặc một trích đoạn). Trước đây mình cũng đã đọc nhưng gần như quên sạch nội dung theo thời gian. Và khi đọc lại một lần nữa, mình vẫn thấy nó hay một cách kỳ lạ.
Tuy tác phẩm viết cho trẻ em, cho những trí tưởng tượng và tấm lòng hào hiệp nhưng người lớn đọc sẽ có những cảm nhận khác biệt. Có thể nói, Dế mèn phiêu lưu ký là một tập truyện mang đậm chất “hành tẩu giang hồ”. Ở đó Dế Mèn đã trải qua bao thăng trầm, rút ra bao nhiêu bài học đắt giá. Có những chuyến đi mở mang tầm mắt, tích lũy kinh nghiệm sống mà nếu ru rú ở bờ mương bãi đất thì chẳng bao giờ hiểu được. Có từng chương, từng hồi tương ứng với những vùng miền Dế Mèn đi qua, gặp gỡ và kết bạn với tất cả mọi người. Và cuối cùng thì ước mơ chu du bốn bể của Dế Mèn cũng đã được thực hiện.
Chỉ như thế, Dế mới khôn ngoan hơn, hào hiệp hơn, trượng nghĩa hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa lớn nhất của tác phẩm này. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn quả là không sai bao giờ. Bên cạnh đó, những bài học nho nhỏ khác được cài cắm khéo léo để độc giả tự ngẫm ra.
Trong tương lai, Dế mèn phiêu lưu ký vẫn là một trong những cuốn sách cần có trong các tủ sách gia đình cũng như nhà trường.”
Trần Thưởng – Goodreads
“”Dế Mèn phiêu lưu ký” là một tác phẩm thiếu nhi rất nổi tiếng của văn học Việt Nam. Cả một thế giới côn trùng đã hiện lên đầy sống động, chân thực qua ngòi bút của nhà văn Tô Hoài. Các loài vật được nhân hoá và cũng có suy nghĩ, tình cảm, tính cách y như loài người. Không chỉ là một câu chuyện phiêu lưu đầy hấp dẫn, thú vị, “Dế Mèn phiêu lưu ký” còn mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp thông qua hình ảnh chàng Dế Mèn và những người chàng gặp trên đường đi. Bên cạnh việc nhắn nhủ trẻ em về cách đối nhân xử thế, về tấm lòng nghĩa hiệp, tình anh em, bằng hữu, tác phẩm còn ca ngợi lý tưởng sống đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ và thể hiện khát vọng về một xã hội đoàn kết, hòa bình, muôn loài đều yêu thương nhau. Một tác phẩm không thể bỏ qua đối với bất cứ người dân Việt Nam nào.”
Kira – Goodreads
Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee
“Tập truyện của nhà văn Tô Hoài trong đó tôi yêu thích nhất là tác phẩm vợ chồng A Phủ là tác phẩm văn học xuất sắc của nhà văn Tô Hoài về đề tài cuộc sống của người dân miền núi phía Tây Bắc thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật mà sau này sẽ nên duyên vợ chồng là chàng thanh niên A Phủ và Mị. A Phủ vốn là một chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ nhưng trong một lần đi chơi hội đã xung đột với A Sử là con trai của thống lý Pá Tra khét tiếng độc ác trong vùng, sau đó bị A Sử cùng lũ bạn bắt được và đánh đập, nhốt giam. Trong khi đó Mị, một cô gái xinh đẹp bị ép gả làm vợ A Sử nhưng cũng phải chịu cảnh giam cầm, đánh đập và bóc lột như người ở nhà thống lý. Bố con thống lý Pá Tra sử dụng quyền lục của mình để hà hiếp, bóc lột tàn bạo người dân. Không chịu được cảnh sống không bằng chết, Mị giải thoát cho A Phủ và cùng nhau chạy trốn, hai người sau đó đi theo tiếng gọi của Cách mạng và nên duyên vợ chồng, cùng nhau đứng lên giải phóng cho đồng bào khỏi bọn thực dân phong kiến.”
Andy Nguyễn – Fahasa
“Cuốn sách gồm 3 truyện ngắn đặc sắc, ông viết bằng tình yêu sâu đậm với núi rừng cùng phần phụ lục, phê bình văn học tha thiết, thấu hiểu của giáo sư, dịch giả Huỳnh Lý. Tập truyện nhỏ bé mà chứa đựng xiết bao tâm tư 2 nhà văn gạo cội của nước nhà. 3 truyện ngắn Mường Giơn, Cứu đất cứu mường, Vợ chồng A Phủ khắc hoạ chi tiết và sinh động cuộc sống của những người dân miền núi trước và trong thời kỳ cách mạng chống Pháp. Những trang viết dạt dào cảm xúc, đầy ắp nỗi đau thương của chiến tranh, của áp bức mà vẫn ngời sáng lấp lánh tia nắng của hi vọng, của tình người, tình yêu đôi lứa và của sự giác ngộ. Tây Bắc hiện lên qua ngòi bút của Tô Hoài thật đẹp đẽ, tinh khôi với cảnh vật thiên nhiên ngút ngàn, với sản vật trù phú, với con người hồn hậu, thế nhưng, dẫu tác giả không đi sâu vào chi tiết, người đọc vẫn thấy nhói lòng trước những mảnh đời cơ cực nơi đây. Cô Ảng một thời đẹp nức tiếng đất Mường Cơi, cái đẹp để cha mẹ “sinh lo, sinh bệnh” rồi “buồn khổ” mà chết, chết trong cay đắng và tủi cực khi con gái phải “hầu quan”, “không hầu riêng ai” mà hầu khắp quan lớn quan bé. Hai đứa con lang là của các quan lớn quan bé ấy mà nào ai chịu nhận, theo lệ mường, để có tiền nộp phạt vạ cho các quan, bà phải bán đứa con trai và rồi một lần nữa, đau đớn nhìn con gái đi vào cuộc đời hờn tủi như mình. Suốt cả cuộc đời, đến cuối cùng bà mới được một chút hạnh phúc cỏn con: được trông nương, trông kho thóc cho mường mà bà làm với trách nhiệm như nương, như thóc của mình. Bà sống và chết với niềm vui, niềm tin tưởng vào một cuộc đời mới, tươi sáng hơn, rực rỡ hơn cho con cháu bà. Mẹ con bà Ảng trong Cứu đất cứu mường, Mát, Yên trong Mường Giơn, Mị trong vợ chồng A Phủ là đại diện, tượng trưng cho thân phận những người phụ nữ nghèo và khổ đến tận cùng cơ cực lúc bấy giờ. Nghèo, đói, áp bức đến rã rời, họ còn phải chịu trăm nghìn cay đắng, tủi nhục mà không được phép chết, bởi chết đồng nghĩa với bất hiếu, trút hết gánh nặng lên đôi vai gầy guộc của mẹ của cha. Đau thương là thế, nhưng Tô Hoài không viết Truyện Tây Bắc để than nghèo kể khổ. Những câu chuyện thương đau được kể với sự dịu dàng, êm ấm, như một lời thì thầm rằng mọi chuyện đã qua rồi, “trời xanh” đã “thành tiếng hát”, cuộc sống đầy sức trẻ đang sinh sôi, rạo rực chuyển mình. Những bản tình ca vẫn vang lên thắm thiết, vi vút trong tiếng sáo, tiếng khèn, trong tiết tấu rộn ràng của điệu múa, điệu xoè. Tô Hoài viết về tình yêu thật đẹp đẽ, tình tứ mà trong trẻo, vui tươi. Những ánh mắt lúng liếng, những câu hát thắm thiết, đắm say, những câu chuyện kể đậm chất dân gian như vấn vít, giao hoà cùng trời đất mùa xuân tràn trề nhựa sống. Con chim kỳ xanh biếc chân đỏ cất tiếng hót rộn ràng, như là dấu hiệu của những điều may mắn, tràn đầy hi vọng.”
Hoang Ha – Fahasa
“Tác phẩm được Tô Hoài ấp ủ và thai nghén trong quá trình ông cùng bộ đội tham gia vào chiến dịch giải phóng Tây Bắc, khi cùng ăn, cùng ở, cùng sống, cùng chia sẻ với đồng bào. Chính vì thế mà những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, suy tư của đồng bào được tác giả mô tả chi tiết, kỹ lưỡng mang đậm chất hồn hậu của núi rừng. Quá trình vùng lên giải phóng cuộc đời lầm than đến với cách mạng cũng được khắc họa, phân tích tâm lý sắc sảo và tinh tế. Chân dung nhân vật hiện lên rõ nét qua những đoạn tự sự: là sự vùng lên của Mị trong vợ chồng A Phủ, là sự tiếc thương những người bạn láng giềng của Sạ Khi đoạn suối vắng bóng người Dao. Truyện Tây Bắc vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng biên soạn và giới thiệu trong bộ Tủ sách văn học trong nhà trường – bộ sách đa dạng về thể loại, được đầu tư, lựa chọn chỉn chu, kỹ lưỡng lấy nền tảng tính thẩm mỹ và tinh thần nhân bản làm giá trị cốt lõi. Ngoài phần nội dung chính, mỗi cuốn sách đều có phần phê bình văn học sâu sắc, có lẽ sẽ hữu ích nhiều cho nhiều đối tượng, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.”
Ngọc Mai – Fahasa
Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee
“Cảm động tinh thần kháng chiến của Hà Nội và cũng cảm động cho những ngày tháng bị chiến tranh dày xéo của Hà Nội. Tuy vậy, đây là một cuốn sách khá khó đọc vì từ ngữ và khung cảnh đã xa xưa lắm, hơi khó hình dung và liên tưởng với mình.”
Ngoc-Bich Dang – Goodreads
“Cuốn sách dành cho những người yêu Hà Nội. Đối với những người lớn tuổi, cuốn sách gợi lại những kỉ niệm của một thời khốn khó nhưng thấm đẫm tình người, tất cả cùng hướng về một mục đích chung. Đối với những người trẻ tuổi, Hà Nội hiện lên vừa thân quen, vừa lạ lẫm, cuốn sách đã gieo trong lòng người những hạt mầm tốt đẹp về niềm thôi thúc tìm hiểu văn hoá, lịch sử, con người của một thời kì Hà Nội. Đối với tôi, người thuộc về thế hệ sinh ra khi vừa kết thúc thời kì bao cấp và dần chuyển sang thời kì đổi mới, tuổi thơ của tôi là những bộ phim truyền hình màu đầu tiên về Hà Nội, thì cuốn sách đối với tôi như một chuyến du hành vượt thời gian, đi qua những cuộc đời, những hoàn cảnh khác nhau, để tôi được đắm mình một lần nữa trong hình ảnh của một Hà Nội xưa cũ mà tôi luôn yêu mến.”
Loupsauvage – Goodreads
‘Nhà văn kháng chiến cách mạng có khác, không lẫn đâu được. Có lẽ ít cuốn sách nào, và ít nhà văn nào như cụ Tô Hoài, có thể tả được phong cảnh và con người Hà Nội giai đoạn 1954-1972 tốt như vậy.”
Kien Pham – Goodreads
Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee
“Không biết đây là truyện hay là ký nữa khi đan xen giữa sự thật và hư cấu, của một thời kỳ khốn khó của xã hội VN. Một tác phẩm mà rồi rốt cuộc nhân vật chính cũng nhạt nhòa trong câu chuyện, lúc hiện, lúc mờ, rồi những nhân vật có liên quan, những sự thật trần trụi, dần bóc tách. Vì tác giả hơi “tham”, khi đan xen giữa truyện, và ký nên nội dung nó hơi nhập nhằng, hơi nhiều thông tin cho những sự kiện, về nghề, về những số phận. Nhưng bao trùm thì nó làm rõ lên được về những nhân vật “bố mìn, mẹ mìn” và những mảnh đời trôi dạt do “mẹ mìn, bố mìn” đẩy đưa.”
Lâm Nguyễn – Goodreads
“Sự thật trần trụi về một xã hội rối ren, loạn lạc, nơi những tệ nạn (thuốc phiện, bán dâm, buôn người,…), mê tín dị đoan, tham ô, lừa lọc, bị thao túng bởi đồng tiền. Bút pháp tả thực không khiến người đọc phải chua xót, ngậm ngùi vì cái nghèo cái khổ nhưng vẫn làm day dứt, làm trăn trở, thậm chí là rùng mình trước thực tại kinh hoàng của xã hội Việt Nam thế kỉ trước.”
Xuan Phong – Goodreads
“Nghe tựa đề thì tưởng quyển sách viết cho thiếu nhi, nhưng không, nó miêu tả một giai đoạn nhá nhem, trắng đen, khổ sở, nghiệt ngã, đắng cay của xã hội.”
HHB82 – Goodreads
Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee
“Đọc “Cát bụi chân ai” đến một chương nào đó, thấy Tô Hoài, chao, sao mà tàn nhẫn. Vẫn biết là thơ văn và con người có mấy khi gặp nhau nhưng miêu tả những con người nghệ sĩ đã hi sinh nhường ấy cho nghệ thuật thì có cái vẻ gì đó thật bất nhẫn.
Cụ Nguyễn hiện lên trong những trang viết của Tô Hoài đến là gàn dở, cái gì cũng thích một mình một lối, phải khác người, phải độc, phải lạ; luôn ở trên người ta mà nhìn xuống bằng 1/5 con mắt. Thực ra theo ý đại khái của bác Tô, thì cái tính ấy của cụ Nguyễn ngoa ngoắt bỏ xừ, khùng điên không giống ai, ngạo đời chẳng phải lối.”
Thảo Nguyễn – Goodreads
“Chúng ta đọc hồi ký của ông Tô rồi chê ông vô tình, chê ông bất nhẫn, chê những người đồng môn, cùng nghề của ông là gàn dở. “Họ” trong hiện thực khác với những người trong thơ văn mà ta biết quá; ta nhìn một thi sĩ mà ta tưởng chừng quen thuộc như nhìn thấy một người dưng. Ta những tưởng, cống hiến nhường ấy cho văn học thì họ phải khác kia, họ phải là những con người hoàn hảo không tì vết với những xúc cảm tinh tế, những suy tư, trăn trở về thời đại. Nhưng làm sao ai cũng sống được như những vần thơ?
Ta chê Xuân Diệu say tình, khốn nỗi trên đời ai mà chẳng khát khao tình. Người là thi nhân, cái tình trong người dạt dào hơn, nồng cháy hơn thì ta cũng đành biết thế chứ không nỡ trách. Nguyễn Bính rượu rồi mới thơ, Nguyên Hồng rỏ lệ cho những điều nhỏ nhặt hay cái khác người của Nguyễn Tuân cũng thế – nó làm họ người hơn ai hết. Tô Hoài viết hồi ký này không phải để ta thấy tài hoa những bậc ấy; đã có vô khối sách vở của những nhà phê bình văn học lo chuyện đó. Ông viết là để cho ta nhìn thấy những người, những con người bằng xương bằng thịt chứ không phải một hồn thường lẩn khuất sau con chữ. Những chuyện ấy là để ta cùng ngẫm với nhà văn, không phải để lên án, để định kiến. Nó, với những cái tình rất thường và cũng rất lạ của nó, giúp ta hiểu hơn về đời sống và đời thơ của thi nhân, của nhà văn.
Và đâu phải Tô Hoài viết hồi ký mà không có chút tình gì; quả thực nếu không có tình nó đã chẳng là hồi ký. Có thể là một ít chua chát, có thể là một ít đắng cay – điều này chỉ riêng người mới dám đoan chắc, nhưng hẳn phải có một cái tình, một nỗi niềm gì sâu đậm lắm mới khiến người lưu giữ mãi những ký ức này, viết nó thành văn.”
PenciL – Goodreads
“Nhân vật chính là một dàn các tác giả nổi bật, nên lúc đọc cảm tưởng như đọc về người quen.
Những sinh hoạt thường ngày của giới văn sĩ, cùng những chặng đường tham gia chiến trận, những giao thiệp với xã hội, lối ăn nói đậm chất thời kháng chiến, cả những lập dị thú vị đặc trưng của mỗi ông. Tác giả kể chuyện tự nhiên, có thể trình bày chi tiết những sự việc nhằm khắc họa tính cách và cuộc đời của các nhà văn một cách chân thực và cũng là trần trụi nhất. Mở ra tấm màn về những gì đã góp phần tạo tác nên những tác phẩm có giá trị lớn, được bao thế hệ mến mộ.”
kwinsea – Goodreads
Xem thông tin chi tiết về sách ở Tiki hoặc Shopee
Nguyễn Nhàn